Ảo vọng \”bàn đạp quân sự\” trên Biển Đông của TQ

Ảo vọng \”bàn đạp quân sự\” trên Biển Đông của TQ

Ngày đăng 17-10-2019BDN

Một trong những toan tính thâm sâu của Trung Quốc trong việc bất chấp chủ quyền các bên liên quan và luật pháp quốc tế để dùng vũ lực chiếm đóng và bồi đắp các thực thể thành các căn  cứ quân sự là biến đây thành các “bàn đạp quân sự” thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông. Song, theo giới phân tích quân sự, đó chỉ là ảo vọng của Trung Quốc.

\"\"/

Tham vọng đã lộ ra trước “thanh thiên bạch nhật”

Mọi toan tính, âm mưu của Trung Quốc trong tham vọng độc chiếm Biển Đông, trong đó có việc chiếm đóng trái phép các đảo và thực thể thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đến nay đều đã lộ ra trước “thanh thiên bạch nhật”. Việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 và một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 rồi bồi đắp trái phép thành các đảo nổi nhân tạo hòng lấy đây làm cơ sở để đòi chủ quyền, đồng thời biến chúng thành các căn cứ quân sự quy mô lớn phục vụ cho mục tiêu tiếp tục “thôn tính” các vùng biển khác thuộc Biển Đông.

Trung Quốc đã huy động nguồn lực vật chất khổng lồ để bồi đắp trái phép 7 thực thể nhân tạo vốn là các bãi đá ngầm, rạn san hô… thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà họ chiếm đóng bằng vũ lực thành các đảo nhân tạo quy mô khá lớn. Tổng diện tích các đảo nhân tạo này lên tới hơn 13km2, chiếm khoảng 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa hiện nay. 

Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo mở rộng diện tích quy mô lớn 6 bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm: Chữ Thập, Ga Ven, Châu Viên, Gạc Ma, Tư Nghĩa và Vành Khăn trong tổng số 7 thực thể do nước này chiếm đóng trái phép thành các đảo nhân tạo. Trong đó, Trung Quốc đã bồi đắp thành 3 đảo nhân tạo quy mô lớn, có đường băng dài 3.000m, đủ để cho các máy bay chiến đấu hạng nặng có thể cất/hạ cánh; và có cả cảng biển nước sâu để tàu chiến hạng nặng có thể ra vào.

Lớn thứ ba trong số các đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa là đá Chữ Thập với diện tích lên tới khoảng 2,77km2, đứng thứ ba về diện tích trong các đảo hoàn toàn nhân tạo trên Biển Đông và cũng lớn thứ tư trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa. Trên đá Chữ Thập có cả sân bay với đường băng rộng khoảng 55m, dài 3.000m cùng cảng biển có thể tiếp nhận các tàu chiến cỡ lớn. Trung Quốc cũng đã biến đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo nhân tạo lớn thứ hai về diện tích và lớn nhất về quy mô xây dựng công trình trên Biển Đông. Đến nay, tổng diện tích của đảo nhân tạo Subi lên tới 4,14km2. Trên đảo nhân tạo chiếm đóng và bồi đắp trái phép này, Trung Quốc đã xây dựng tổng cộng gần 400 tòa nhà, với nhận định của các chuyên gia quân sự quốc tế, đều có khả năng là những công trình quân sự, có năng lực phục vụ từ 1.500 đến 2.400 binh lính đồn trú thường xuyên. 

Tính tới thời điểm này, Trung Quốc đã chiếm đóng và bồi đắp trái phép đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành đảo hoàn toàn nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông, kể cả với tất cả các đảo và đá tự nhiên vốn có khác, với tổng diện tích trên 5,66km2. Trên đảo nhân tạo này, Trung Quốc cũng đã hoàn thành xây dựng sân bay và cảng nước sâu nhằm biến nơi đây thành một căn cứ quân sự lớn.

