Chế tạo máy bay : Boeing – Airbus đánh nhau, Comac của Trung Quốc hưởng lợi
Thanh Hà – Phát Thứ Ba, ngày 22 tháng 10 năm 2019
Chiếc Airbus A340 đang băng qua đường băng trong khi chiếc Boeing 767 sắp hạ cánh..Capture d\’écran/Aerobarcelona.com
Hai nhà sản xuất máy bay của thế giới Boeing – Airbus cùng kiện nhau là cạnh tranh bất bình đẳng. Mỹ vừa thắng kiện trước tòa án trọng tài Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO/OMC). Washington tát nước theo mưa để thực hiện các biện pháp bảo hộ. Châu Âu dọa trả đũa. Bắc Kinh hy vọng tranh chấp giữa hai nhà chế tạo máy bay truyền thống của châu Âu và Mỹ là cơ hội cho phép tập đoàn Comac của Trung Quốc chen chân vào thị trường mà đến nay Boeing và Airbus chiếm độc quyền.
Kể từ ngày 18/10/2019 từ rượu vang của Pháp đến dầu ô liu của Tây Ban Nha, từ phó mát của Ý đến rượu whisky của Anh hay máy móc của Đức phục vụ trong ngành công nghiệp, tất cả các sản phẩm này bán sang Hoa Kỳ đều bị đánh thuế thêm 25 %. Tổng cộng có đến 150 mặt hàng của Liên Hiệp Châu Âu bị Mỹ tăng thuế nhập khẩu. Riêng máy bay Airbus xuất sang Hoa Kỳ chịu thêm mức thuế 10 %. Đây là bước kế tiếp trong vụ hai ông khổng lồ Boeing và Airbus kiện nhau. Mỗi bên cáo buộc đối phương nhận trợ cấp của chính phủ, không công bằng trong cuộc chơi.
Trong quyết định ngày 02/10/2019, tòa án trọng tài của WTO nêu đích danh châu Âu trợ giá cho máy bay Airbus gây thiệt hại 7,5 tỷ đô la cho tập đoàn Mỹ Boeing. Do vậy, để bù lại, Hoa Kỳ được quyền tăng thuế nhập khẩu đánh vào hàng của châu Âu để bù lại khoản thất thu nói trên. Không đợi phán quyết của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ráo mực, chính quyền Trump công bố ngay một danh sách dài những sản phẩm của châu Âu bị đánh thuế.
Trả lời đài RFI, chuyên gia kinh tế Sébastien Jean, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Về Triển Vọng Thông Tin Quốc Tế CEPII không ngạc nhiên về quyết định của tổ chức WTO nhưng lưu ý đây là mức phạt nặng nhất từ trước tới nay và phán quyết này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ dọa \”đánh\” châu Âu về mặt thương mại.
\”Quyết định này khá phù hợp với thể thức vận hành của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, có nghĩa là cơ quan này không thể bắt buộc một quốc gia có chủ quyền tuân thủ phán quyết của tòa án trọng tài WTO. Khi nhận thấy rằng một trong các thành viên không tôn trọng luật chơi chung, thì WTO cho phép bên nguyên đơn trả đũa.
Nhưng trả đũa ở đây không nhất thiết là chỉ phạt ngược trở lại máy bay của tập đoàn Airbus. Thành thử phía Mỹ được quyền tăng thuế 10 % nhắm vào máy bay châu Âu đồng thời Washington cũng có thể phạt những mặt hàng khác của châu Âu như nông phẩm chẳng hạn. Trong đó có phó mát, có rượu vang hay các sản phẩm chế biến từ sữa…
Điểm mới ở đây là chưa bao giờ WTO cho phép trả đũa trên một khoản tiền lớn như vậy : 7,5 tỷ đô la. Thêm vào đó phán quyết của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đang căng thẳng trên vế thương mại\”.
Vụ kiện Airbus-Boeing kéo dài đúng 15 năm. Năm 2004, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Boeing bất bình vì đối thủ Airbus được châu Âu cấp tín dụng với những điều khoản \”quá dễ dãi\”. Mỹ đòi cấm Bruxelles giúp đỡ tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu này dưới mọi hình thức. Tháng 10 cùng năm Washington đưa vụ kiện ra trước Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Liên Âu trả đũa một cách tưng xứng, kiện lại Hoa Kỳ trợ cấp hàng chục tỷ đô la cho tập đoàn Boeing.
