Anh Quốc : Các công ty chuẩn bị với hậu quả nhãn tiền của Brexit
RFI-Đăng ngày 16-10-2019
Các doanh nghiệp ở Anh cũng như châu Âu đang đau đầu để ứng phó với hệ quả của Brexit đang tới gần. Ảnh minh họa chụp tại thị trường chứng khoán Frankfurt, Đức, ngày 16/01/2019.REUTERS/Kai Pfaffenbach/File Photo
Không còn bao nhiêu ngày nữa là đến hạn nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Trong lúc Bruxrelles và Luân Đôn đôn đáo chuẩn bị cho các cuộc thương lượng quyết định thì ở nước Anh các doanh nghiệp từ vừa và nhỏ cho đến các tập đoàn lớn cũng đang bề bộn lo toan cho mình.
Cùng với thông tín viên Eric Albert của nhật báo Le Monde, chúng ta tìm hiểu về những doanh nghiệp ở Anh chuẩn bị thế nào trước cuộc chia tay của Vương Quốc Anh với Liên Hiệp Châu Âu.
Đến lúc này, chỉ còn hai tuần nữa tới ngày 31/10, hạn chót như hứa hẹn của thủ tướng Boris Johnson, nước Anh sẽ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Chưa có ai dám chắc Brexit diễn ra hay không, dù ngày 17 và 18/10 này các nguyên thủ châu Âu có cuộc họp quan trọng định đoạt tương lai của Brexit.
Đó là chuyện của các nhà chính trị, còn với những doanh nghiệp ở Anh, dù kết cục thế nào thì hậu quả của Brexit đối với kinh tế và sự sống còn của các doanh nghiệp vẫn là có thực. Ngay cả Brexit có tiếp tục lùi lại thời hạn hay bị hủy hẳn (một khả năng vô cùng nhỏ), thì các tập đoàn đa quốc gia hay doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng không thể không tính tới những tác động của khả năng nước Anh ra khỏi Liên Âu.
Brexit sẽ tác động đến mọi lĩnh vực hoạt động của tất cả các doanh nghiệp. Tất cả đều phải chuẩn bị cho những hệ quả nước Anh ra khỏi châu Âu, từ môi trường quy định cho đến hoạt động cung ứng hậu cần bị đảo lộn. Tất nhiên một hệ thống luật lệ chung đã có từ 50 năm qua nay phải làm lại không phải là chuyện đơn giản.
Kho chứa đã đầy hàng tích trữ
Trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, một lo ngại lớn là hàng hóa bị tắc nghẽn ở biên giới. Điều này sẽ xảy ra ngay ngày 01/11 tới. Nhiều nhà máy xe hơi Anh đã quyết định đóng cửa ngày này để tránh sự hỗn loạn. Các xe tải chở hàng đến biên giới chắc chắn sẽ không thể có đủ các thủ tục cần thiết vì thế việc ùn tắc sẽ rất lớn.
Để chuẩn bị với tình trạng này, nhiều công ty chọn cách tích trữ hàng trong kho. Lượng hàng nằm trong kho của các công ty như vậy đã vượt 11 tỷ bảng Anh, tức là cao hơn mức bình thường 10%, theo tính toán của Center for Economics and Businesses Research. Đây là điều chưa từng có ngay cả trong trường hợp chuẩn bị ứng phó với sự cố tin học Y2K năm 2000 và cơn bão tài chính năm 2008.
Một số công ty không có lựa chọn nào khác như các cơ sở bào chế dược phẩm chẳng hạn. Đề phòng tình trạng khan hiếm thuốc, chính phủ Anh đã đề nghị các công ty thuốc phải tích trữ lượng hàng cho 6 tuần.
Jayne Master, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải cho biết « giờ đây không còn chỗ trong các kho chứa hàng ở đông nam nước Anh ». Tháng trước, bà đã phải liên tục từ chối khách hàng. Do nhu cầu kho chứa hàng tăng quá cao nên giá thuê kho cũng cũng tăng lên, trung bình khoảng 20% trên cả nước.
Wincanton, một công ty quản lý 200 kho chứa hàng khẳng định : « Tình hình hiện nay tồi tệ hơn cả hồi tháng 3. Noel đang đến gần trong khi các kho đã đầy ắp hàng tích trữ ». Các kho chứa hàng lạnh cũng đang trong tình trạng quá tải, « không còn chỗ để tích trữ thực phẩm », Wicanton cho biết thêm. Tình trạng này dẫn đến việc như một nhà phân phối của Anh buộc phải sử dụng kho lạnh của một trong những hãng cạnh tranh với họ.
