VNCH: \’Những lý tưởng không bao giờ mất đi\’

VNCH: \’Những lý tưởng không bao giờ mất đi\’

Quốc PhươngBBC News Tiếng Việt

\"Việt
Image captionViệt Nam Cộng Hòa và lịch sử giai đoạn VNCH đã được phản ánh thiếu khách quan do nhiều nguyên nhân, theo nhà nghiên cứu từ Đại học Oregon, Hoa Kỳ

Đã có nhận thức mới cho phép lịch sử tái đánh giá vai trò của nhiều nhân vật, biến cố lịch sử và xu hướng chính trị từng bị lãng quên trong lịch sử Việt Nam, trong đó có giai đoạn Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và cả ngay trước đó, với hàng loạt nhân vật từ Trần Trọng Kim, tới Ngô Đình Nhu, Nguyễn Văn Thiệu và nhiều người khác, một học giả từ Mỹ nói với BBC sau một hội thảo nghiên cứu VNCH mới tổ chức vào trung tuần tháng Mười.

Đặc biệt tân khái niệm và cách nhìn mới về \”chủ nghĩa cộng hòa\” trong chính trị Việt Nam sẽ cho phép giới nghiên cứu sử học và Việt Nam học nhìn nhận vai trò quan trọng hơn của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong lịch sử hiện đại Việt Nam và những lý tưởng này sẽ \”không bao giờ mất đi\”, Giáo sư Vũ Tường, nhà nghiên cứu khoa học chính trị, từ Đại học Oregon, cơ quan tổ chức cuộc hội thảo khoa học trong hai ngày 14-15/10/2019, chia sẻ với BBC qua một trao đổi bằng bút đàm hôm 17/10, mà dưới đây là nội dung.

BBC: Xin Giáo sư vui lòng cho biết những kết quả chính yếu và nhận thức mới đáng kể nhất đã thu lượm được qua Hội thảo?

Hướng nghiên cứu sẽ mở rộng ra những khía cạnh của Việt Nam Cộng hoà chưa được biết đến nhiều, như văn hoá, văn nghệ, giáo dục, kinh tế, đối ngoại, xã hội dân sự, thể chế dân chủ, tư tưởng đa nguyên và tự do, hệ thống đảng phái chính trịGS. Vũ Tường, Đại học Oregon

GS. Vũ Tường: Hội thảo đề xuất khái niệm và cách nhìn khá mới cho việc nghiên cứu và đánh giá lịch sử hiện đại của Việt Nam: đó là khái niệm chủ nghĩa cộng hoà trong chính trị Việt nam. Sự hưởng ứng đông đảo và nhiệt tình của giới học giả từ những vị thâm niên đến giới trẻ ở Việt Nam và bên ngoài, từ những nhà nghiên cứu lịch sử thời thuộc địa đến những học giả về cộng đồng di dân hoặc tị nạn Việt ở nước ngoài cho thấy sự cộng hưởng mạnh về ý tưởng, đề tài, và cách tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử do khái niệm mới đem lại.

Khái niệm mới sẽ cho phép sử gia đánh giá lại vai trò của những nhân vật, biến cố, và xu hướng chính trị thường bị lãng quên trong lịch sử Việt nam như Trần Trọng Kim, Hoàng Đạo, Trần Văn Tùng, Phan Quang Đán, Ngô Đình Nhu, và Nguyễn Văn Thiệu, cũng như các nhóm hay nhân vật hoạt động văn hoá như Tự Lực Văn Đoàn, Đoàn Ánh Sáng, Sáng Tạo, Bách Khoa, Lương Kim Định, Thích Nhất Hạnh, Sư Chân Không, Thích Minh Châu, Nguyễn Mộng Giác, Lý Thu Hồ, và Lan Cao.

Khái niệm mới sẽ cho phép giới sử gia nhìn nhận vai trò lớn hơn của chế độ Việt Nam Cộng hoà trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Đó không phải một chế độ do nước ngoài áp đặt lên Việt Nam như thường đọc thấy trong sách vở ở Việt Nam hay ở Mỹ, mà nó là thể hiện cụ thể, mặc dù không hoàn hảo, những lý tưởng của chủ nghĩa cộng hoà truyền đến Việt Nam từ thời thuộc địa và được giới tinh hoa lúc đó xem như một hướng đi tiến bộ cho Việt Nam tương lai. Những lý tưởng đó không mất đi với chế độ Việt Nam Cộng hoà dù bị đàn áp khốc liệt bởi những người cộng sản sau năm 1975.

Đề tài hứa hẹn

\"Hội
Image captionHội thảo nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa diễn ra trong hai ngày 14-15/10/2019 tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ

BBC: Những nhận thức mới và kết quả này sẽ được giới nghiên cứu Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam học tại Mỹ xử lý ra sao?

GS Vũ Tường: Tôi hy vọng nghiên cứu về Việt Nam Cộng hoà, chiến tranh Việt Nam, và Việt Nam học nói chung, sẽ có nhiều tương tác hơn trong tương lai.

