Thân nhân 5 nhà hoạt động nhân quyền kiện trại giam Phan Đăng Lưu
October 14, 2019
SÀI GÒN 14-10 (NV) .- Thân nhân 5 nhà hoạt động nhân quyền hiện đang bị giam giữ loan báo họ kiện trại giam số 4 Phan Đăng Lưu ở Sài Gòn vì cố tình vi phạm hiến pháp và luật pháp của chế độ.
Năm người cùng đứng tên chung để kiện là: bà Huỳnh thị Kim Nga, là vợ ông Ngô Văn Dũng; bà Đoàn thị Khánh, là chị gái của Đoàn thị Hồng; bà Lê thị Khanh, là vợ ông Trần Thanh Phương; bà Đỗ thị Bé, là vợ ông Hồ Đình Cương và ông Lê Văn Định, là chồng của Hoàng Thị Thu Vang.
Cả 5 người đang bị giam giữ tại trại giam số 4 Phan Đăng Lưu Sài Gòn (Ngô Văn Dũng, Đoàn Thị Hồng, Trần Thanh Phương, Hồ Đình Cương và Hoàng Thị Thu Vang) bị nhà cầm CSVN bắt vào nhiều dịp khác nhau hồi Tháng Chín năm ngoái. Có người bị vu cho tội “phá rối an ninh” như ông Ngô Văn Dũng, bà Đoàn Thị Hồng, ông Hồ Đình Cương sau các vụ biểu tình chống “Luật đặc khu kinh tế …” và “luật an ninh mạng” tháng Sáu 2018.
Bức thư của họ gửi cho cộng đồng mạng, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức Nhân quyền quốc tế, Amnetsty International, Cao ủy Nhân Quyền Liên Hợp Quốc, các tổ chức, cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế, để thông báo vụ kiện.
Trong bức thư gửi công khai trên mạng xã hội Facebook của bà Đoàn Thị Khánh (Đoàn Kim Khánh) thông báo “tiếp tục nộp đơn khởi kiện công an trại giam số 4 Phan Đăng Lưu, đã liên tục, cố tình vi phạm Hiến Pháp và vi phạm luật thi hành tạm giữ, tạm giam trong suốt quá trình giam giữ thân nhân của chúng tôi.”
Bức thư cáo buộc là cơ quan an ninh CSVN “nhân danh thực thi công vụ, nhân danh thừa hành pháp luật để bắt giam, ngăn chặn thân nhân chúng tôi, nhưng chính họ lại thực hiện những hành vi vi hiến và vi phạm pháp luật nghiêm trọng!”
Thư trích dẫn các điều khoản của hiến pháp CSVN (điều 30, điều 119) về quyền của người bị bắt giam để nói rằng “trường hợp thân nhân của chúng tôi bị bắt giữ mà không được gặp thân nhân, luật sư hay người bào chữa thì chúng tôi đều có quyền khiếu nại, tố cáo sự vi phạm pháp luật của cơ quan tạm giữ, tạm giam về hành vi ngăn chặn không cho thân nhân được thăm gặp và không cho tiếp xúc luật sư hay lãnh sự.”
Đồng thời, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 của CSVN, căn cứ vào các điều khoản sau đây, (điều 4, khoản 1; điều 8 khoản 4; 9, khoản 1, điểm d), thân nhân của các người đang bị bắt giam nói trên thấy rằng “thân nhân chúng tôi đang bị nơi tạm giữ, tạm giam đang có những hành vi vi phạm nghiêm trọng luật thi hành tạm giữ, tạm giam.”
Họ đã dựa trên các điều luật trong Hiến Pháp CSVN năm 2013 và Luật tạm giữ, tạm giam của CSVN năm 2015 làm căn cứ pháp lý để khởi kiện. Bởi vì nhà tù CSVN tại Sài Gòn không “Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người”.
Cán bộ nhà giam đã “cản trở người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, quyền bào chữa, được trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, khiếu nại, tố cáo, quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân” theo quy định của Luật tạm giam và luật khác có liên quan.
Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) từng kêu gọi chế độ Hà Nội trả tự do ngay lập tức blogger, nhà hoạt động Ngô Văn Dũng sau khi ông đột ngột bị bắt giữ hồi Tháng 9-2018 nhưng không hề có tác dụng.
Tuy Bộ luật tố tụng hình sự CSVN (được sửa đổi năm 2015) quy định bị can được gặp luật sư và gia đình ngay sau khi bị bắt, nhưng phần lớn người hoạt động nhân quyền, cổ động dân chủ, bị bắt và vu cho họ các tội danh dựa trên những điều luật mơ hồ thường bị giam giữ suốt nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà không được tiếp cận luật sư và không được gặp gia đình.
Trong nhiều vụ án, các luật sư biện hộ đã tố cáo tòa án CSVN đã xét xử bất chấp luật lệ hình sự tố tụng, không phải hiếm.
Thực tế thì như vậy nhưng ngày 28/09/2019 vừa qua, báo chí trong nước loan tin “Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR) và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
“Mục tiêu của Kế hoạch nhằm xác định rõ nội dung công việc và lộ trình thực hiện phù hợp trong việc tăng cường hiệu quả triển khai các quy định của Công ước ICCPR và khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc.
“Từ đó, góp phần nâng cao sự hưởng thụ của người dân về các quyền dân sự và chính trị phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam; bảo đảm các yêu cầu đối ngoại, đối nội, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.”(TN)