Chiến tranh tuyên truyền giữa Hoa Vi và Mỹ?
Thanh Hà – Phát Thứ Ba, ngày 29 tháng 10 năm 2019
Logo của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi.REUTERS/Aly Song
Chuyên gia Pháp, Julien Nocetti, viện IFRI cảnh báo coi chừng cả Hoa Vi lẫn Mỹ đều lao vào một cuộc chiến tuyên truyền. Khác với thông lệ, tập đoàn Hoa Vi phô trương thành tích vẻ vang đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019 bất chấp lệnh \”trừng phạt\” của chính quyền Trump. Tại Washington, chính quyền Trump đã ồn ào thông báo những biện pháp trừng phạt mạnh tay, nhưng đó là đòn \”giơ cao đánh khẽ\”.
Tháng 5/2019, Washington tuyên bố cấm cửa Hoa Vi vì lý do \”an ninh quốc gia\” cáo buộc tập đoàn này làm \”gián điệp\” cho Bắc Kinh. Chủ nhân Nhà Trắng vận động các đồng minh của Hoa Kỳ tẩy chay ông khổng lồ trong ngành viễn thông Trung Quốc này.
Theo giới quan sát nếu bị Mỹ mạnh tay trừng phạt mà Hoa Vi vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng gần 24 % so với cùng thời kỳ năm ngoái, thì chỉ có hai cách giải thích : hoặc là Hoa Kỳ chơi trò giơ cao đánh khẽ với Hoa Vi, hai là tập đoàn công nghệ viễn thông có trụ sở tại Thẩm Quyến thổi phồng thành tích để trấn an công luận.
Đâu là thực hư trong cuộc đọ sức giữa Hoa Kỳ và một công ty do một cựu quân nhân Trung Quốc lập ra ? RFI tiếng Việt mời chuyên gia Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI trả lời câu hỏi trên.
Hoa Vi khoe thành tích
Trung tuần tháng 10, tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi thông báo doanh thu trong sáu tháng đầu năm tăng 23,8 % so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tính từ tháng 5/2019, Hoa Vi đã ký được 60 hợp đồng để triển khai mạng điện thoại 5G cho các quốc gia và lãnh thổ trên thế giới. Trong số những khách hàng của Hoa Vi có từ các nước lớn như Nga, đến những đối tác nhỏ bé như công quốc Monaco. Giám đốc Hoa Vi không quên nói thêm rằng, đó là những \”thành tích tốt trong lúc công ty đang phải đối mặt với nhiều khó khăn\”, ngụ ý Hoa Vi đang trong tầm ngắm của Washington.
Ngày 15/05/2019, tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh cấm các tập đoàn Mỹ sử dụng trang thiết bị viễn thông của các công ty ngoại quốc bị cho là \”đe dọa an ninh\” Hoa Kỳ. Nhà Trắng còn cấm Hoa Vi triển khai mạng 5G trên lãnh thổ Hoa Kỳ và dọa các đồng minh là sẽ không cung cấp thông tin tình báo nếu như những nước này vẫn hợp tác với một công ty Trung Quốc để phát triển mạng lưới 5G.
Hãng tin Bloomberg ngày 26/08/2019 nêu cụ thể trường hợp của Việt Nam. Hà Nội muốn trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á triển khai mạng 5G, nhưng lại không muốn sử dụng công nghệ điện thoại di động của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi vì nhiều lý do : một là nghi ngại các công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông khiến công luận Việt Nam thận trọng đối với Bắc Kinh, thứ hai là nguy cơ Bắc Kinh kiểm soát được các cơ sở hạ tầng thiết yếu của Việt Nam khi dùng công nghệ và trang thiết bị của Hoa Vi, và ba là lo ngại bắt tay với Hoa Vi, khiến Mỹ ngưng chia sẻ thông tin tình báo với chính quyền Hà Nội.
