Công nghệ truy tìm kẻ săn trộm động vật hoang dã
Lea SurugueBBC Future
Tội phạm săn bắn động vật hoang dã thường bị coi nhẹ và ít khi bị truy tố nhưng lại liên quan tới mạng lưới tội phạm có tổ chức khổng lồ.
Công nghệ điều tra hiện đại trong ngăn chặn tội phạm ở người, giờ đây đang hỗ trợ săn lùng những tay săn trộm, kẻ buôn lậu và vận chuyển động vật hoang dã hủy hoại thế giới tự nhiên.
Nguyên nhân gây ra cái chết rất dễ nhận thấy. Khẩu súng đã gây ra vết thương sâu hoắm, giúp Fiona Howie nhanh chóng tìm ra viên đạn ở dưới cổ con vật đã chết.
Xác con vật nằm xoải trên chiếc bàn kim loại màu xám, nạn nhân đã chết được một tuần. Nó được tìm thấy một ngày trước đó ở giữa cánh đồng, do một người qua đường đang dắt chó đi dạo tìm thấy.
Cái xác nằm trên bàn không phải là một nạn nhân bình thường, cũng như Howei không phải là một nhà nghiên cứu bệnh học, giảo nghiệm thông thường. Bà là nhà nghiên cứu bệnh học đối với các loài động vật, và trên bàn lúc này là xác một con chim cắt lớn.
Mức độ nghiêm trọng của tội phạm săn bắt động vật hoang dã không phải lúc nào cũng được đánh giá đúng, dù trong thực tế tình trạng buôn lậu động vật hoang dã là một trong bốn ngành công nghiệp bất hợp pháp có quy mô lớn nhất thế giới, chỉ xếp hạng sau buôn người, vũ khí và buôn ma túy.
Ở Châu Âu, giết động vật hoang dã bất hợp pháp, bắt giữ hoặc vận chuyển động vật hiếm khi nào dẫn đến các vụ bắt giữ tội phạm. Số lượng vụ án xuất hiện tại các tòa án khắp Châu Âu còn ít hơn, theo dữ liệu từ Oxpeckers, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên về báo chí điều tra trong mảng môi trường.
Một phần của vấn đề là để vụ án có thể tiến tới bước khởi tố, thì cơ quan tố tụng cần phải có hồ sơ vụ án thuyết phục.
\”Điều khó khăn trong việc xử lý tội phạm về động vật hoang dã là chúng thường xảy ra ở vùng xa xôi, vì vậy rất hiếm khi có nhân chứng,\” Nick Lyall, người đứng đầu chiến dịch hoạt động của Cảnh sát Bedfordshire ở Anh Quốc, đồng thời là chủ tịch quốc gia của nhóm Raptor Persecution Priority Delivery Group, một tổ chức tập trung điều tra tội phạm liên quan đến chim săn mồi, nói.
\”Điều này có nghĩa là việc nhờ vào công nghệ pháp y ngày càng phát triển để khôi phục bằng chứng vật lý thậm chí còn quan trọng. Nếu vì thiếu bằng chứng mà không có triển vọng để truy tố thành công, thì vụ án đó không thể bị đưa ra tòa.\”
Nhu cầu tìm kiếm bằng chứng tốt hơn từ hiện trường để liên kết nghi phạm với tội phạm về động vật hoang dã đã dẫn đến sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực pháp y động vật hoang dã – phân tích DNA và dấu vân tay giờ đây là vũ khí được chọn lựa trong cuộc chiến chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã.
Mỗi khi tìm thấy thi thể người chết, thì việc xác định danh tính nạn nhân, như nạn nhân đến từ đâu và cái chết có phải do hành vi bất hợp pháp gây ra không là những bước đầu tiên trong quá trình điều tra. Những câu hỏi này đặc biệt khó giải mã với động vật hoang dã, thường là vì thi thể nạn nhân đã không còn nguyên vẹn hoặc bị bắt giữ ở địa điểm cách xa nơi hành vi tội phạm diễn ra.
\”Vai trò chính của tôi là xem xét bằng chứng từ hoạt động phạm tội,\” Howie, điều tra viên thú y làm việc với trường Scotland\’s Rural College ở Edinburg cho biết. \”Tôi có thể tìm thấy bằng chứng của sự đau đớn, nhưng tôi sẽ phải xem xét chi tiết nguyên nhân gây ra cơn đau đó, xem con vật đã bị bắn hay bị bắt bằng bẫy, hay nó bị thương vì lý do nào khác, có thể là vì trắc trở trên đường. Vì vậy bạn cần kiến thức tốt để hiểu cơ thể (về mặt giải phẫu học), bề ngoài và hành vi là bình thường hay bất thường ở con vật đó.\”
So với những loại tội phạm khác, việc xác nhận danh tính nạn nhân hoàn toàn là một khái niệm mới mẻ với tội phạm về động vật hoang dã – và đòi hỏi phải có phân tích DNA chính xác.