Toan tính quân sự hóa Biển Đông đã quá rõ

Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington (Mỹ) đã phân tích các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy có nhiều đường băng, chỗ đỗ máy bay, các điểm radar và bệ phóng tên lửa đất đối không trên 3 đảo nhân tạo đá Subi, đá Vành khăn và đá Chữ Thập. Điều đó cho thấy rõ ràng việc Trung Quốc chiếm đóng, bồi đắp các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam thành các căn cứ không quân và hải quân, kết nối chúng thành một hệ thống căn cứ quân sự phụ vụ cho mục tiêu đòi chủ quyền theo yêu sách “đường lưỡi bò 9 đoạn” đưa ra năm 2009 và mở rộng thêm trong cái gọi là học thuyết “Tứ Sa” (gồm quần đảo Pratas, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và bãi ngầm Macclesfield với 4 tên “Hán hóa” lần lượt được Trung Quốc gọi là Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa).

Toan tính thiết lập một hệ thống các căn cứ quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc còn có thể thấy qua những gì mà họ đã làm trong quá trình xây dựng các công trình, cơ sở vật chất nặng về mục đích quân sự trên các thực thể chiếm đóng, bồi đắp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa. Trung Quốc từng nhiều lần tiến hành tập trận trên Biển Đông với sự tham gia của các trang thiết bị quân sự lắp đặt tại các đảo nổi nhân tạo. Trung Quốc cho tới nay vẫn không ngừng tăng cường, hoàn thiện các căn cứ quân sự trên Biển Đông hòng lấy đó để răn đe, làm “bàn đạp quân sự” thực hiện tham vọng đòi chủ quyền đối với 80% diện tích vùng biển chiến lược này. Toan tính quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc đã quá rõ, song việc các căn cứ quân sự trên vùng biển này thật sự có khả năng biến thành một “tàu sân bay không thể đánh chìm” nhằm phục vụ ý đồ thâm sâu hay không lại là chuyện hoàn toàn khác.

Trong bài bình luận đăng trên chuyên san The National Interest ngày 9-10-2019, giáo sư Robert Farley (Đại học Kentucky, Mỹ) nhận định rằng, Trung Quốc đang muốn tăng cường sức mạnh quân sự ở Biển Đông thông qua việc mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các đảo, đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng phi pháp nhằm giành lợi thế quân sự, nhưng giá trị thực tế của các “căn cứ nổi” này không nhiều như Bắc Kinh nghĩ. Các căn cứ quân sự này đã bộc lộ nhiều điểm yếu, mà một trong những điểm yếu chí mạng theo giáo sư Robert Farley là phụ thuộc nhiều vào công tác hậu cần từ đại lục vì hầu hết những đều không có kho dự trữ đủ lớn nên khi xung đột xảy ra, việc giữ cho đường dây liên lạc, cung cấp nhiên liệu, đạn dược… được an toàn sẽ là rủi ro và thách thức rất lớn đối với Trung Quốc. 

Những căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông đều có thể là nơi tập kết các máy bay chiến đấu trang bị tên lửa với tầm bắn bao quát khắp vùng biển này. Tuy nhiên, các đường băng, máy bay trên các căn cứ này đều rất khó ngụy trang và cơ động nên có thể dễ dàng làm “mồi” cho các loại vũ khí chính xác, thông minh tầm xa của đối phương.

Trung Quốc cũng đã triển khai ra các căn cứ trên Biển Đông các loại tên lửa như tên lửa phòng không HQ-9, tên lửa hành trình phóng từ đất liền GLCM… Nhưng các tổ hợp tên lửa này tồn tại được trong bao lâu trong điều kiện thời chiến là một dấu hỏi lớn bởi chúng trong điều kiện thông thường trên đất liền luôn được ngụy trang giấu kín trong rừng núi và còn luôn di chuyển, nhưng tại các căn cứ quân sự trên Biển Đông lại không có nơi nào che giấu được vũ khí như vậy. Vì thế, dù được hệ thống phòng không bảo vệ nhưng khó có thể chống đỡ quá lâu các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác. Tương tự, các tổ hợp radar được coi là “tai mắt” của Trung Quốc trên Biển Đông cũng có thể dễ dàng bị vô hiệu hóa bởi cuộc tấn công của đối phương mạnh như Mỹ và đồng minh.

Dẫn ra trường hợp các căn cứ quân sự mà Nhật Bản xây dựng trên Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, giáo sư Robert Farley cho rằng, một khi bị cô lập, các “bàn đạp quân sự” trên Biển Đông của Trung Quốc tốn công, tốn của xây dựng sẽ sụp đổ trong thời gian ngắn.

Bài Liên Quan

Leave a Comment