Châu Âu không dám nói không với Hoa Vi
Tại châu Âu ngay cả các đối tác thân thiết nhất của Washington từ Anh đến Đức và cả Pháp đều thận trọng và chưa một ai mạnh dạn tuyên bố \”bỏ Hoa Vi\” cho dù là Berlin và Paris chẳng hạn đều chủ trương \”tăng cường cảnh giác\” và châu Âu hiện có hai nhà cung cấp là Ericsson và Nokkia cũng rất có uy tín trong ngành viễn thông.
Theo chuyên gia Pháp, Julien Nocetti : \”Về mặt lý thuyết, Ericsson hay Nokkia của châu Âu có thể lấp vào chỗ trống của Hoa Vi, bởi vì hai tập đoàn này có tiếng và có uy trên thế giới. Tuy vậy chỉ cần nhìn vào ngân sách hàng năm dành cho khâu nghiên cứu và phát triển, cũng đủ thấy rằng Hoa Vi đang dẫn đầu và bỏ xa lại phía sau hai hãng châu Âu này. Ngay cả về mặt phát minh, Hoa Vi cũng đang đi trước các đối thủ châu Âu rất nhiều\”.
Năm tháng trước, giới quan sát cho rằng khi quyết định cấm Hoa Vi tiếp cận với công nghệ Mỹ, ông Trump đã giáng một đòn mạnh vào tập đoàn do ông Nhậm Chính Phi thành lập từ đầu những năm 1980 và nay đã qua mặt tập đoàn Apple của Mỹ trên thị trường điện thoại thông minh, đồng thời là công ty tiên phong nhất trong lĩnh vực 5G. Nhưng nhược điểm lớn nhất của ông khổng lồ trong ngành viễn thông này là lệ thuộc vào công nghệ bán dẫn, vào chip điện tử và phần mềm của các đối tác phương Tây. Đứng đầu là các hãng Mỹ từ Google đến Intel hay Microsoft… Nếu bị cắt hoàn toàn nguồn công nghệ Mỹ, Hoa Vi khó có thể \”giữ được hình hài như hiện nay\”.
Nhu cầu trấn an công luận
Do vậy trả lời ban Việt ngữ đài RFI nhà nghiên cứu Julien Nocetti, cộng tác viên Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI cho rằng hơn bao giờ hết công luận cần thận trọng với những báo cáo của Hoa Vi :
\”Đúng là thành quả Hoa Vi thông báo có được là nhờ lĩnh vực điện thoại thông minh. Hoa Vi đã mở rộng thị phần tại châu Phi và Trung Đông. Ngược lại, điện thoại Trung Quốc bị châu Âu chê. Và chúng ta biết rằng cho tới nay, châu Âu là thị trường lớn thứ nhì của Hoa Vi, chỉ sau có thị trường nội địa.
Kế đến chúng ta cần đặt lại vấn đề trong bối cảnh hiện nay. Mỹ phạt Hoa Vi từ 5 tháng qua, đương nhiên đó không thể là một tin vui đối với tập đoàn công nghệ thông tin này của Trung Quốc. Từ năm 2020, mức lãi và doanh thu của tập đoàn sẽ bị giảm sụt\”.
Lệnh cấm của Mỹ gồm những gì ?
Câu hỏi kế tiếp là trong 5 tháng qua, sắc lệnh \”cấm Hoa Vi\” do tổng thống Donald Trump ban hành có được thực hiện như đã thông báo hay không ? Về điểm này giới trong ngành ghi nhận : đúng là trong những ngày tiếp theo thông báo của Nhà Trắng nhiều \”ông lớn\” trong ngành tin học, đứng đầu là Google đã ồn ào thông báo một số quyết định để thích nghi với tình huống.
Nhưng rồi chính Washington cũng đã cho biết chấp nhận để các bên thêm một thời gian để xoay trở. Nhưng trên thực tế, theo chuyên gia Pháp, Julien Nocetti viện quan hệ quốc tế IFRI, các tập đoàn Mỹ không dễ dàng bỏ qua một khách hàng có sức mua 11 tỷ đô la :
\”Lý do đơn giản là các tập đoàn công nghệ cao của Mỹ – như là nhóm GAFA – chịu nhiều sức ép. Hoa Vi là một đối tác quan trọng của những hãng như Google, hay Amazon. Mức độ lệ thuộc vào nhau đó cho thấy đôi khi có mâu thuẫn giữa những tính toán của chính quyền Liên Bang và quyền lợi của các hãng trong thung lũng Silicon Valley\”.