Đầu tư ngừng trệ
Trong khi chờ đợi Brexit được rõ ràng, các doanh nghiệp đã giảm đầu tư vào Vương Quốc Anh. Khoảng 15% các nhà đầu tư nước ngoài đã cho ngừng một hoặc nhiều dự án từ năm 2008. Tuy nhiên chưa có gì đáng nghiêm trọng. Anh Quốc vốn vẫn là nước có nền kinh tế mở nhất trong châu Âu, vẫn là nước dẫn đầu Liên Hiệp Châu Âu về đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhưng khoảng cách này đang thu hẹp dần. Các khu vực dễ bị tác động của Brexit nhất đang bị giảm đầu tư mạnh, 35% đối với lĩnh vực chế biến trong năm 2018.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu xu hướng này tiếp tục, Vương Quốc Anh có nguy cơ chỉ còn là nước để các công ty đặt chi nhánh. Anh vẫn một thị trường hấp dẫn, nhưng sẽ không còn là nơi để các nhà đầu tư cắm nhà máy hay đặt cơ sở tìm kiếm và phát triển.
Thí dụ rõ nét nhất là ngành công nghiệp xe hơi. Đây là ngành có dây chuyền vận tải đặc biệt gắn kết với phần còn lại của châu Âu. Năm 2015, ngành này có mức đầu tư 2,5 tỷ bảng tại Anh Quốc. Trong 6 tháng đầu năm nay, con số này chỉ còn là 90 triệu bảng.
Di dời cơ sở : Không có hiện tượng ra đi ồ ạt
Ngoại trừ hai cơ quan lớn của châu Âu là Cơ quan quản lý thuốc và ngân hàng với hơn nghìn nhân viên đã chuyển khỏi Luân Đôn để đến Amsterdam và Paris, hầu như chưa có mấy công ty rời bỏ nước Anh.
Ban đầu có chút hoảng loạn, nhưng sau các công ty đã trấn tĩnh lại. Mục tiêu là hạn chế di chuyển nhân sự ít nhất có thể.
Có hai lĩnh vực bị Brexit tác động nhiều là tài chính và dược phẩm. Trong cả hai trường hợp đều cần có giấy phép của Liên Hiệp Châu Âu và được sự đồng ý của cơ quan điều tiết thì mới có thể bán sản phẩm của mình. Gần 1000 tỷ euro vốn đã được chuyển từ Luân Đôn về các nước còn lại của Liên Hiệp Châu Âu.
Về lao động, khoảng một nghìn nhân viên đã được di chuyển và 7000 lao động đang sẵn sàng dọn nhà khi Vương Quốc Anh thực sự ra khỏi Liên Âu. Con số này vẫn còn thấp hơn 5 lần so với các tính toán sau cuộc trưng cầu dân ý về Brexit 2016.
Lấy thí dụ năm 2016, ngân hàng HSBC thông báo dự tính chuyển 1000 nhân viên sang Paris, nhưng theo thông tin của báo Le Monde, sẽ chỉ có khoảng 200 nhân viên chuyển đi, số còn lại sẽ được tuyển dụng tại chỗ.
Các phòng thí nghiệm bào chế thuốc cũng đã phải chuẩn bị. Các loại thuốc men được bào chế tại Anh sẽ phải qua xét nghiệm của châu Âu, để có thể tiếp tục được bán trong Liên Hiệp Châu Âu, cả trong trường hợp Brexit có thỏa thuận hay không thỏa thuận. Cái giá cho sự chuẩn bị cho Brexit của các hãng dược cũng phải lên tới 45 triệu euro.
Ngành công nghiệp xe hơi bị đe dọa phải đóng cửa nhà máy. Thí dụ, Nissan có một cơ sở lớn tại Sinderland ( đông – bắc Anh). Mới đây ông Gianluca Ficchy, chủ tịch Nissan tại châu Âu khẳng định : « Nếu chúng tôi phải trả thuế xuất khẩu 10%, khi mà 70% sản phẩm của chúng tôi xuất sang châu Âu thì mô hình kinh tế của chúng tôi sẽ không trụ được ». Nguy cơ này sẽ thành hiện thực trong trường hợp Brexit « no deal ». Cũng như nhiều hãng xe khác, Nissan đang chỉ biết ngồi chờ kết quả thương lượng giữa Luân Đôn và Bruxelles.
Lưu trữ dữ liệu tin học cũng gặp khó
Ngay sau ngày trưng cầu dân ý thông qua Brexit, 23/06/2016, công ty Mỹ Cornerston, chuyên phát hành phần mềm quản lý nguồn nhân lực và đào tạo đã thông báo đặt máy chủ tại lục địa châu Âu (một máy ở Paris và một ở Frankfurt). Brexit đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý các dữ liệu tin học.
Nếu các dữ liệu này được sử dụng ở châu Âu thì phải tuân thủ các quy định chung về bảo vệ an toàn thông tin. Vấn đề là ở chỗ chỉ có các dữ liệu được các cơ quan có thẩm quyền của châu Âu thừa nhận chuẩn mực an toàn thì mới được truyền trong Liên Hiệp Châu Âu. Sau ngày Brexit « no deal », Vương Quốc Anh không còn được hưởng quy chế đó.
Tình trạng bất định khiến các công ty buộc phải suy nghĩ đến việc tìm « kho chứa dữ liệu ». Ở thời đại hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tính đến các máy chủ của Amazon, Microsoft hay Google, chủ yếu đặt ở Cộng Hòa Ai len để không bị gián đoạn dịch vụ thông tin.
(Theo Le Monde)