\”Chúng tôi làm việc với rất đa dạng các loài nên ban đầu có thể khó xác minh chính xác loài nào được tìm thấy tại hiện trường và liệu nó có được bảo vệ không – và vì vậy liệu vụ giết động vật này có bất hợp pháp không,\” Nadja Mork, nghiên cứu sinh tại Học viện Y học Pháp Y thuộc Đại học Zurich, Thụy Sỹ, cho biết.
\”Xác định xem mình đang xem xét loài nào là một trong những câu hỏi chính mà pháp y về động vật hoang dã phải trả lời. Chẳng hạn với một khối thịt rừng bị bắt giữ tại sân bay, cơ quan thực thi pháp luật sẽ muốn biết đó là thịt của loài hay chi họ nào, trước khi họ biết có cần phải điều tra và khởi tố vụ án hay không.\”
Các chuyên gia dựa vào phân tích hình thái và các công nghệ truyền thống để xâu chuỗi mẫu DNA động vật từ hiện trường – có thể là từ phần cơ thể loài vật đó, như từ máu, lông vũ hay xương.
Tùy theo chất liệu mà các nhà khoa học phải xử lý, công nghệ chiết tách DNA có thể khác nhau, nhưng ý tưởng luôn là đưa ra mẫu DNA khớp với các mẫu DNA có trong danh sách dữ liệu tham khảo, để nhanh chóng xác định danh tính loài vật đó.
Vấn đề là cơ sở dữ liệu này vẫn chưa hoàn chỉnh và không phải bao giờ cũng đáng tin cậy.
Ngân hàng gene là ví dụ cho một lượng lớn cơ sở dữ liệu mà các nhà khoa học pháp y có thể tìm đến, nhưng thực tế là tính năng truy cập mở đã giới hạn khả năng sử dụng chúng.
\”Dữ liệu trong ngân hàng gene được đăng tải bởi những người xác định nhầm danh tính nhiều loài, và có thể dẫn đến thông tin về gene nhầm lẫn giữa các loài,\” Lucy Webster, nhà khoa học pháp y về động vật hoang dã từ Tổ chức Khoa học và Lời khuyên cho Các Phòng Thí nghiệm Nông nghiệp Scotland (gọi tắt là Sasa), cho biết.
\”Bạn phải cẩn trọng nếu bạn sử dụng đó làm nguồn xác định danh tính loài, và tôi cố gắng sử dụng các cơ sở dữ liệu an toàn và xác đáng hơn, nhưng vấn đề là chúng lại không được hoàn chỉnh như vậy.\”
Câu hỏi loài cây hay động vật đó đến từ đâu rất quan trọng, vì Công ước Quốc tế Cites bảo vệ một số loài chỉ ở một số quốc gia nhất định.
Hiểu nguồn gốc của loài có thể giúp truy ra mạng lưới buôn bán bất hợp pháp. Chẳng hạn nếu các loại ngà voi bị bắt giữ tại một địa điểm, nếu biết được chúng đến từ nơi nào và con voi bị săn trộm ở đâu có thể đem lại thông tin quý giá cho thấy đâu là điểm nóng săn trộm tại thời điểm đó.
Nhưng xác định nguồn gốc của loài không phải việc dễ dàng. \”Tìm ra xuất xứ một thứ đến từ đâu và nó là loài hoang dã hay nuôi nhốt là rất quan trọng, và phân tích đồng vị ổn định là một trong những phương pháp được ưa chuộng, nhưng một lần nữa vấn đề là bạn cần có cơ sở dữ liệu tham khảo ở khu vực có thể là nguồn xuất phát của loài này để bạn có thể thực sự tiếp cận và liên kết ngược trở lại để biết loài đó đến từ đâu – và chúng tôi vẫn chưa có những thông tin này,\” Webster cho biết.
Vẫn có một số câu chuyện thành công. Khi các mẫu DNA được thu thập đầy đủ, Webster cho biết phân tích từ chúng có thể dẫn đến đảm bảo có thể dẫn đến kết án được.
Trong một vụ án gần đây, bà đã sử dụng chuỗi DNA để chứng minh rằng lông vũ tìm thấy trong áo khoác của một người nghi ngờ là sở hữu những chú chim cắt nhỏ bị đánh cắp chính là lông vũ của loài này. Kết quả là nghi phạm nhận tội.
Các nhà nghiên cứu từ tổ chức WWF của Đức cũng cho thấy khả năng thiết lập cơ sở dữ liệu với thông tin về các loài hoang dã là khả thi, bằng cách sử dụng một sáng kiến có tên là IvoryID để chống lại tình trạng buôn bán động vật hoang dã quốc tế.
