Liên đoàn Nhân quyền Quốc tế lên án Việt Nam đàn áp xã hội dân sự
RFA
2019-10-25
Các đại biểu dự hội nghị tại Đài Bắc tháng 10/2019
Courtesy of queme.org
Liên đoàn Nhân quyền Quốc Tế (FIDH), trụ sở tại Paris, vào ngày 25 tháng 10 ra thông cáo báo chí lên án Việt Nam gia tăng đàn áp xã hội dân sự và thiếu vắng công lý về môi trường nhân Hội nghị lần thứ 40 tại Đài Bắc.
Theo thông cáo báo chí của FIDH, hơn 400 nhà lãnh đạo về nhân quyền, các vị học giả, và đại diện của những tổ chức xã hội dân sự khắp nơi trên thế giới tham gia Hội nghị lần thứ 40 của Liên đoàn diễn ra từ ngày 21 đến 25 tháng 10. Chủ đề của hội nghị lần này là “Phục hồi Tính Phổ quát của Nhân quyền’.
Đây là lần đầu tiên FIDH tiến hành hội nghị tại một nước Châu Á và đích thân nữ tổng thống nước chủ nhà, Bà Thái Anh Văn, đến khai mạc hội nghị.
Tại hội nghị, ông Võ Trần Nhật, người đại diện cho Ủy Ban Quyền Làm Người Việt Nam, một thành viên của FIDH, lên tiếng cảnh báo về tình trạng gia tăng đàn áp các bloggers, các nhà bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam.
Một nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Việt Nam được nhất trí thông qua tại hội nghị. Nghị quyết lên án biện pháp đàn áp có hệ thống của chính phủ Việt Nam đối với tất cả những chỉ trích và phản đối ôn hòa về sự đàn áp cũng như những vấn đề nhân quyền khác. Cụ thể đó là thực trạng gia tăng bắt bớ, tuyên những bản án tù dài đối với giới hoạt động xã hội dân sự, hình sự hóa quyền tự do biểu đạt bằng những điều luật mang tính giới hạn và một chính sách chung nhằm tạo nên một bầu khí lo sợ trong những người muốn tham gia vào công việc chung.
Tại hội nghị, một nghị quyết về công lý môi trường tại Việt Nam cũng được thông qua. Nghị quyết nhắc lại thảm họa môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây nên vào năm 2016. Trong thảm họa đó, chính phủ Việt Nam thiếu hành động hỗ trợ cho nạn nhân và giải quyết những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng. Trong đó có những quyền được sống trong môi trường sạch, quyền có đủ lương thực và được chăm sóc sức khỏe, quyền làm việc, quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do hội họp, quyền được thông tin và quyền được bồi thường đầy đủ.