Ông TT.Trump bất ngờ dừng đàm phán, áp thuế 50% lên thép Thổ Nhĩ Kỳ

Ông TT.Trump bất ngờ dừng đàm phán, áp thuế 50% lên thép Thổ Nhĩ Kỳ

Các biện pháp trên được ông Trump đưa ra sau khi ông quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi biên giới phía Bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ…

\"\"/

Tổng thống Mỹ Donald Trump – Ảnh: Reuters.

BÌNH MINH

15/10/2019

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/10 bất ngờ ký một sắc lệnh điều hành trừng phạt các quan chức của Thổ Nhĩ Kỳ, áp thuế quan lên tới 50% lên thép nhập khẩu từ nước này, và ngay lập tức dừng đàm phán thương mại với Ankara.

\”Với sắc lệnh này, nước Mỹ sẽ áp các biện pháp trừng phạt bổ sung mạnh mẽ lên những cá nhân tham gia vào các hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, cản trở lệnh ngừng bắn, ngăn những người bị mất nhà cửa quay trở về nhà, ép buộc người tị nạn hồi hương, hoặc đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở Syria\”, tuyên bố của ông Trump đăng trên mạng xã hội Twitter có đoạn viết.

Các biện pháp trên được ông Trump đưa ra sau khi ông quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi biên giới phía Bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Mỹ rút quân, lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ đã mở một cuộc phản công nhằm vào lực lượng người Kurd vốn do Mỹ hậu thuẫn ở Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm người Kurd đã xung đột trong nhiều năm qua, và Ankara gần đây phát tín hiệu sẽ tổ chức một chiến dịch nhằm vào người Kurd ở khu vực biên giới phía Bắc của Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau một cuộc điện đàm giữa ông Trump với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 6/10, Nhà Trắng tuyên bố sẽ rút binh sỹ Mỹ khỏi khu vực này.

Việc quân Mỹ rút khỏi biên giới phía Bắc của Syria được xem là một sự dịch chuyển chính sách đối ngoại đột ngột và ông Trump đã vấp phải một làn sóng chỉ trích của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Ngay cả những đồng minh thân cận nhất của ông Trump trong Quốc hội Mỹ, như thượng nghị sỹ Lindsey Graham, cũng lên tiếng phê phán ông. Ông Graham thậm chí tuyên bố sẽ hợp tác cùng Chủ tịch Hạ viện, nghị sỹ Dân chủ Nancy Pelosi để tìm ra một giải pháp chung nhằm đảo ngược việc rút quân.

Các lực lượng người Kurd ở Syria cáo buộc Mỹ \”bỏ mặc chúng tôi cho một cuộc thảm sát của Thổ Nhĩ Kỳ\”. Những năm qua, các nhóm người Kurd là lực lượng quan trọng giúp Mỹ đánh bại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông.

Ông Trump đã tích cực sử dụng mạng xã hội để tự vệ trước làn sóng chỉ trích nhằm vào ông. Hôm Chủ nhật, ông viết trên Twitter: \”Những người tìm cách lôi kéo chúng ta vào các cuộc chiến ở Trung Đông vẫn đang gây sức ép\”.

Trước khi công bố các biện pháp trừng phạt và tăng thuế quan đối với Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/10, ông Trump viết trên Twitter: \”Ai muốn giúp Syria bảo vệ người Kurd tôi cũng chẳng quan tâm, cho dù đó là Nga, Trung Quốc hay Napoleon Bonaparte. Tôi hy vọng tất cả bọn họ đều làm tốt. Chúng ta cách xa nơi đó 7.000 dặm!\”

Hồi tháng 5, Mỹ hạ một nửa thuế quan áp lên thép Thổ Nhĩ Kỳ, về mức 25%, nhưng xóa bỏ chế độ ưu đãi thương mại đối với nước này. Trước đó, chính quyền ông Trump tăng mạnh thuế áp lên thép và nhôm Thổ Nhĩ Kỳ nhằm buộc Ankara phóng thích mục sư người Mỹ Andrew Brunson, người bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ với cáo buộc khủng bố mà ông Brunson phủ nhận. Năm ngoái, vị mục sư này đã được phóng thích.

\”Tôi đã nói rất rõ với Tổng thống Erdogan: hành động của Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và tạo điều kiện cho tội ác chiến tranh có thể xảy ra\”, tuyên bố ngày 14/10 của ông Trump viết.

\”Thổ Nhĩ Kỳ phải đảm bảo an toàn cho dân thường, bao gồm các nhóm thiểu số và tôn giáo. Hiện nay và có thể trong tương lai, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm cho việc giam giữ các phần tử khủng bố IS trong khu vực. Không may là Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như không muốn giảm thiểu ảnh hưởng nhân đạo của cuộc tấn công mà họ tiến hành\”, ông Trump viết.

\”Mỹ sẽ quyết liệt sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế để nhằm vào những ai tạo điệu kiện, thực thi và tài trợ cho những hành động tàn bạo này ở Syria\”, tuyên bố viết. \”Tôi hoàn toàn sẵn sàng cho việc nhanh chóng phá hủy nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nếu lãnh đạo nước này tiếp tục đi theo con đường nguy hiểm như vậy\”.

Bài Liên Quan

Leave a Comment