Hành trình 54 năm của 81 hài cốt chiến sĩ VNCH và người giám hộ pháp lý Mỹ
29/10/2019
Sau hành trình dài 54 năm, 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) vô danh đã được an táng tại đất nước Hoa Kỳ, chứ không phải an nghỉ tại quê nhà, nơi họ được sinh ra và nơi họ chiến đấu vì tự do. “Họ đã được đồng minh vinh danh và an táng đúng cách,” như lời các diễn giả phát biểu tại lễ tưởng niệm, họ cũng được cộng đồng gốc Việt chào đón dưới mái nhà chung, phần lớn chính nhờ người giám hộ pháp lý được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ định, người đã hoàn thành một sứ mệnh thiêng liêng.
Chứng kiến lễ vinh danh và an táng 81 chiến sĩ tại Đài tưởng niệm Việt – Mỹ ở thành phố Westiminster, bang California, hôm 26/10, Bộ trưởng Hải quân Hoa Kỳ Richard Spencer nói: “Đó là việc làm đúng nghĩa.”
Nhà văn Phan Nhật Nam, cựu thiếu úy Tiểu đoàn 7 Nhảy dù, tiểu đoàn có 81 chiến sĩ tử nạn, nói với VOA:
“Các Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 2, Tiểu đoàn 8 đã đi trước, còn riêng Tiểu đoàn 7 ở lại, đợi một vụ chuyển quân (airlift) từ Pleiku về Tuy Hòa để tham dự Chiến dịch Thần Phong 11 thì tất cả 81 người thuộc Đại đội 72 tử nạn vào ngày 11/12/1965.”
Họ là những người sống sót trong trận Đồng Xoài 11 vào 6/1965, cộng thêm quân số mới của Tiểu đoàn 3.”
54 năm sau, vào ngày 26/10, tại thành phố Westminister, California, Cựu Thượng Nghị sĩ Jim Webb, một cựu binh Thủy quân Lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam, cựu Bộ trưởng Hải quân và Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về các vấn đề lưu trữ, đã chủ trì lễ tưởng niệm và an táng 81 chiến sĩ VNCH tử trận trên chuyến bay C-123.
Lâm nạn do thời tiết hay bị bắn hạ?
Luật sư Jeff McFadden, thành viên của tổ chức Lost Soldiers Foundation, và cũng là người phụ trách truyền thông của ông Jim Webb, nói với VOA rằng, chiếc máy bay C-123 của Không quân Hoa Kỳ với phi hành đoàn gồm 4 quân nhân Mỹ và 81 chiến sĩ Nhảy dù VNCH đã bị “bắn hạ.”
“Chiếc máy bay bị bắn hạ vào ngày 11/12/1965. Trong đó có phi hành đoàn gồm 4 quân nhân của Không lực Hoa Kỳ và còn lại là 81 chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa – mà mãi cho đến năm 1974 mới được tiếp cận vì địa điểm lâm nạn nằm trong vùng chiến sự.”
Trước đó, tờ USA đăng bài của cựu TNS Jim Webb hôm 13/09 cho biết: “Chiếc máy bay vận tải C-123 bị bắn hạ vào cuối năm 1965. Bốn quân nhân Mỹ trong phi hành đoàn và 81 chiến sĩ Nhảy dù VNCH thiệt mạng.”
TNS Thomas J. Umberg hôm 26/10 ra nghị quyết ca ngợi sự hy sinh của các chiến sĩ VNCH trên chiếc máy bay C-123 “bị bắn hạ.”
Hôm 22/10, trong một phát biểu tri ân cựu nghị sĩ Jim Webb trước Hạ viện, Dân biểu Alan Lowenthal cũng cho biết rằng chiếc máy bay đã bị “bắn hạ.”
Tuy nhiên, cả ông Webb và các dân biểu không nói rõ ai đã bắn chiến máy bay C-123 đó.
