Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cảnh báo khả năng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cảnh báo khả năng xảy ra chiến tranh ở Biển Đông

Ngày đăng 25-10-2019

Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (21/10) cảnh báo việc tàu chiến các nước hiện diện ở Biển Đông có thể dẫn đến chiến tranh, song nhấn mạnh Malaysia sẽ kiên trì theo đuổi chính sách không quân sự hóa ở Biển Đông.

\"\"/

Phát biểu tại Hội nghị Malaysia Beyond 2020 ở Kuala Lumpur, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc và Mỹ trong khu vực có thể làm mất ổn định tuyến đường vận tải quan trọng; đồng thời cảnh báo ở khu vực eo biển Malacca và Biển Đông, việc đi lại của tàu bè vẫn tự do, không bị cản trở nhưng một khi các bên bắt đầu điều động tàu chiến thì sẽ thành vấn đề, điều đó có thể dẫn đến chiến tranh.

Trước đó, ông Mahathir Mohamad (23/8) lên án các nước, đặc biệt nước lớn, không tôn trọng luật quốc tế; cho rằng các nước cần hợp tác để chỉ ra rằng đang có tình trạng coi thường luật pháp quốc tế trên thế giới; nhiều nước bị ảnh hưởng vì các nước lớn tự ý vận dụng luật quốc tế theo ý mình, đồng thời bày tỏ tin tưởng tranh chấp Biển Đông cần được giải quyết thông qua biện pháp hoà bình, qua đàm phán, trọng tài và có thể là toà án.

Tại diễn đàn Tương lai châu Á đang diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản), Thủ tướng Malaysia (30/5) nêu quan điểm cho rằng chính quyền Mỹ nên có những nhượng bộ trong đàm phán thương mại với Trung Quốc, trong đó gồm cả tranh cãi liên quan tới vụ việc cụ thể của Công ty Huawei; cảnh báo việc thất bại trên bàn đàm phán thương mại có thể dẫn tới nguy cơ xung đột quân sự.

Đáng chú ý, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (18/9) cũng đã công bố “Khung hướng dẫn” mới đối với chính sách đối ngoại của Malaysia, nhấn mạnh về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Thủ tướng Mahathir đã đề xuất phi quân sự hóa tuyến đường hàng hải đang có tranh chấp gay gắt này và biến nó thành một khu vực hòa bình hữu nghị và thịnh vượng. Tài liệu trên cập nhật chính sách đối ngoại của Malaysia nhấn mạnh, về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần của Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Khung khuôn khổ cũng cho biết Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN. Tuyên bố về Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN) khẳng định quyết tâm giữ khu vực trung lập, không chịu bất kỳ sự can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài đã được Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore ký kết vào năm 1971.

Trong tài liệu mới, Malaysia còn nhấn mạnh mối đe dọa an ninh từ những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông “đã được kiểm soát tốt và quản lý hiệu quả về mặt ngoại giao”, nhưng cảnh báo “có vài điểm nóng có thể gây ra khủng hoảng hoặc chiến tranh nếu không được xử lý một cách hợp lý”. Cũng theo tài liệu mới, chính phủ Malaysia vẫn giữ lập trường không đứng về phía nào đối với các nước lớn và sẽ duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Tài liệu cũng cho biết, “Malaysia mới” sẽ có nhiều tiếng nói hơn về quyền của các quốc gia nhỏ và kém phát triển hơn ở phía Nam và Malaysia cũng dự định sửa đổi các chương trình hỗ trợ hiện tại để tối ưu hóa toàn bộ tiềm năng của các nước này; nhấn mạnh rằng Malaysia tìm kiếm các mối quan hệ cùng có lợi giữa các quốc gia, kể cả các cường quốc và sẽ hợp tác với tất cả các nước có chung cách tiếp cận để đảm bảo các quốc gia có thể tham gia trên cơ sở bình đẳng mà không phải chịu áp lực từ bất kỳ cường quốc nào.

Tuyên bố của Ngoại trưởng và Thủ tướng Malaysia đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Malaysia (12/9) nhất trí thiết lập một cơ chế đối thoại chung để giải quyết các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, nhấn mạnh đây là nền tảng mới cho hoạt động đối thoại và hợp tác của hai bên. Mặc dù vậy, theo nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán, phía Malaysia khẳng định cơ chế song phương trong kế hoạch không phải là nền tảng để thảo luận về các yêu sách lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông. Malaysia vẫn nhất quán quan điểm cho rằng, thông qua ASEAN mới là con đường duy nhất để giải quyết bất kỳ tranh chấp nào ở Biển Đông. Cơ chế này không nên bị đánh đồng thành các cuộc đàm phán song phương về Biển Đông.

Từ khi Thủ tướng Mahathir Mohamad lên cầm quyền, Malaysia đã có bước điều chỉnh chiến lược về vấn đề Biển Đông. Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng Biển Đông nên là một vùng biển hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải là nơi đối đầu hay xung đột; Không phải đe dọa quân sự mà tham vấn ngoại giao mới là chìa khóa để xử lý và giải quyết bất cứ tranh chấp liên quốc gia nào ở Đông Á cũng như những nơi khác; Tất cả các nước, dù lớn hay nhỏ, đều được hoan nghênh đóng vai trò xây dựng trong một cộng đồng Đông Á rộng mở thông qua sự hội nhập và tạo thành thị trường lớn hơn, nhưng lợi ích của các nước yếu hơn phải được tôn trọng, bảo vệ và hoàn thiện. Do đó, ông Mahathir Mohamad thúc đẩy chính sách Biển Đông trên một số khía cạnh:

(1) Bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Malaysia ở Biển Đông.

(2) Thúc đẩy phối hợp với các nước liên quan tranh chấp chủ quyền trong khu vực và kêu gọi ASEAN đóng vai trò dẫn dắt và chủ động trong việc xử lý mọi tình huống trên Biển Đông.

(3) Tìm cách thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong cả lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Điều này được thể hiện bằng việc Malaysia cam kết duy trì sự trung lập và kêu gọi sự tham gia của tất cả các tác nhân, đồng thời nhấn mạnh vai trò của việc tham vấn, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN cũng như mở rộng chủ nghĩa đa phương của tổ chức khu vực này trên nhiều tầng nấc.

(4) Tăng cường hợp tác, giao lưu hải quân với các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm thúc đẩy sự tin cậy chính trị, nâng cao năng lực hải quân và khả năng ứng phó với những tình huống đột xuất trên biển.

(5) Tìm cách ngăn chặn các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.

Bài Liên Quan

Leave a Comment