Gánh Trà Xu Hà Nội.

Chuly sưu tầm

Gánh Trà Xu Hà Nội.
Written by Trần Tiến Dũng

Không ai biết những hàng trà xu Hà Nội có từ bao giờ…

Người đầu tiên tôi gặp khi ra Hà Nội là một anh tài xế trẻ. Trong câu chuyện suốt đoạn đường từ phi trường Nội Bài về phố cổ Hà Nội, anh thường lập đi lập lại khát vọng được vào Sài Gòn. Anh nói, “Ðường trong đó to hơn, cánh tài xế của chúng em chỉ mong đến thế.”

Một hàng trà xu nửa cổ nửa tân của một bà cụ có hơn 20 năm sống bằng hàng trà. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Thật ra thì đường Hà Nội trong vài năm trở lại đây được xây mới nhiều hơn. Từ phi trường Nội Bài về, đoạn xa lộ này và cả những xa lộ vùng ven khác trông na ná giống những con đường của các nước đang phát triển trong vùng Ðông Nam Á. Nhưng chắc chắn có một điểm không bao giờ có thể bằng những quốc gia “tư bản chủ nghĩa” lân bang như Thái Lan, Malaysia, Indonesia… đó là ý thức tôn trọng luật lệ giao thông của người sử dụng công lộ.

Khi xe vào nội đô, anh tài xế hỏi tôi, “Bác thấy ngoài này chúng em chạy xe thế nào?” Tôi nói, “Cực giỏi, các cậu lái ô tô tài như đi xe máy.” “Hà Nội có nhiều đền đài, chùa chiền, lăng tẩm… mỗi bước đi của đời sống người Hà Nội hôm nay có thể chạm vào, có thể xới lên vô số phế tích và cổ vật. Nhưng chúng tôi tin thói quen uống trà xu của người Hà Nội mới chính là con đường hiện hữu xuyên suốt quá khứ và tương lai của riêng văn hóa Hà Nội.”

Ðến phố Lý Quốc Sư, nơi chúng tôi trú có tên gọi là Ngõ Huyện thuộc khu vực phố cổ. Ðây là một khu phố ưa thích của dân Tây du lịch ba-lô, và cảnh sinh hoạt không khác khu Phạm Ngũ Lão ở Sài Gòn. Buổi sáng ở khu phố này được bắt đầu vào lúc 10 giờ. Và một trong những điều thú vị nhất khi ở cùng khu với dân du lịch ba lô là ngồi trong quán hàng giờ liền, ngồi không để làm gì, ngồi ngơ ngơ vậy thôi.

Mỗi sáng, người dân phố cổ Hà Nội vẫn còn nguyên thói quen mua hàng từ những gánh hàng rong và nói vói nhau những câu chuyện nhỏ. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chúng tôi đến ngồi với một hàng bán trà xu ngay trước vách tường đền thờ Lý Quốc Sư. Bà bán trà xu tuổi khoảng ngoài năm mươi. Ðầu bà đội một cái khăn màu lòe loẹt theo kiểu diện của một cô gái. Ðêm về khuya, hàng trà xu của bà chỉ còn lại hai người đàn ông, một trong hai người là một người bị hội chứng thiểu năng. Anh này rít thuốc lào liên tục và khói thuốc phả vào không gian chung quanh làm nên một đêm Hà Nội trong tiết tàn thu đậm đặc chất Bắc.

Không ai biết những hàng trà xu Hà Nội có từ bao giờ. Một tay xe ôm nói với chúng tôi, “Như nước dãi trong mồm í, hỏi có từ bao giờ, chịu!” Một người bạn từ miền Nam ra kể, “Lúc trước, khoảng cuối thập niên tám mươi, ở ngay đầu dốc phố hàng vôi, một nơi mà gió lạnh mùa Ðông đêm nào cũng vùi dập vậy mà có một bà cụ ngồi bán trà xu, tôi hỏi thăm thì biết cụ đã ngồi ở đó suốt hơn sáu mươi năm với ấm trà. Ngồi từ lúc cụ chưa có chồng đến lúc không còn đứa con trai nào sống sót.”

Hàng trà xu Hà Nội ngày nay đã thay đổi. Thay vào những cái ghế gỗ thấp là ghế nhựa, không còn những chiếc cốc bằng sứ nhỏ như ngón cẳng cái, không còn những cái mền được may bằng những miếng vải vụn đắp ủ bình trà. Lúc chúng tôi nói chuyện với một tay sưu tập đồ cổ, chúng tôi thiệt lòng muốn bày chuyện lưu giữ những dụng cụ xưa của hàng trà xu, anh cười thản nhiên, nói, “Những thứ đấy thì Hà Nội có khối, đáng gì.”

Có thật là không “đáng gì” chăng! Hà Nội có nhiều đền đài, chùa chiền, lăng tẩm… mỗi bước đi của đời sống người Hà Nội hôm nay có thể chạm vào, có thể xới lên vô số phế tích và cổ vật. Nhưng chúng tôi tin thói quen uống trà xu của người Hà Nội mới chính là con đường hiện hữu xuyên suốt quá khứ và tương lai của riêng văn hóa Hà Nội.