Ông Hoàng Tấn Kỳ, Chi Hội Trưởng Gia đình Mũ Đỏ Nam California, chia sẻ với VOA rằng máy bay này bị nạn năm 1965 trong vùng chiến sự và mãi cho đến 1974 thì Hoa Kỳ mới cận được khu vực để đưa các bộ hài cốt về Thái Lan.
“Khi tua của Đại đội 72 với 81 người đi thì bị sương mù, bay đường ngắn và thấp từ Pleiku đến Tuy Hòa. Lúc đó 10 sáng nhưng sương mù vẫn còn trong vách núi. Máy bay đã đâm vào vách núi đó, cách tỉnh lị Tuy Hòa 37 km, chứ không phải bị bắn rơi hay một nguyên nhân nào khác.”
Ông Phan Nhật Nam nhận định về nguyên nhân máy bay C-123 bị nạn:
“Chiếc C-123 chỉ chở tối đa 60 người, còn đợt đó chở tới 81 người, và còn vũ khí trang bị khi hành quân, và như vậy thì quá nặng nên phải bay thấp. Tôi nhớ không nhầm đó là vùng núi Chóp Chài rất hiểm trở. Có giả thiết rằng do tầm bay thấp nên đã va vào núi. Nhưng cũng có thể do binh sĩ có trang bị lựu đạn, súng, có thể có lựu đạn nổ bất ngờ, nhưng cũng có thể bị bắn hạ.”
“Có thể ông Jim Webb, ông Lowenthal dự kiến như thế thôi, chứ không có ai ở hiện trường máy bay rơi để xác nhận rằng máy bay bị bắn rơi hay bị nổ, hay tông vào núi.”
Chính phủ Việt Nam từ chối tiếp nhận
Ông McFadden cho biết cũng trên chuyến bay C-123 này có bốn quân nhân Mỹ trong phi hành đoàn thiệt mạng và cả bốn người này đã được an táng ở Nghĩa trang Quốc gia Arlington, duy chỉ 81 chiến sĩ VNCH không có tên trên chuyến bay và danh tính của họ chưa bao giờ được xác định.
Cựu TNS Webb phát biểu: “Tôi mới biết được trường hợp này hai năm trước đây. Sau nhiều tháng thương lượng khó khăn vế mặt ngoại giao và mặt luật pháp, giờ đây mới thực hiện được sự kiện này.
“Những mảng xương và những món đồ cá nhân của họ đã được thu thập, tất cả hài cốt đã trộn lẫn vào nhau để có thể đưa vào trong một quan tài và được chuyển đến Bankok, Thái Lan. Những quân nhân Mỹ đã được xác định danh tính bằng phương pháp thử nghiệm DNA và được an táng chu đáo.
“Thế nhưng đối với những người lính VNCH vì họ không có tên trong bản kê khai trên chuyến bay nên vào năm 1986 hài cốt của họ được gửi tới phòng thí nghiệm POW/MIA ở Hawaii và đã được cất giữ tại đó suốt 33 năm qua.
“Đã hai lần nhà cầm quyền Hà Nội từ chối nhận những hài cốt này để an táng tại Việt Nam, và vì họ cũng không phải là công dân hay quân nhân Hoa Kỳ nên cũng không có cách nào khác để vinh danh và chôn cất họ tại Hoa Kỳ.”
Ông Webb nói thêm: “Họ là những người lính vô danh và thực sự là những người vô tổ quốc sau khi họ đã chiến đấu và hy sinh cho một đất nước mà hiện nay đã không còn.”
“Chúng ta có thể không bao giờ biết những hài cốt này là ai, chỉ biết họ là những đồng minh của chúng ta,” ông Webb nói
Ông McFadden nói với VOA:Chúng tôi phải đàm phán với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, và dĩ nhiên cũng có các cuộc đàm phán với phía Việt Nam thông qua Đại sứ của chúng tôi. Đó là một quá trình hết sức phức tạp.Luật sư Jeff McFadden.