Với phương pháp phân tích đồng vị phóng xạ và đồng vị ổn định, họ cho thấy ta có thể xác định được tuổi của mẫu ngà voi, và để có thể khớp tính chất của ngà với dữ liệu trong kho dữ liệu tham khảo miễn phí về 700 mẫu ngà voi trong phạm vi các quốc gia ở Châu Phi và Châu Á.
Tuy nhiên, dù mô hình này có thể nhân rộng nhưng các loài không có gốc tích rõ ràng như vậy sẽ không đạt được kết quả giám định hiển nhiên.
Vào năm 2015, công tố viên cao cấp của RSPCA cho biết trong một bài trình bày với các nhà khoa học đầu ngành, rằng một phần ba số vụ án ông khởi tố đều thất bại bởi vì rất khó để liên kết nghi phạm với tội phạm đó, thậm chí ngay cả khi bằng chứng tốt được khôi phục có thể cho thấy chuyện gì đã xảy ra với con vật đó.
\”Ngay cả khi điều tra viên có thể xác định danh tính loài đã bị giết và điều gì xảy ra cho chúng, thì để liên kết giữa hành vi phạm tội với kẻ nghi phạm gây án cụ thể cũng là việc khó,\” chuyên gia độc lập về pháp y Jo Millington, người tham dự cuộc tọa đàm cho biết.
\”Điều này nghe có vẻ đặc biệt đứt gãy về kết nối, và nó dẫn đến những đối thoại mới giữa các chuyên gia về pháp y ở người – cùng với những công nghệ như phân tích mô thức của vết máu, dấu vân tay, bệnh học và DNA – có thể ứng dụng với động vật.\”
Điều này có nghĩa là phải tiến hành nghiên cứu để thí nghiệm, xác nhận và ứng dụng phương pháp thường được sử dụng cho pháp y ở người lên tội phạm động vật hoang dã – chẳng hạn, để trả lời những câu hỏi như liệu ta có thể tìm thấy dấu vân tay trên ngà voi tương tự như bằng chứng dấu vân tay khôi phục những vật chứng thông thường, như trên bề mặt kính hay không.
Một trong những điển hình thành công từ nghiên cứu như trên có lẽ là hợp tác giữa Leon Barron từ trường King\’s College London và Mark Moseley từ Lực lượng Cảnh sát Đô thị.
Họ đã phối hợp để phát triển một bộ truy tìm dấu vân tay trên ngà voi và đã triển khai đến hơn 40 quốc gia.
Loại bột trong đó có thể làm lộ ra dấu vân tay đến 28 ngày sau khi những kẻ săn trộm đụng vào chiếc ngà voi, so với thời gian hai hoặc ba ngày so với phương pháp thông thường.
\”Dấu vân tay trên ngà voi phai đi rất nhanh theo thời gian vì chúng thấm qua những lỗ li ti trên ngà, gần như miếng bọt biển vậy,\” Barron cho biết.
\”Những hạt bột nhỏ chúng tôi sử dụng có đường kính chỉ 40 micrometres, để chúng có thể dính lên những chỗ còn dấu vết vân tay trên ngà và cho ra hình ảnh chất lượng cao hơn, cũng hơi giống với tăng độ phân giải trên máy ảnh. Chúng tôi đã tạo ra một thứ thực sự đơn giản để sử dụng tại chỗ và có thể trực tiếp có kết luận xác định nghi phạm và bắt giữ kẻ săn trộm, đây chính là kết quả cuối cùng ta muốn đạt được.\”
Barron gần đây cũng vừa chứng minh rằng việc đoán tuổi của người từ DNA trong máu là khả thi, bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Hy vọng là việc này có thể nhân rộng và có tác dụng với vết máu tại hiện trường phạm tội, và có triển vọng được đưa vào giải mã các vụ tội phạm về động vật hoang dã trong tương lai.
Quay trở lại hiện trường, Nick Lyall khá lạc quan về việc sử dụng công nghệ cao cấp để bắt giữ những kẻ phạm tội sớm hơn – nhưng công việc khoa học vẫn cần phải đi song song với phản ứng mạnh mẽ của hệ thống pháp lý.
\”Chế tài với tội phạm về động vật hoang dã vẫn chưa đủ mạnh, thậm chí ngay cả khi có bằng chứng tốt từ phương pháp khám nghiệm pháp y phát triển. Khoa học pháp y là bước tiến quan trọng trong cuộc chiến chống tội phạm về động vật hoang dã, nhưng luật pháp cần phải nghiêm minh hơn và được áp dụng tốt hơn nếu ta muốn giải quyết vấn đề này một lần và chấm dứt hẳn,\” Lyall kết luận.