Chúng tôi được một bà bán trà xu ở phố Nhà Thờ rót cho một ly trà. Cái ly thủy tinh cỡ trung mà bà rót có vẻ cho thấy sự thay đổi trong cách sống của người Hà Nội. Người Hà Nội ngày nay thích thú với chuyện to hơn và “hoành tráng” hơn. Bà bán trà xu hỏi tôi, “Anh người trong đấy, không uống trà đá à?” Tôi gật đầu gọi thêm một ly trà đá. Ly trà đá ở Hà Nội không bự bằng trong Nam nhưng trà thì thơm ngon hơn và đá ít hơn.

Chuyện những hàng trà xu ở Hà Nội bán thêm món trà đá là một chuyện lạ lùng. Có lẽ không phải vì thức uống quen thuộc của người miền Nam đã chinh phục khẩu vị dân Hà Nội mà bởi Hà Nội bây giờ quạt máy, máy lạnh, trà đá phần nào đó cứu vớt cảm giác dân Hà Nội, trong thời buổi mà người đông đen tới mức ngộp thở.

Trong quán ăn ở Hà Nội muốn uống nước trà tráng miệng thực khách phải trả tiền. Việc xem trà là một thức uống riêng biệt phần nào đó do trà có giá đắt hơn cả cà phê và các thức uống giải khát khác, nhưng cái chính uống trà vẫn là một biểu tượng văn hóa riêng mà mọi người đều hạnh phúc khi trả tiền để thấm cho mình văn hóa sinh hoạt xứ Hà Thành. Có lẽ mai này sẽ bắt gặp người Hà Nội uống thứ trà đóng chai, nước thảo mộc đóng chai, uống trà đá, pepsi, coca… thường hơn là uống trà nóng tự pha và tiến trình lai tạp này đang và sẽ xóa đi sự sống của văn hóa trà.

Hà Nội lúc này, các phòng khách sang trọng của dân trí thức và nhà giàu mới đâu đâu người ta cũng mỉa mai đay nghiến không thương xót cái luận đề “Chủ nghĩa tư bản đang giẫy chết.”

Ngồi nhâm nhi hàng trà xu, nghe cách nói, nghe giọng người Hà Nội bình dân cũng là một thú vị khác. Ở một quán trà xu bên hồ Thuyền Quang, chúng tôi nghe một đôi tình nhân nói đủ thứ chuyện và bất ngờ người thanh niên nói với cô gái một lập luận khiến tôi muốn té ngửa. “Em này, làm cách nào mà có tiến trình từ người lại đẻ ra trứng như bà Âu Cơ nhỉ?”

Khu vực Yên Phụ gồm nhiều vila khách sạn sang trọng, bên hàng trà xu nhỏ nhoi, một người đàn ông chừng ngoài ba mươi tuổi, áo khoác, giày tây tươm tất đang ngồi uống rượu khan. Ngồi cạnh anh là một thanh niên bán hàng rong, anh ôm một chồng rổ rá và các dụng cụ nhà bếp.

Bà bán trà xu mỗi lần rót cho cho hai anh đều đúng ngấn ly, giá một ngàn đồng mỗi ly rượu nhỏ. Anh bán rổ rá khi biết tôi là người miền Nam cũng bày tỏ ý muốn được vào trong đó lập nghiệp. Bà bán hàng trà xu nói, “Sức anh to khỏe thế thì vào trong khối tiền. Ai lại buôn bán thứ vớ vẩn này.” Tôi định trả tiền rượu cho anh nhưng anh sĩ diện từ chối, anh nói, “Bác cho cháu xin cốc trà là vừa đủ.”

Lúc anh đi rồi người đàn ông ngồi cạnh cũng đứng lên, anh bảo bà bán hàng, “Cháu đi đằng này xin việc, bác đưa cháu hai chục ngàn bạc, phần còn lại cháu uống trừ dần. Khổ thân tôi, mà sao bọn quan vơ vét chúng nó sướng thế!”

Lúc chúng tôi đến đây Hà Nội đã tàn thu. Màu nắng hoe, hơi gió thoảng… cả không gian và thời gian đang sống và sống thật của nhịp sống thành phố này có lẽ đang hội tụ vào cốc trà xu trong từng góc phố cả ngày và đêm. Nếu Thăng Long-Hà Nội kỷ niệm sinh nhật 1,000 tuổi thì những hàng trà xu của Thăng Long đã qua bao nhiêu mùa Ðông và thấm vị trà qua bao nhiêu thế hệ!

Một điều người ta biết chắc rằng, trải qua bao nhiêu tăm tối, hàng trà xu vẫn cứ không màng đến chuyện chế độ hay giới trí thức chế độ có công nhận là văn hóa hay không. Trong cơn ham muốn những giá trị “hoành tráng” để khỏa lấp những yếu kém của thể chế này, hàng trà xu Hà Nội vẫn là nơi chốn bình dị che chở và thỏa mãn mọi cơn khát thật, cơn khát phản ứng trước những thói đời bất nhân và tham lam, trước những bất minh đang hủy hoại dần dân tộc.

Bài Liên Quan

Leave a Comment