Mỹ: Biểu tình ở nhiều nơi kêu gọi phế truất Donald Trump
Trọng Thành-Đăng ngày 14-10-2019
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh tại Washington ngày 12/10/2019.REUTERS/Yuri Gripas
Trên khắp nước Mỹ đã diễn ra hàng chục cuộc biểu tình kêu gọi phế truất tổng thống Donald Trump. Những người biểu tình hy vọng thổi bùng lên một phong trào để gia tăng sức ép đối với giới chính trị, đặc biệt các nghị sĩ Cộng Hòa, chiếm đa số tại Thượng Viện, hiện tại vẫn ủng hộ tổng thống. Hôm qua, 13/10/2019, hơn 200 người xuống đường tại New York.
Thông tín viên Anaki Loubna tường trình từ New York :
‘‘Donald Trump vào tù…’’, hai trăm người biểu tình đồng thanh hô vang trên đường phố New York. Đối với họ, không còn nghi ngờ gì nữa, tổng thống Mỹ sẽ phải ra đi.
Một người đàn ông cho biết : ‘‘Donald Trump, chính phủ của ông ta và hành xử của ông ta, kể từ khi ông ta đắc cử, là không thể chấp nhận được’’. Một người phụ nữ bày tỏ : ‘‘Nếu chúng ta không lên tiếng ngay bây giờ, khẳng định điều mà Hiến pháp đã nói và những việc này đã xâm phạm Hiến pháp, thì Hiến pháp sẽ không còn giá trị gì !’’.
Trong con mắt của những người biểu tình, thủ tục phế truất mà Hạ Viện đã khởi động, tiếp theo vụ ‘‘Ukrainegate’’ tiến quá chậm. Họ cũng hiểu rằng, cho dù phe Dân Chủ có đi đến cùng, thì về nguyên tắc, rất ít có cơ hội Thượng Viện, với đa số theo đảng Cộng Hòa, sẽ bật đèn xanh cho việc phế truất.
Một người phụ nữ giải thích : ‘‘Hãy làm sao đây để mọi người hiểu rằng các thủ tục được tiến hành theo con đường thông thường sẽ không thể nào đánh bật được ông ta. Chính vì vậy chúng tôi phải hành động’’. Một phụ nữ khác thì bày tỏ tâm trạng thất vọng, vì người Mỹ đã không làm được như người Hồng Kông, không có được hàng nghìn người xuống đường mỗi ngày.
Khi được gợi ý là liệu họ có thể làm gì để thay đổi tình thế trong cuộc bầu cử tới, câu trả lời của những người biểu tình là rõ ràng. Một phụ nữ nhấn mạnh : ‘‘Ông ta đã làm tổn hại toàn bộ cả một hệ thống. Làm thế nào mà chúng ta có thể chắc chắn có được các cuộc bầu cử công bằng đây ?’’. Nhiều cuộc tuần hành tương tự diễn ra tại một số thành phố. Tất cả kêu gọi biểu tình lớn vào thứ Bảy tới’’.
Bộ trưởng Quốc Phòng khẳng định hợp tác với Hạ Viện
Hôm qua, trả lời đài CBS, lãnh đạo bộ Quốc Phòng Mark Esper cho biết ‘‘sẽ làm mọi điều có thể để hợp tác với Hạ Viện’’, do đảng Dân Chủ kiểm soát, trong cuộc điều tra luận tội nhằm tiến tới phế truất tổng tổng thống, bất chấp việc Nhà Trắng vừa ra thông báo ngừng mọi hợp tác với Quốc Hội, với lý do ‘‘điều tra mang tính thiên vị và vi hiến’’.
Hôm thứ Hai tuần trước, 07/10, các dân biểu Hạ Viện phụ trách điều tra đã yêu cầu Lầu Năm Góc cung cấp các tài liệu liên quan đến vụ Ukrainagate. Hạ Viện muốn xác minh nghi vấn về việc tổng thống Trump gây áp lực với Ukraina, nhằm buộc Kiev điều tra về đối thủ chính trị Joe Biden, đặc biệt với cáo buộc đình chỉ viện trợ quân sự Mỹ trong nhiều tuần, để gây áp lực.
Theo AFP, trên thực tế, trước khi Hạ Viện yêu cầu, bộ Quốc Phòng đã thông báo sẽ hợp tác với Quốc Hội trong cuộc điều tra này. Hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng cho biết rõ hơn là, việc Lầu Năm Góc quyết định hợp tác không đồng nghĩa với việc mọi tài liệu liên quan sẽ được chuyển giao cho Quốc Hội, bởi Nhà Trắng giữ quyền quyết định tài liệu nào không được cung cấp.