Sẽ có nhiều nhà nghiên cứu trẻ quan tâm hơn đến Việt Nam Cộng hoà và nghiên cứu về đề tài này sẽ phát triển hơn.

BBC: Hướng nghiên cứu và chủ đề chính kế tiếp đây, liên quan Nghiên cứu VNCH, sẽ có thể là gì và sẽ được thi triển ra sao? Các hội thảo tiếp theo đã được dự liệu, hay lên kế hoạch sơ thảo hay chưa?

Mối quan tâm chính của giới học giả và cộng đồng tại Mỹ là những thiếu sót về hiểu biết cũng như những thông tin sai lạc và thái độ miệt thị đối với không chỉ Việt Nam Cộng hoà mà cả xu hướng chính trị cộng hoà trong lịch sử Việt NamGS. Vũ Tường, Đại học Oregon

GS Vũ Tường: Hướng nghiên cứu sẽ mở rộng ra những khía cạnh của Việt Nam Cộng hoà chưa được biết đến nhiều, như văn hoá, văn nghệ, giáo dục, kinh tế, đối ngoại, xã hội dân sự, thể chế dân chủ, tư tưởng đa nguyên và tự do, hệ thống đảng phái chính trị, v.v…

Chúng tôi chưa có kế hoạch cho các hội thảo tiếp theo vì trước mắt phải tập trung vào công tác xuất bản các bài viết đã được trình bày trong hội thảo lần này.

Phần lớn các bài viết đều rất chắc chắn với tư liệu mới, cách nhìn mới và lập luận chặt chẽ, có nghĩa là thời gian phản biện và chỉnh sửa sẽ không lâu.

BBC: Giáo sư có thể chia sẻ về quan tâm chính của giới học thuật cũng như trong cộng đồng tại Mỹ về nghiên cứu VNCH, đặc biệt qua hội thảo lần này và lý do?

GS Vũ Tường: Mối quan tâm chính của giới học giả và cộng đồng tại Mỹ là những thiếu sót về hiểu biết cũng như những thông tin sai lạc và thái độ miệt thị đối với không chỉ Việt Nam Cộng hoà mà cả xu hướng chính trị cộng hoà trong lịch sử Việt Nam.

Điều này do di sản của phong trào phản chiến ở Mỹ vào thập niên 1960. Phong trào này bị ảnh hưởng nặng nề bởi tuyên truyền của chế độ cộng sản miền Bắc, dẫn đến những thành kiến còn tồn tại đến ngày nay đối với Việt Nam Cộng hoà.

Đưa vào giáo trình

\"Việt
Image captionDu khách viếng thăm và chụp hình tại một bảo tàng chiến tranh ở TP. Hồ Chí Minh

BBC: Về lực lượng nghiên cứu thuộc thế hệ trẻ, sự quan tâm này thể hiện ra sao và các hướng giảng dạy, đào tạo từ nay tới tương lai ở các cấp đại học và sau đại học sẽ thế nào?

GS Vũ Tường: Với các công trình nghiên cứu mới được xuất bản, chúng tôi hy vọng cách nhìn mới sẽ được đưa vào giáo trình cho các nghiên cứu sinh và sinh viên đại học.

BBC: Được biết, có một số học giả và đại biểu tới dự hội thảo từ Việt Nam, đã, đang hay sẽ có sự kết hợp, hợp tác nào và ra sao (nếu có) giữa giới nghiên cứu ở hải ngoại (nhất là tại Mỹ) và ở Việt Nam (từ trong nước) về nghiên cứu VNCH? Sự kết hợp này có hứa hẹn, triển vọng gì không, nếu có?

GS Vũ Tường: Họ đã, đang, và sẽ hợp tác nhiều hơn trong tương lai.

Phía các nhà nghiên cứu Việt Nam cần sự hỗ trợ về cách nhìn, tài liệu thư viện (các công trình nghiên cứu ở nước ngoài), và môi trường để trình bày nghiên cứu.

Các học giả nước ngoài cần tư liệu lưu trữ cũng như tiếp cận những nhân vật lịch sử (nếu còn sống hay qua gia đình) ở Việt Nam.

Giáo sư Vũ Tường giảng dạy và nghiên cứu tại Khoa Khoa học Chính trị, Đại học Oregon, Hoa Kỳ từ năm 2008. Ông từng thỉnh giảng tại Đại học Princeton, Đại học Quốc gia Singapore, cũng như tại Naval Postgraduate School ở Monterey, California.

Cuộc hội thảo khoa học \”Việt Nam Cộng Hòa, những vấn đề, thách thức và tầm nhìn\” được Trung tâm Nghiên cứu Châu Á và Thái Bình Dương, thuộc Đại học Oregon, tổ chức ở thành phố Eugene, tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ trong hai ngày, tháng 10/2019, với khoảng 150 đại biểu, trong số đó có các nhà nghiên cứu, sử gia, Việt Nam học, nhân chứng lịch sử và các thành viên cộng đồng, tham dự.

Bài Liên Quan

Leave a Comment