Như vậy, theo nguyên tắc, đến mùa xuân 2020, WTO sẽ ra phán quyết tương tự như hôm 02/10/2019, nhưng lần này phần thắng sẽ nghiêng về phía châu Âu. Dù vậy trước mắt, cả tập đoàn Airbus lẫn các giới chức trong Liên Hiệp Châu Âu ráo riết kêu gọi Hoa Kỳ dàn xếp nhằm giảm bớt thiệt hại cho cả đôi bên. Trước mắt phía Washington có vẻ không mấy mặn mà với giải pháp này. Giám đốc trung tâm nghiên cứu CEPII của Pháp, Sébastian Jean phân tích :
\”Trên hồ sơ này, phía Mỹ có cách tiếp cận rất hung hăng. Điều đó không dễ cho phép Bruxelles và Washington cùng tìm ra một ngõ thoát. Trong khi đó thì ai cũng biết rằng cùng nhau tìm ra đồng thuận là thượng sách, bởi vì Mỹ hay châu Âu đều đã hỗ trợ cho tập đoàn chế tạo máy bay của mình. Washington yểm trợ cho Boeing, Liên Âu thì giúp cho Airbus. Đó là điều tất yếu. Giờ đây châu Âu và Hoa Kỳ lại xâu xé lẫn nhau trong lúc mà tập đoàn của Trung Quốc Comac đang rình rập để chen chân vào thị trường sản xuất máy bay. Tôi nghĩ rằng tốt hơn hết, Boeing và Airbus nên dàn xếp ổn thỏa với nhau\”.
Comac của Trung Quốc đợi thời cơ
Theo giới phân tích, WTO đã bật đèn xanh cho Mỹ phạt tập đoàn sản xuất máy bay của châu Âu nói riêng và tăng thuế nhập khẩu đánh vào 150 mặt hàng của châu Âu nói chung vào thời điểm cả Boeing lẫn Airbus cùng đang phải vượt qua nhiều thử thách. Airbus do thua lỗ phải ngưng sản xuất máy bay cỡ lớn A380 vốn có tham vọng cạnh tranh với loại Boeing 747. Đây là một thất bại lớn trong chiến lược phát triển.
Về phía tập đoàn Mỹ, từ tháng 3/2019 sau hai vụ tai nạn, toàn bộ những chiếc 737 Max bị cấm bay. Hàng loạt các đơn đặt hàng bị hủy hoặc hoãn lại. Sáu tháng đã trôi qua, Boeing vẫn chưa khắc phục được sai sót về kỹ thuật và sẽ phải bồi thường thiệt hại cho các khách hàng. Đây là một vố đau cả về tài chính lẫn uy tín của hãng máy bay do hai ông William E Boeing và George Conrad Westervelt đồng sáng lập năm 1916.
Trong lúc mà hai ông khổng lồ của Âu-Mỹ bị chia trí vì một vụ kiện tụng kéo dài, một đối thủ tiềm tàng là tập đoàn Comac của Trung Quốc lợi dụng thời cơ. Hiện tại 1.500 chiếc Airbus đang hoạt động trên thị trường Trung Quốc, chính các hãng hàng không của Trung Quốc là khách hàng quan trọng nhất mua phi cơ Boeing 737 Max. Không phải tình cờ mà Trung Quốc là nước đầu tiên trên thế giới ban hành lệnh cấm bay nhắm vào loại máy bay đời mới này của Mỹ.
Từ tháng 5/2017, Comac hợp tác với tập đoàn UAC của Nga, thành lập liên doanh CRAIC (China Russia Commercial Aircraft International Coproration) để chế tạo phi cơ \”hiệu quả như các sản phẩm của Airbus và Boeing, nhưng rẻ hơn\”. Nga và Trung Quốc đang phát triển loại máy bay CR929 để cạnh tranh trực tiếp với loại Airbus A350 và Boeing 787. Matxcơva và Bắc Kinh dự trù thương mại hóa những chiếc CR929 đầu tiên vào khoảng năm 2025 – hay trễ nhất là 2028.
