Kỹ Thuật Và Trí Óc – lltran
October 13, 2019 | by Ban Tu Thư | 0
(TVVN.ORG) Trí tuệ [con người] tạo ra kỹ thuật. Chính xác hơn là trí tuệ từ một số những bộ óc thông minh chế tạo ra kỹ thuật cho mọi người khác sử dụng, tất nhiên là với một số tiền lệ phí. Con người phát minh ra máy móc, và cũng chính máy móc thay đổi khá nhiều đời sống con người.
Máy móc ngày nay đã làm được hầu hết công việc như vận chuyển (xe hơi, vận tải, tàu bè, máy bay…) đỡ đần ta trong các công việc nặng nề, cần nhiều sức mạnh từ bắp thịt (máy cày, cần trục…). Máy móc giúp con người vận hành sinh hoạt hàng ngày, hoạch định chương trình, xếp đặt thời khóa biểu cho những công việc thiết yếu, nấu ăn, giặt giũ, rửa chén bát, canh chừng trộm cắp … Tóm lại là đời sống con người ngày nay đã có khá nhiều sự “tham dự” của máy móc. Và con người do đó nhờ cậy vào máy móc cũng khá nhiều, chỉ trừ vài hoạt động cá nhân như ăn, ngủ.
Khi kỹ thuật “digital” ra đời và những cỗ máy điện toán lớn nhỏ tiếp tục xông pha chiếm ngự đời sống, nhắc ta lúc thúc giấc, giờ uống thuốc, trả tiền điện nước, tiền thuê nhà, hóa đơn…, chưa kể các cỗ người máy đo huyết áp, tâm điện đồ, xem xét trọng lượng thân thể để trình báo với chuyên viên y tế, “thăm nom”, hỏi han thân nhân xa gần qua video … thì con người hầu như ăn ngủ với máy móc, điển hình là chiếc điện thoại thông minh kè kè bên mình.
Thế rồi căn bệnh thời đại xuất hiện, con người trông cậy vào máy móc quá nên lúc nào cũng nơm nớp lo lắng là ta… quên nghe máy báo tin; đêm ngủ cũng mơ màng không yên giấc đến nỗi nghe cả tiếng rung [tưởng tượng] của chiếc điện thoại. Đã có những người đăng đàn kể chuyện mình thức giấc giữa đêm vì [tưởng rằng] nghe tiếng điện thoại reo/rung. Khi nhìn thì chẳng có chi, chẳng ai gọi cũng chẳng có tin nhắn hay điện thư. Thế là thế nào?
Thì ra kỹ thuật đã thay đổi dần dần cách con người suy nghĩ và hành động, và cái hội chứng tưởng rằng “có” nhưng lại “không” kể trên đã được đặt tên là “phantom phone syndrome” hay “phantom ringing syndrome”, tạm dịch “phantom phone syndrome, chưa kể một số tên gọi khác như “fauxcellarm”, “ringxiety”…
Theo Bác Sĩ Michael Rothberg, danh từ kể trên chỉ để mô tả một ảo giác, một cảm giác không có thật nhưng chưa hẳn là một chứng bệnh!
Ảo giác “điện thoại reo” có thể xảy ra trong giấc ngủ, lúc đang xem tivi hoặc ngay cả lúc đang tắm rửa nhất là khi ta đặt tiếng reo khá lớn. Thính giác con người đặc biệt mẫn cảm với âm thanh trong tần số 1,000 – 6,000 hertz và hầu như mọi tiếng reo từ điện thoại di động đều nằm trong âm lượng này.
Ảo giác “Điện thoại rung” xảy ra khi ta dùng tiếng rung, vibration, để nhắc nhở và mang điện thoại kè kè bên mình trong thời gian từ 1-12 tháng. Theo bài tường trình của Tiến Sĩ Tâm Lý Michelle Drouin, 90% sinh viên tại Indiana University nơi bà ấy giảng dạy, đều trải qua kinh nghiệm của ảo giác “điện thoại rung”. Dù chưa được chứng minh nhưng đã có khá nhiều giả thuyết nhằm giải thích hiện tượng này. Giả thuyết xem ra vững vàng nhất là giả thuyết “neuroplasiticity” đến từ cuộc nghiên cứu tại Ấn Độ nơi 300 sinh viên nhìn nhận trải qua ảo giác “điện thoại ma” (nghe tiếng reo hoặc cảm nhận tiếng rung) dù điện thoại đã tắt hoặc không còn gắn trên thân mình.
Neuroplasiticy có nghĩa là trí óc con người có thể thay đổi [để thích nghi với hoàn cảnh] trong suốt cuộc sống. Não bộ tạo ra các nguồn liên kết [mới], connections, [để] đáp ứng với những thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, khi con người dùng điện thoại di động liên tục bằng cách trả lời, xem màn hình… thì khi điện thoại nhắc nhở [reo hoặc rung], não bộ trở nên “quen” với các cảm giác kể trên rồi tự động đáp ứng như một phản xạ. Nói giản dị là kỹ thuật đã và đang thay đổi cách hoạt động [thu nhận và “chế biến” tin tức] của não bộ con người.
