Cụ bà 80 tuổi ăn cát thay cơm trong suốt 6 thập kỷ
Nghe có vẻ khó tin, nhưng sự thật là cụ bà trong câu chuyện dưới đây là một trong những hiện tượng hiếm hoi có sở thích kỳ lạ chính là “ăn cát”. Thậm chí bà còn ăn cát thay thế các thực phẩm thông thường khác trong suốt hàng chục năm mà cơ thể vẫn vô cùng khỏe mạnh.
Nhân vật chính trong câu chuyện kỳ lạ này là cụ bà người Ấn Độ, bà Kusma Vati (90 tuổi), đã duy trì thói quen ăn cát của mình trong suốt sáu thập kỷ qua. Điều đáng kinh ngạc là dù chứa một lượng khủng cát trong cơ thể nhưng bà lại hoàn toàn khỏe mạnh và thậm chí bà xem cát như một vị thuốc bổ giúp cho mình giữ được sức khỏe tốt, ít bệnh tật như bây giờ.
Bà Vati tuyên bố, bà chưa bao giờ cảm thấy bị bệnh vì thói quen ăn uống này. Các cháu của bà luôn cầu xin bà từ bỏ thói quen vì sợ nguy hại đến sức khỏe của bà.
“Cháu tôi khăng khăng đòi được giúp đỡ tôi về y tế để thoát khỏi “cơn nghiện” này, nhưng tôi thấy không cần thiết. Tôi khỏe mạnh và phù hợp với tất cả nhờ vào cát, hay đúng hơn cát chính là bí mật cho hạnh phúc của tôi”, bà Vati nói.
Mỗi ngày bà đều giành hàng giờ để tìm kiếm cát và sỏi để cung cấp cho chế độ ăn uống bất thường của mình. Nếu không có cát, bà sẽ nhấm nháp chính tường nhà của mình để “thỏa mãn cơn thèm”. Không cần phải nói, mọi người đều “choáng váng” với chế độ ăn lạ lùng ấy.
“Tôi đã ăn cát sỏi được 63 năm nay. Tôi thích ăn chúng và không nghĩ chúng gây hại gì đối với cơ thể mình. Tôi không gặp bất kỳ vấn đề gì về răng, miệng hay dạ dày. Tôi có thể cắn vỡ viên sỏi cứng nhất mà không gặp khó khăn gì”, bà Kusma một lần nữa khẳng định.
Bà nói tiếp: “Tôi chưa bao giờ gặp bác sĩ vì không có nhu cầu, miễn là tôi có thể nhớ tôi đã cảm thấy hoàn toàn ổn. Tôi bắt đầu ăn cát từ năm 15 tuổi, lúc đó tôi bị đau bụng dữ dội nhưng điều đó không kéo dài, và bây giờ cảm giác như tất cả điều này là rất bình thường đối với tôi.Tôi cảm thấy như thể các khoáng chất trong cát cho tôi năng lượng để làm việc trên các cánh đồng hoa màu”.
Tương tự như cụ bà Kusma Vati, cụ bà Sudama Devi, sống tại ngôi làng Kajri Noorpur (thuộc vùng Shahjahanpur, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) cũng là một người mắc chứng “nghiện ăn cát” như trên.
Cụ Sudama cho biết: “Tôi ăn khoảng 1kg cát mỗi ngày chia làm 3 hoặc 4 bữa. Từ khi ăn cát, tôi chưa bao giờ thấy ốm đau hay đói”.
Cụ kể rằng lần đầu tiên mình nếm mùi vị của cát là năm 10 tuổi. Khi ấy việc ăn cát chỉ xuất phát từ một trò nghịch dại thách đố của bạn bè. Tuy nhiên, trò đùa này đã trở thành thói quen và bà đã nghiện cát đến mức mỗi ngày bà đều ăn khoảng 4 đĩa cát lớn.
“Ngày nhỏ, bạn bè thách tôi xem có thể ăn cát được không. Ngay từ lần đầu tiên thử, tôi đã cảm thấy ngon và sau đó lần đó, tôi ăn chúng như thói quen ăn uống hàng ngày”, cụ Sudama kể lại.