Liên doanh Nga và Trung Quốc này không che giấu tham vọng chiếm đoạt 10 % thị phần quốc tế. Bắc Kinh và Matxcơva cùng đồng ý trên ít nhất 2 điểm : thứ nhất, máy bay cỡ lớn CR929 là sản phẩm đầu tiên trong số những dự án sẽ được CRAIC triển khai thêm sau này và thứ nhì là đã tới lúc chấm dứt thế độc quyền của nhà sản xuất Airbus và Boeing.
Ngoài chương trình hợp tác với Nga, Trung Quốc đã có những bước tiến khá dài với loại máy bay C919, với khả năng chở được hơn 150 hành khách trên hành trình tối đa 5.500 cây số. Dự án được khởi động từ năm 2008. Đúng một thập niên sau, hai chiếc C919 đầu tiên bắt đầu bay thử.
Đành rằng, máy bay \”made in China\” này còn đang phải vượt qua nhiều thách thức cả về mặt kỹ thuật lẫn thủ tục hành chính để được phép bay và Comac còn phải thuyết phục được cộng đồng quốc tế về uy tín của một tên tuổi mới trong số các nhà sản xuất, nhưng công nghệ hàng không là một trong những ưu tiên trong kế hoạch Made In China 2025 của Bắc Kinh nhằm đưa Trung Quốc trở thành một trong những trung tâm công nghệ cao của thế giới trong thế kỷ 21.
Comac lại có những lợi thế nhất định buộc Airbus và Boeing phải suy nghĩ : Trung Quốc kể từ năm 2025 sẽ là thị trường rộng lớn nhất, hấp dẫn nhất trong mắt các tập đoàn hàng không dân dụng cũng như là đối với các hãng chế tạo máy bay. Hiệp hội hàng không quốc tế dự báo đến năm 2037, Trung Quốc sẽ là một thị trường với 1,6 tỷ hành khách, (20 % hành khách toàn cầu). Trong 20 năm sắp tới, quốc gia rộng lớn này sẽ mua thêm 8.000 chiếc máy bay. Các hãng hàng không Trung Quốc như Air China, China Southern … đã không ngừng mở thêm những đường bay mới (177 tuyến bay mới trong năm 2018), kể cả các tuyến bay ngoài khu vực châu Á. Chỉ cần phục vụ các hãng hàng không quốc gia cũng đủ để bảo đảm cho Comac, cất cánh trong giai đoạn ban đầu.
Lợi thế thứ nhì là Comac, có trụ sở được đặt tại Thượng Hải, là một tập đoàn quốc doanh, với vốn đầu tư trực tiếp của Nhà nước. Mặc dù những chiếc C919 còn chưa thực hiện đủ số giờ bay thử, chưa được Cục Hàng Không Dân Dụng Trung Quốc cấp giấy phép hoạt động, nhưng Comac đã thông báo ký hợp đồng bán 815 chiếc cho các hãng hàng không, hầu hết trong số này sẽ được bán cho 25 tập đoàn hàng không dân dụng của Trung Quốc.
Sau cùng, Comac từ khi được hình thành năm 2008 đã kết nối với rất nhiều các đối tác phương Tây : Airbus có cơ sở tại Thiên Tân để lắp ráp các loại máy bay A320 và A330, động cơ phản lực do tập đoàn Pháp Safran và General Electric của Mỹ đồng sản xuất. Năm 2017, Boeing mở nhà máy đầu tiên ở Trung Quốc.
Đến nay, Comac hợp tác với tổng cộng 15 công ty nước ngoài, đào tạo 400.000 nhân viên chỉ riêng trong năm 2018 và theo giới trong ngành, trong một thời gian ngắn ngủi, các chuyên gia Trung Quốc đã có được trình độ chuyên môn \”rất gần với tầm cỡ của Hoa Kỳ\”. Điều đó không cấm cản chủ tịch kiêm tổng giám đốc Comac, trong một phát biểu gần đây trên một tờ báo chính thức của Trung Quốc, than phiền vẫn thiếu kỹ sư có tay nghề cao và tập đoàn sản xuất máy bay có trụ sở tại Thượng Hải này \”gặp khó khăn trong khâu phối hợp các nhóm nhân viên\” trong một lĩnh vực \”mũi nhọn\”.