Bác Sĩ Murali Doraiswamy, giáo sư và cũng là nhà nghiên cứu nổi tiếng về tâm lý tại Duke University’s School of Medicine, tường trình về những ảnh hưởng của kỹ thuật trên não bộ. Dưới đây là một số yếu tố điển hình:
-Đảo lộn cách hoạt động của trí óc (“Head cases”) như cách ghi nhớ: Khi mọi thứ tin tức đều có sẵn trên màn hình điện thoại, máy điện toán; đầu óc ta chỉ cần “nhớ” cách tìm “chỗ” chứa dữ liệu (hỏi ông Google hoặc ghé Wikipedia) thay vì tự tìm kiếm dữ liệu cần thiết hoặc tự tra sách vở, tìm tòi từng dữ kiện trong kho dữ liệu tại thư viện.
Ngày xa xưa, con người có thể làm tính nhẩm trong đầu trước khi có máy tính, calculator. Trông cậy vào máy móc nên ta lúng túng khi phải tính toán những con số đơn giản nhất như tiền huê hồng trên hóa đơn quán hàng. Càng ngày ta càng trông cậy vào máy móc, dụng cụ, các “app”…, từ điện thoại di động đến các kho chứa trên liên mạng như Google để ghi chép, ghi nhận, ghi nhớ dùm các dữ liệu lớn nhỏ.
Kỹ năng tìm đường đi qua hướng gió, sao trời…, rồi đến la bàn, bản đồ… mỗi ngày một thui chột vì kỹ thuật định vị GPS mới mẻ tiện dụng, dễ dàng, mau lẹ. Khi điện thoại mất sóng thì không lạ là bá tánh có nhiều người lạc lối trong rừng.
Tuy nhiên, theo ông Doraiswamy, trí óc con người sẽ phát triển theo chiều hướng mới, chiều hướng của các kỹ thuật cung cấp cho đời sống thường nhật. Thì ra đây là một cái vòng lẩn quẩn: [một vài] con người [xuất chúng] tạo ra kỹ thuật, máy móc; rồi kỹ thuật máy móc [theo sự chỉ dẫn của con người] vòng lại huấn luyện những con người [tầm tầm khác] cách sử dụng chúng. Từ đó trí óc con người thay đổi dần dần?
Kỹ thuật / máy móc hữu dụng là thế nhưng cũng chính những thứ này ảnh hưởng đến sức khỏe con người, “dở” cũng như “hay”:
-Sử dụng điện thoại thông minh vào giờ ngủ sẽ dẫn đến chứng mất ngủ. Tại sao? Số lượng dữ kiện ào ạt xuất hiện trên mỗi điện thư, tin nhắn. Não bộ vẫn tiếp tục làm việc để “tiêu hóa” những dữ kiện ấy khoảng 20 phút sau khi ta ngưng đọc. Nói giản dị là bộ óc vẫn làm việc khoảng nửa tiếng sau khi ta tắt điện thoại / máy điện toán, và tất nhiên là ta sẽ trăn trở, khó ngủ trong giai đoạn này.
-Sử dụng “loa thông minh” (smart speaker) như một loại “thời khóa biểu” (voice technology hay “kỹ thuật [sử dụng] âm thanh”) để nhắc nhở người sử dụng về những điều cần làm theo lịch trình hàng ngày, tuần, tháng, năm…, giờ họp trong sở làm, lúc cần uống thuốc, khi phải đón con em từ trường học, ngày nào cần thay dầu nhớt máy móc, filter, buổi hẹn với nha sĩ…, toàn những thứ cần phải nhớ nhưng vì bận rộn quá nên ta có thể trễ nải hoặc quên khoắng. Thế là kỹ thuật cung cấp vật dụng để nhắc nhở con người. Từ chiếc điện thoại di động, thời khóa biểu được trưng bày trước mắt, khi thì chuông reo, lúc thì có cả một câu nhắc nhở qua cái loa thông minh (thực ra thì con người thông minh, chế ra món ‘app’ dạy cái loa phát ra tiếng nói đúng thời điểm định sẵn!).
Tiện dụng như thế nhưng sự giao tiếp giữa người và “máy” qua kỹ thuật [sử dụng] âm thanh này lại làm “cùn” trí tuệ, giảm việc hoạt động của trí óc đến 50% so với việc gõ bàn phím hoặc dùng ngón tay sờ màn hình vì ta phải sử dụng mắt [để nhìn] phối hợp với các động tác của ngón tay. Đây là điều đang ưu tư của những chuyên viên nghiên cứu về sự phát triển tâm thần của trẻ em, sử dụng loa ‘thông minh’ sẽ chịu những ảnh hưởng nào khi ta chỉ sử dụng khoảng 50% trí óc trong sinh hoạt hàng ngày?
Ngược lại, vào tuổi già nhất là với những vị đầu óc không còn minh mẫn, hay quên, bị chứng Alzheimer, loa thông minh rất hữu ích trong việc nhắc nhở những điều cần thiết.