Những người xung quanh chứng kiến cảnh cụ Sudama ăn cát đều miêu tả “như thể cụ đang ăn những thìa đường ngọt ngào”. Thông thường, cụ Sudama sẽ trộn cát với nước để uống hoặc dùng thức ăn khác chấm với cát và ăn trực tiếp. Cụ cũng là người duy nhất trong gia đình có thói quen ăn uống lạ đời như vậy.
Bà Devi còn cho biết việc ăn cát đã giúp bà giải quyết rất nhiều vấn đề về chi tiêu, bởi hoàn cảnh gia đình bà rất khó khăn, và ăn cát sẽ giúp bà tiết kiệm chi phí, hơn nữa bà tin rằng cát chính là thứ giúp cơ thể bà khỏe mạnh và chưa từng phải đến bác sĩ.
Trước khi kết hôn, bà Devi cho biết cha và anh trai mình là người thường xuyên chuẩn bị cát cho những buổi ăn của bà và sau khi kết hôn, chồng bà là người làm việc này. Bà chia sẻ rằng trong lần đầu tiên về nhà chồng, các thành viên trong nhà chồng đã hết sức bất ngờ khi thấy cô dâu mới ăn cát thay vì ăn thực phẩm thông thường.
Một điều khá ngạc nhiên đó là mặc dù ăn một lượng cát lớn trong thời gian dài và ăn uống thiếu chất, tuy nhiên các bác sĩ cho biết bà Devi hoàn toàn khỏe mạnh và không gặp vấn đề nào về sức khỏe. Có lẽ cơ chế trao đổi chất và chứng nghiện ăn cát của cụ Sudama sẽ vẫn là một bí ẩn lớn đối với các nhà khoa học.
Một trường hợp kỳ lạ nữa đến từ Cộng hòa Litva. Cụ bà Stanislava Monstvilene cũng có thói quen ăn cát thay thực phẩm thông thường. Bà cụ khẳng định, trong hơn một thập kỷ qua, bà sống nhờ việc ăn cát. Đáng nói, theo bà Monstvilene, việc ăn cát không chỉ khiến bà khỏe mạnh hơn, mà thậm chí còn giúp bà “tiêu diệt” khối u trong não, bà cho rằng nếu thiếu cát rất có thể sức khỏe của bà sẽ có vấn đề trở lại.
“Tôi từng bị u não giai đoạn cuối. Họ nói tôi sẽ không thể sống lâu nữa. Mức hemoglobin (huyết sắc tố) của tôi là 60 (gấp 5 lần so với bình thường). Một ý tưởng đã lóe lên trong đầu tôi – lấy cát và ăn nó. Lần đầu tiên, tôi bị nghẹn, nhưng sau đó tôi quen dần với nó”, bà Monstvilene nói.
Thời gian qua đi, cụ bà không chỉ quen với chế độ ăn mới của mình, mà còn có cảm giác thèm ăn. Dẫu vẫn phải kiềm chế bản thân để tránh việc ăn cát không kiểm soát, bà Monstvilene đến nay vẫn luôn duy trì thói quen ăn uống kỳ lạ này.
“Bạn không nên trộn cát với thức ăn hoặc nước. Bạn không nên ăn bất cứ thứ gì khác, nếu không bạn sẽ thấy khó chịu. Và nước cũng đừng nên uống. Tôi thường ăn cát ướt, nên sau đó tôi không còn cảm thấy khát”, bà Monstvilene chia sẻ kinh nghiệm ăn cát của mình.
Đáng nói hơn, chuyên gia trị liệu Liliana Vaishvilene, người theo dõi quá trình sức khỏe của bà Monstvilene, xác nhận, sức khỏe của cụ bà thực sự được cải thiện.
Được biết, thói quen ăn uống khác người này có thể là một hình thức của bệnh Pica. Đây là hội chứng rối loạn ăn uống mà những người mắc phải luôn thèm ăn những thứ phi thực phẩm mà không thể cưỡng lại được.
Bệnh Pica có nhiều loại bệnh con với mức độ kỳ quặc hoặc nguy hiểm khác nhau. Người mắc bệnh Pica có thể ăn được những thứ phi thực phẩm như bụi bẩn, giấy, than đá, phấn, đất, hồ dán, kim loại…
Chúc Di (t/h)