“Chúng tôi phải đàm phán với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, và dĩ nhiên cũng có các cuộc đàm phán với phía Việt Nam thông qua Đại sứ của chúng tôi. Đó là một quá trình hết sức phức tạp.”
Ông Phan Nhật Nam nói:
“Về 81 hài cốt đó, [khi phía Mỹ] nói chuyện với Hà Nội, Hà Nội không nhận, vì thứ nhất, họ không phải là chiến sĩ của Hà Nội, thứ hai, họ không phải là công dân của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.
“Như vậy, về thủ tục và pháp lý, họ không nhận. Khi đó, ở Mỹ, cũng không nhận được. Ở Mỹ, một người còn sống đi vào là phải qua Bộ Di trú xác nhận. Những hài cốt này không phải là lính Mỹ và cũng không còn là lính VNCH vì căn cước chính trị lính VNCH đã mất từ ngày 30/4/1975.”
Trước đó ông Jim Webb đã khẳng định trên trang web của ông rằng “Chính quyền Việt Nam đã hai lần từ chối tiếp nhận những hài cốt này.”
Cũng trên trang này có đăng tin ông Webb gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 3/2/2017.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để tìm hiểu về “hai lần Việt Nam từ tối tiếp nhận” các hài cốt này như ông Webb nói, nhưng chưa được phản hồi.
Người giám hộ pháp lý cho 81 hài cốt
Ông McFadden cho VOA biết chính ông Jim Webb là người được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ chỉ định làm người giám hộ pháp lý (next of kin custodian) đối với 81 hài cốt, sau 33 năm được lưu giữ ở phòng thử nghiệm của Cơ Quan Tìm Kiếm Tù Binh/Người Mất Tích (DPAA) ở Hawaii mà chưa có hướng xử lý.
“Vào tháng 3 năm nay, Bộ Quốc phòng đã chỉ định cựu TNS Jim Webb làm người giám hộ pháp lý (next of kin custodian) đối với 81 hài cốt, và do đó ông được phép mang các bộ hài cốt này về an táng như chúng ta chứng kiến tại buổi lễ ngày hôm nay.”
Hoàng Tấn Kỳ, Chi Hội Trưởng Gia đình Mũ Đỏ Nam Califonia, nói:
“Cựu TNS Jim Webb được Bộ Quốc phòng ủy nhiệm là một người có giai trò giám sát, giám hộ 81 bộ hài cốt. Và như vậy chỉ có ông mới có quyền ký giấy tờ đưa đi an táng bộ hài cốt trên nước Mỹ vì đó là hài cốt của người nước ngoài, chứ không phải quân của nước Mỹ. Vì vậy phải trải qua những thủ tục rất khó khăn, và phải đáp ứng các yêu cầu pháp lý của Mỹ mới có thể đưa về Mỹ được.”
Ông Hoàng Tấn Kỳ cho biết thêm:
“TNS Webb có nhờ Luật sư Jeff McFadden và Đại tá Gino Castagnetti, cựu Thủy quân Lục chiến của Mỹ, từng tham chiến ở Việt Nam, lập ra tổ chức vô vị lợi Lost Soldiers Foundation, để gây quỹ lo cho việc an táng 81 tử sĩ.”TNS Webb có nhờ Luật sư Jeff McFadden và Đại tá Gino Castagnetti, cựu Thủy quân Lục chiến của Mỹ, từng tham chiến ở Việt Nam, lập ra tổ chức vô vị lợi Lost Soldiers Foundation, để gây quỹ lo cho việc an táng 81 tử sĩ.Ông Hoàng Tấn Kỳ
Vào năm 2017, khi cựu TNS Webb biết được tình hình 81 hài cốt chiến sĩ nhảy dù VNCH không có người nhận, ông bắt đầu tìm hiểu và với sự giúp đỡ của ông Fred Smith, người sáng lập và CEO của tập đoàn Federal Express, cũng là cựu Thủy quân Lục chiến trong Chiến tranh Việt Nam, và Luật sự Jeff MacFadden, đã cùng thành lập Quỹ Lost Soldiers Foundation, để đưa các hài cốt này về Hoa Kỳ an táng.
