Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á: Lực lượng tuần duyên TQ khiêu khích ở Biển Đông
Ngày đăng 07-10-2019
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington công bố Báo cáo cho biết các tàu tuần duyên Trung Quốc cố ý phát tín hiệu theo dõi từ 3 bãi cạn để khẳng định chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (27/9) dẫn báo cáo của AMTI cho biết hành động trên của Trung Quốc “rõ ràng muốn các đối tác trong khu vực nhận ra tàu của họ đang hiện diện tại đây”, cho rằng đây có thể là kế hoạch chi tiết nhằm mở rộng sự kiểm soát phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. AMTI cũng xác định được 14 tàu tuần duyên Trung Quốc phát tín hiệu Hệ thống nhận dạng tự động (AIS) trong khi tuần tra các bãi cạn Luconia, bãi Cỏ Mây (của Việt Nam) và bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham trong năm qua. Đáng chú ý, theo thống kê của AMTI, tàu Trung Quốc ở bãi cạn Luconia phát tín hiệu AIS trong 258/365 ngày, tàu ở bãi Cỏ Mây phát tín hiệu 215 ngày, còn tàu ở bãi cạn Scarborough là 162 ngày.
AMTI cho biết thêm, các tàu mà Trung Quốc huy động để tuần tra 3 bãi cạn không được trang bị vũ khí mạnh mà chỉ mang theo vòi rồng và vũ khí nhỏ. Tuy nhiên, chúng lớn hơn nhiều so với tàu thực thi pháp luật, thậm chí là tàu hải quân của các nước xung quanh. AMTI cho biết điều đó giúp Trung Quốc xua đuổi tàu của các nước khác mà không cần sử dụng vũ lực gây chết người.
Chuyên gia Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Sáng kiến An ninh Hàng hải thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam ở Singapore, nhận định việc Trung Quốc cho phép các tàu tuần duyên hoạt động là cách thể hiện quyền kiểm soát trên biển. Ông Collin Koh nhận định, “vệc các tàu tuần duyên hiện diện ở đó, công khai phát tín hiệu AIS, có thể nhằm cảnh báo các đối tượng phi nhà nước, đặc biệt là ngư dân của các nước – những người thường xuyên hoạt động tại các vùng đặc quyền kinh tế của nước họ, nhất là khi các ngư dân này không nhận được sự bảo vệ hiệu quả từ các cơ quan hàng hải của chính phủ. Điều này chắc chắn sẽ có tác động, hoặc đe dọa ngư dân của các nước có tuyên bố chủ quyền (trên Biển Đông), hoặc đảm bảo rằng họ phải phục tùng Trung Quốc”.
Trong một động thái liên quan, Phó Chánh án Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio (26/9) cho rằng Trung Quốc muốn xác lập chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough dưới thời ông Duterte và nhất là trước khi Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) được đàm phán thành công. Theo ông Carpio, Bắc Kinh cố gắng xây dựng bãi cạn này, vốn bị Trung Quốc chiếm từ Philippines năm 2012. Lý do là tổng thống Philippines từng nói rằng không thể ngăn cản TQ xây dựng Scarborough bởi họ quá mạnh. Lý giải về phản ứng của Manila, ông Carpio cho rằng Trung Quốc dường như rất tự tin rằng ông Duterte sẽ không triển khai tàu hải quan và cảnh sát biển để ngăn Trung Quốc tôn tạo phi pháp bãi cạn Scarborough. Cùng quan điểm trên, tờ Philstar nhận đinh, nếu Trung Quốc thành công trong việc xây dựng một đảo nhân tạo ở Scarborough, điều đó đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ có thể ngang ngược chiếm giữ lâu dài bãi cạn này. Về mặt chiến lược, Trung Quốc sẽ hoàn thành tam giác quân sự hòng kiểm soát Biển Đông.
Hồi tháng 8, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng Mỹ lần lượt lên án các hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc trên Biển Đông – bao gồm hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam và cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp, lâu đời của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng (12/9) tuyên bố, Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải dương 8 (gồm tàu khảo sát Hai dương địa chất 8 và các tàu hải cảnh hộ tống) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, được quy định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Bà Hằng nhấn mạnh, Việt Nam cũng nêu rõ quan điểm về ảnh hưởng của hoạt động vi phạm của nhóm tàu này đối với quan hệ giữa giữa hai nước và với hòa bình, hữu nghị của khu vực. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khỏi vùng biển của Việt Nam. Bà Hằng cũng nêu rõ, Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán rằng mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng EEZ và thềm lục địa, hoàn toàn thuộc về Việt Nam, được xác định từ lãnh thổ đất liền, theo đúng quy định của UNCLOS 1982, mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Cho đến hiện nay, Trung Quốc đã xây dựng hàng loạt đảo nhân tạo trên các rạn san hô và đá ngầm ở quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Ngoài ra, Bắc Kinh còn quân sự hóa các đảo nhân tạo phi pháp này. Giới phân tích cho rằng Trung Quốc muốn thực hiện hành vi tương tự trên bãi cạn Scarborough với ý đồ nắm được quyền kiểm soát quân sự hiệu quả tại Biển Đông.