Ở hậu trường Hoa Vi và Mỹ vẫn bắt tay nhau ?
Một số các tờ báo chuyên ngành của Mỹ thậm chí còn cho rằng, chẳng những Washington dùng đòn giơ cao đánh khẽ với Hoa Vi mà đó có thể còn là \”một màn ảo thuật\” chỉ nhằm cho phép Donald Trump hô hào thắng lợi với cử tri. Bất chấp lệnh trừng phạt, nhiều lãnh đạo của tập đoàn viễn thông Trung Quốc này trong những tháng qua vẫn tiếp tục \”trao đổi làm ăn\” với các đối tác Hoa Kỳ.
Vincent Pang, chủ tịch Hoa Vi đặc trách khu vực châu Âu, trong một chuyến công tác tại Washington gần đây, đã cho biết thêm vẫn có những cuộc \”trao đổi mang tính lâu dài, hoặc liên quan đến những dự án hợp tác kỹ thuật nhất thời\” với nhiều hãng của Mỹ, kể cả trong lĩnh vực triển khai mạng điện thoại 5G. Đương nhiên ông Vincent Pang tuyệt đối không tiết lộ tên tuổi các hãng Mỹ vẫn giữ kênh liên lạc với Hoa Vi.
Nói nhiều, làm chẳng được bao nhiêu
Vậy có thể nói rằng, liên quan đến trường hợp của Hoa Vi nói riêng và các lệnh phạt nhắm vào kinh tế Trung Quốc nói chung, chính quyền Trump ào ào thông báo các biện pháp triệt để nhưng hiệu quả không đi tới đâu ?
Nhà nghiên cứu Nocetti trả lời : \”Có thể nói ngắn gọn là như vậy. Nhìn vào bối cảnh chung, chúng ta thấy trong chính sách đối ngoại, Donald Trump đưa ra rất nhiều các tuyên bố khác nhau. Ông thường dùng những từ ngữ gây sốc và thông báo qua Twitter những biện pháp mạnh, thành thử hiệu ứng về mặt truyền thông càng được nhân lên gấp bội. Nhưng khi nhìn kỹ, thì nhiều tuần lễ và thậm chí là nhiều tháng sau những tuyên bố đó, tình hình không thay đổi gì nhiều. Chúng ta đừng quên điều ấy khi phân tích về quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.
Về mặt kỹ thuật cũng vậy thôi. Hơn nữa Mỹ và Trung Quốc tuy là những đối thủ của nhau, nhưng lại rất cần nhau, rất lệ thuộc vào nhau. Quyết định của mỗi bên đều ảnh hưởng đến dây chuyền cung ứng chung của Mỹ, của Trung Quốc và cả toàn châu Á, châu Âu. Đó là điều hết sức quan trọng\”.
Thêm một bằng chứng buộc độc giả thận trọng với các thống kê về tác động chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, đó là Bắc Kinh thông báo kinh tế sụt giảm, Washington khẳng định đã dồn được đối thủ vào chân tường, nhưng ngành thời trang hạng sang của Pháp vẫn bội thu nhờ thị trường Trung Quốc.
Nhà may Hermes chẳng hạn không hề bị ảnh hưởng vì khủng hoảng chính trị Hồng Kông làm tê liệt các hoạt động kinh tế, bởi \”doanh thu tại Hoa Lục đã tăng mạnh trong tháng 9/2019\”. Ba nhãn hiệu nổi tiếng là Hermes, Vuitton và Gucci đều cho biết : những khoản thất thu tại Hồng Kông đã được dễ dàng bù đắp lại nhờ doanh thu tại Hoa Lục tăng nhanh trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9/2019.