Hội nghị phát triển luật quốc tế châu Á: Biển Đông là một trong những trọng tâm chính

Hội nghị phát triển luật quốc tế châu Á: Biển Đông là một trong những trọng tâm chính

Ngày đăng 22-10-2019

Từ ngày 14-18/10, Quỹ phát triển luật quốc tế châu Á (DILA) phối hợp với Viện nghiên cứu hàng hải Hàn Quốc (KMI) và Đại học Indonesia tổ chức “Hội nghị phát triển luật quốc tế châu Á” tại Jakarta. Một trong những trọng tâm chính của Hội nghị là trao đổi, thảo luận về vấn đề Biển Đông.

\"\"/

Hội nghị này có 8 phiên thảo luận, với sự tham dự của hơn 100 nhà nghiên cứu và chuyên gia luật đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung thảo về các vấn đề biển đảo, trong đó có Biển Đông.

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi gửi tham luận tới Hội nghị, khẳng định luật pháp quốc tế là “quy tắc” và là “nền tảng cần thiết” cho các cuộc đối thoại nhằm giải quyết tranh chấp. Bà Retno cũng cho rằng Quan điểm ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vừa được thông qua nhằm thúc đẩy đối thoại, hữu nghị, hợp tác cũng như luật pháp quốc tế.

Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Bá Cường, Viện nghiên cứu khoa học Biển và Hải đảo của Việt Nam nhấn mạnh những đóng góp của Việt Nam vào sự phát triển luật quốc tế tại Biển Đông. Theo Tiến sỹ Nguyễn Bá Cường, tại Biển Đông cũng như các vùng biển khác trên thế giới, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đã tạo ra một “trật tự pháp lý” giúp thúc đẩy giao thương, khai thác và sử dụng các vùng biển một cách hòa bình, công bằng và hiệu quả, cũng như thúc đẩy các hoạt động bảo tồn tài nguyên sinh vật, nghiên cứu và bảo vệ môi trường biển. Về những đóng góp của Việt Nam cho sự phát triển của luật quốc tế tại Biển Đông, Tiến sỹ Nguyễn Bá Cường cho biết cũng như các nước thành viên UNCLOS khác, Việt Nam đã và đang áp dụng bộ “hiến pháp đại dương” này trong việc khai thác Biển Đông vì lợi ích của mình. Theo đó, UNCLOS và luật pháp quốc tế đã trở thành công cụ giúp Việt Nam xác định và làm rõ các quyền hạn và nghĩa vụ hàng hải của mình; cung cấp các cơ chế giải quyết các tranh chấp hàng hải với các nước láng giềng khác; và quản lý hiệu quả các tranh chấp. Ngoài ra, ông Nguyễn Bá Cường nhấn mạnh UNCLOS đã đóng vai trò là cơ sở pháp lý quốc tế vững chắc cho việc xác định và bảo vệ vùng biển và thềm lục địa, cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tục đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 và nhiều tàu chấp pháp, tàu cá cải trang hoạt động trái phép trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam. Đáng chú ý, theo hệ thống AIS vệ tinh, tàu Hải Dương Địa Chất 8 cùng nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc (16h04, ngày 9/10/2019) tiếp tục đi sâu thêm một cách bất thường vào biển Việt Nam, so với đường khảo sát thứ 6 đã cách 21 hải lý. Nếu tính theo hướng mũi tàu thì hiện giờ tàu này đang cách mũi Đá Vách (cạnh vịnh Cam Ranh) 86,6 hải lý. Đây là điểm sâu nhất trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 đạt tới trong một tháng vừa qua và có lẽ sâu nhất kể từ đợt đầu tiên. Với sơ đồ đường đi vừa vào sâu vừa trải dài, có thể nói hoạt động khảo sát của tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã bao phủ một diện rộng suốt dọc khu vực biển không thể tranh chấp của Việt Nam, bề dài xấp xỉ 363 hải lý và bề rộng xấp xỉ 73 hải lý. Ngoài thu thập các dữ liệu về dầu khí, khả năng cao nhóm tàu Trung Quốc còn khảo sát bề mặt, địa hình lồi lõm dưới đây biển, biết các luồng lạch mà tàu ngầm có thể di chuyển thuận lợi nhất. Hành động trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, mà còn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Trước hành động ngang ngược trên của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã nhiều lần lên tiếng phản đối, đồng thời chỉ trích các hành động phi pháp của Trung Quốc. Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Việt Nam kiên quyết phản đối việc tàu Địa chất Hải Dương 8 tiếp tục các hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam, được xác định phù hợp với các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”. Theo bà Hằng, UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để các quốc gia xác định các vùng biển của mình và không nước nào có thể đưa ra yêu sách về các vùng biển ở khu vực Biển Đông vượt quá giới hạn quy định trong UNCLOS. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp hay chồng lấn. Các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, vi phạm UNCLOS. Việt Nam cũng đã nêu quan điểm về ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động vi phạm của nhóm tàu Địa chất Hải Dương 8 đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, với hoà bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và ở khu vực. Vì những lý do đó, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này, rút toàn bộ những tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Được biết, trong những năm gần đây, Việt Nam đã, đang và sẽ tích cực đóng góp vào việc thúc đẩy các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là việc giải quyết hòa bình các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải dựa trên cơ sở luật quốc tế. Tại Hội nghị thường niên lần thứ 57 của Tổ chức Tham vấn pháp luật Á-Phi (AALCO, 8-12/10/2018) tại thủ đô Tokyo, Đoàn liên ngành Việt Nam do Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao Lê Thị Tuyết Mai làm Trưởng đoàn, cùng đại diện của các Bộ Quốc phòng, Công an, Tư pháp và Ngoại giao đã tích cực tham gia Hội nghị, phát biểu, thảo luận tại các phiên thảo luận và các hoạt động bên lề. Đoàn Việt Nam nhấn mạnh quan điểm, chủ trương của Việt Nam về đề cao pháp quyền ở cả cấp độ toàn cầu, khu vực và quốc gia, giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, duy trì hòa bình ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) trên cơ sở tuân thủ pháp luật quốc tế, nhất là Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Đoàn Việt Nam cũng trao đổi, cập nhật những nỗ lực của Việt Nam cùng các nước ASEAN và các nước đối tác phát triển Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, kêu gọi các bên kiềm chế không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, xây dựng Đông Nam Á là khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Đoàn cũng khẳng định việc Việt Nam tích cực thực hiện các cam kết quốc tế, nỗ lực thúc đẩy quản lý nghề cá có trách nhiệm, đấu tranh chống nạn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không quản lý (khai thác IUU). Theo bà Lê Thị Tuyết Mai, trong năm 2018, Việt Nam đã ban hành các quy định mới về an ninh mạng phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Về tham gia phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, Việt Nam cũng đã phê chuẩn và trở thành thành viên thứ 10 của Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân; đồng thời tham gia Hội nghị liên chính phủ về xây dựng văn kiện pháp lý ràng buộc theo Công ước Luật Biển năm 1982 về Bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển ở khu vực ngoài quyền tài phán quốc gia.

Bài Liên Quan

Leave a Comment