Thân nhân của những anh hùng mũ đỏ
Có mặt tại buổi lễ trong trang phục màu đen, bà Võ Thị Nguyệt Nga, đến từ Maryland, vợ của chiến sĩ Nhảy dù Nguyễn Văn Cầu, người mà bà tin là một trong 81 chiến sĩ đã tử nạn, nói với VOA:
“Khi ổng chết tôi mới có 21 tuổi. Tôi sinh đứa con đầu lòng năm 1964. Lúc mà ổng đi trận Đồng Xoài (6/1965), cả tiểu đoàn có 500 người thì chết gần hết, chỉ còn lại 19 người. Ổng là một trong 19 người sống sót đó.
“Ông nói trong chuyến đi sắp tới này mạng sống của ổng như hạt gạo để trên sàng. Ổng nói vậy thì tôi hay vậy. Chứ ai có ngờ đâu. Ông được bổ túc theo tiểu đoàn, học Vạn Kiếp hai tháng, rồi ổng đi và đi luôn. Lúc đó, tôi có mang bầu đứa thứ hai mà ổng có hay biết gì đâu.!”
Từ Canada sang, năm thành viên trong gia đình ông Dương Văn Hóa có mặt tại buổi lễ truy điệu vào chiều ngày 26/10.
Ông Hóa nói:
“Tôi là Dương Văn Hóa, anh của cố Thiếu úy Dương Văn Chánh, Đại đội 72, Tiểu đoàn 7 Nhảy dù. Chúng tôi rất cảm động và rất mừng khi thấy 81 quân nhân nhảy dù đã hy sinh, được an táng một cách trọng thể ngày hôm nay.”
Ông Phan Nhật Nam cho biết:
“Ông Dương Văn Chánh là em của bà Dương Thị Kim Thanh, nữ quân nhân nhảy dù đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.”
Bà Dương Minh Châu, em dâu của cố Thiếu úy Dương Văn Chánh, nói:
“Chúng tôi thành tâm cảm ơn TNS Jim Webb và tổ chức Lost Soldiers Foundation đã hết lòng giúp cho 81 chiến sĩ nhảy dù của Quân lực VNCH cuối cùng cũng có được một nơi an nghỉ, nhất là ở ngay trong lòng trên mãnh đất của người Việt tị nạn ở thành phố Westminster, California. Gia đình chúng tôi thành thật tri ân.”Chỉ có ông Jim Webb mới làm được chuyện này vì ông là người có tinh thần chiến đấu rất cao, một thiếu tá Thủy quân Lục chiến đã hai lần tham chiến tại Việt Nam, tính ái quốc rất cao.Nhà văn Phan Nhật Nam
Chỉ có ông Jim Webb mới làm được chuyện này vì ông là người có tinh thần chiến đấu rất cao, một thiếu tá Thủy quân Lục chiến đã hai lần tham chiến tại Việt Nam, tính ái quốc rất cao,” nhà văn Phan Nhật Nam nhận định về người hộ giám pháp lý của 81 bộ hài cốt.
Cựu TNS Jim Webb nói tại buổi lễ: “Tôi rất hài lòng khi được chủ tọa buổi lễ vinh danh 81 anh hùng Việt Nam. Đây là một trách nhiệm đạo đức.”
Hôm 26/10, TNS Thomas J. Umberg nói rằng: “Những người lính này cùng lực lượng vũ trang Hoa Kỳ chiến đấu như những người anh em, tuy họ vô danh, nhưng với những nỗ lực của họ, họ sẽ không bao giờ bị lãng quên. Họ sẽ được ghi nhớ vì lòng danh dự, nhân phẩm, sự hy sinh, và tinh thần chiến đấu anh dũng cho tự do.”