-Sử dụng “Immersive technologies”, các kỹ thuật đưa con người [thật] “chìm đắm” vào môi trường [ảo] như “augmented reality” (AR), “virtual reality” (VR), hoặc “mixed reality” (MR); diễn nôm na là môi trường được máy móc (thu góp hình ảnh, âm thanh…) rồi khuếch đại mọi chi tiết để người sử dụng dễ dàng tìm hiểu học hỏi. Khi nói đến các kỹ thuật kể trên ta thường nghĩ ngay đến các trò chơi điện tử (electronic game), các món giải trí nhưng thực ra, các kỹ thuật này đã được áp dụng vào nhiều môi trường khác nhau, từ huấn luyện đến quảng cáo và những ngành làm ăn buôn bán khác.
AR được dùng để dạy [học] hoặc huấn luyện và đây là một dụng cụ vô cùng hữu ích; kết quả từ các cuộc nghiên cứu cho thấy AR gia tăng 70% số lượng chi tiết cần thiết để ghi nhớ trong học viên.
AR và VR đã thay đổi cách học hỏi của con người. Các kỹ thuật này khi dùng trong môi trường giáo dục, huấn luyện đã giúp học viên thu nhận dễ dàng hơn những khái niệm mới mẻ qua việc “giao tiếp” [giữa người và máy] hay “interactive”. Việc học hỏi trở nên thiết thực và có thể áp dụng vào ngành chuyên môn vì học trò nhìn thấy trước mặt các hình ảnh trình bày sự việc, thay vì chỉ nghe giảng viên mô tả các khái niệm [trừu tượng]. Thí dụ điển hình là việc dạy môn Cơ Thể học, sinh viên ngồi trước màn hình, qua AR và VR, bộ phận trong cơ thể con người được phơi bày từng lớp từ da đến mô… bên dưới với từng chi tiết rõ ràng, mạch máu, thần kinh… Sinh viên chỉ cần sờ lên màn hình để phóng đại các chi tiết muốn tìm hiểu. Qua cách giảng dạy này, sinh viên có thể học hỏi cặn kẽ về cơ thể con người.
Kỹ nghệ du lịch cũng dùng AR để thu hút khách hàng, từ việc quảng cáo đến loan tải tin tức về thắng cảnh quý hiếm; chỉ dẫn đường sá và ngay cả các “app” dùng trong việc chuyển ngữ. Người sử dụng chỉ cần bấm vài cái nút trên điện thoại di động là tha hồ biết mình đang ở đâu trên đường xa xứ lạ, làm thế nào để hỏi thăm về hàng quán, và ngay cả việc đặt các buổi hẹn với thân hào nhân sĩ, nghệ sĩ địa phương…
Ngành nhân sự (human resources) cũng sử dụng AR để huấn luyện nhân viên cũ mới về cung cách hoạt động, làm ăn của công ty. Nhân viên chỉ việc vào máy điện toán, tự học các bài bản huấn luyện rồi thử “test’ xem đã ghi nhận đủ những dữ kiện cần thiết hay chưa, và có thể tự học nhiều lần cho đến khi đủ “điểm” để nhận chứng chỉ.
Đi xa hơn, riêng trong ngành Y, các trường đại học và bệnh viện lớn đã dùng các “Surgical theater”, phòng ốc trang bị máy móc để trình chiếu phim ảnh 3-chiều để sinh viên có thể quan sát đầy đủ 360 độ các cuộc giải phẫu (được thu hình trước đó) và giáo sư chỉ dẫn, giảng giải thêm.
Các bác sĩ cũng được học hỏi thêm hoặc trao đổi kinh nghiệm với những đồng nghiệp tiền bối / lành nghề ở xa qua kỹ thuật telemedicine.
AI hay artificial intelligence đang được dùng để tìm dấu vết chứng Alzheimer’s disease, triệu chứng của trầm cảm. Ngoài ra công ty của ông Elon Musk đang thử nghiệm việc sử dụng Neuralink, một cái “chip” điện tử gắn vào não bộ, để nối kết trí óc [con người] với liên mạng. Kết quả của cuộc nghiên cứu này chưa được công bố.
Kỹ thuật và máy móc tân tiến hiện đại như thế nhưng câu hỏi của những nhà xã hội vẫn nằm trong nền tảng “đạo đức”, sử dụng máy móc phổ thông như thế thì sự riêng tư cá nhân chịu ảnh hưởng ra sao? Cách dùng nào thì hợp đạo đức, luân lý? Con người có thể dùng máy móc để điểu khiển người khác hay không? Làm thế nào để duy trì sự cân bằng giữa kỹ thuật và trí óc [con người]?
Trong khi ta loay hoay với những câu hỏi khó khăn kể trên, các nhà tâm lý đều đồng ý rằng hãy hòa mình chung sống với thiên nhiên chung quanh, để tâm trí đến gia đình, nói chuyện với người thân và nhất là giới hạn thời giờ cũng như năng lực dành cho máy móc, kỹ thuật. Đừng quên tắt điện thoại di động khoảng 1 tiếng trước khi đi ngủ. Nghĩa là hãy ‘làm’ con người; máy móc kỹ thuật chỉ là dụng cụ để ta dùng trong công việc nào đó; chúng không mang lại hạnh phúc cho đời sống.