Người biểu tình Hong Kong kêu gọi chế tài từ Mỹ
16/10/2019
- VOA
Các nhà hoạt động cổ súy dân chủ cho Hong Kong thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật nhân quyền qua đó có thể áp đặt chế tài thương mại lên trung tâm tài chính quốc tế này, một biện pháp mà những người chỉ trích cho rằng lợi bất cập hại.
Tại một cuộc tập họp lớn đòi dân chủ, ủng hộ Mỹ tối 14/10 ở trung tâm Hong Kong, người biểu tình kêu gọi thông qua Luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Dự luật này đề ra rủi ro cho quy chế đặc biệt về kinh tế của Hong Kong với Mỹ và ban hành trừng phạt lên các giới chức bị coi là đàn áp quyền tự do căn bản của nhân dân. Dự luật vừa kể được cả hai đảng ở Mỹ hậu thuẫn và dự kiến sẽ được mang ra Hạ viện xem xét sớm nhất là trong tuần này.
Một sinh viên 18 tuổi không muốn nêu tên tại buổi tập họp chia sẻ với VOA rằng dự luật sẽ “là vũ khí hùng mạnh nhất chúng tôi có được tới nay chống lại những người cộng sản Trung Quốc.”
Người ủng hộ dân chủ cho Hong Kong mong Mỹ có lập trường cứng rắn ủng hộ phong trào của họ.
“Đã tới lúc thế giới phản ứng, vì đây không phải là cuộc chiến cho người dân Hong Kong, đó là cuộc chiến cho cả thế giới, cuộc chiến cho dân chủ và tự do. Và đó là điều mà người Mỹ đại diện,” người biểu tình tên Ken Yu nói với VOA.
Ủng hộ từ Thượng viện
Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa là Ted Cruz và Josh Hawley cuối tuần qua đã tới Hong Kong để ủng hộ người biểu tình đòi dân chủ, những người yêu cầu cải cách dân chủ bao gồm phổ thông đầu phiếu.
“Đôi khi vận mệnh của một thành phố là thử thách của cả một thế hệ. Năm mươi năm trước chuyện này đã xảy ra ở Berlin. Ngày nay là Hong Kong,” thượng nghị sĩ Hawley viết trên Twitter.
Thượng nghị sĩ Cruz cho báo giới biết Trưởng Đặc khu hành chính Hong Kong, Carrie Lam, hủy cuộc họp đã lên lịch với ông sau khi ông từ chối yêu cầu giữ bí mật về cuộc trao đổi.
“Bà ta dường như hiểu sai về cách vận hành của tự do ngôn luận cũng như cách vận hành của tự do báo chí,” ông Cruz nói.
Sự can thiệp từ bên ngoài
Các giới chức thân Bắc Kinh ở Hong Kong, những người có thể bị nhắm mục tiêu chế tài theo dự luật nhân quyền tại Hạ viện Mỹ, xem đây là một sự can thiệp vào quyền tự trị của Hong Kong.
“Khi người Mỹ muốn can thiệp chuyện của chúng tôi, như điều khiển nhịp độ phát triển dân chủ, thì tức là họ đang can thiệp vào mức độ tự trị cao của chúng tôi. Họ không có quyền phán xét,” thành viên thân Bắc Kinh trong cơ quan lập pháp Hong Kong, Regina Ip, nói.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp xem các chế tài thương mại khả dĩ là có hại cho người dân Hong Kong, những người sẽ gánh chịu khi công ăn việc làm bị mất đi và nguồn vốn bay khỏi trung tâm tài chính toàn cầu này.
Hong Kong tiếp tục được Sáng hội Heritage đánh giá là nền kinh tế tự do nhất của thế giới về tính tự do thương mại cao, ít rào cản về quyền sở hữu đối với người nước ngoài, và tính hội nhập cao. Tuy nhiên, tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ này cũng lưu ý rằng các quyền tự do chính trị ở Hong Kong “đang căng bởi sự can thiệp chính trị từ Trung Quốc trong những năm gần đây.”
Mỹ cẩn trọng
Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ giảm tầm quan trọng của các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong trong lúc nhấn mạnh tới chuyện giải quyết các cuộc đàm phán thương mại khó khăn với Trung Quốc.
Phân tích gia Richard Bush của Trung tâm nghiên cứu chính sách Đông Á thuộc Viện nghiên cứu Brookings cho rằng bằng cách công khai khuyến khích các cuộc biểu tình ở Hong Kong, Washington có thể giúp Bắc Kinh có cớ để đàn áp phong trào dân chủ mà Trung Quốc lâu nay tố cáo là do Mỹ kích động.
“Bất cứ điều gì chúng ta làm mà trông có vẻ như đứng về phía người biểu tình sẽ chỉ giúp xác nhận luận điểm tuyên truyền của Trung Quốc rằng chúng ta thật sự đang tìm cách tạo ra cuộc cách mạng màu theo lời của họ,” ông Bush nói.
Trong chuyến công du Nepal tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố bất kỳ ai âm mưu chia rẽ Trung Quốc cũng “sẽ kết cục bằng thịt nát xương tan.”
Các cuộc biểu tình gần đây ở Hong Kong đã dẫn tới đụng độ với cảnh sát, khơi mào những lời lên án từ các quan chức thân Bắc Kinh, những người gọi người biểu tình là “khủng bố.”