Tướng quân đội không dám nêu tên Trung Quốc: Không thể chấp nhận!

Tướng quân đội không dám nêu tên Trung Quốc: Không thể chấp nhận!

Diễm Thi, RFA
2019-10-30

\"Lực

Lực lượng quân đội Việt Nam.

 AFPTướng quân đội không dám nêu tên Trung Quốc: Không thể chấp nhận!

Biển đảo Việt Nam bị Trung Quốc xâm phạm lâu nay nhưng lãnh đạo đảng và chính phủ vẫn rất dè dặt không nêu đích danh Trung Quốc là kẻ xâm phạm. Điều này khiến người dân quan tâm bất bình.

Không dám nêu đích danh Trung Quốc

Tại phiên họp Quốc hội sáng 30 tháng 10 năm 2019, Trung tướng Trần Việt Khoa, Giám đốc Học viện Quốc phòng, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chỉ gọi là “nước ngoài” chứ không nêu đích danh “Trung Quốc” khi đề cập đến tình hình biển đảo bị xâm phạm chủ quyền suốt 4 tháng qua. Ông nói:

“Từ tháng 5, khi chúng ta hoạt động dầu khí trên biển, và đặc biệt là đầu tháng 7 đến những ngày cuối tháng 10 vừa qua, chúng ta thấy nước ngoài đưa lực lượng xuống phản đối chúng ta một cách rất phi lý. Đây là những cái mà có thể chúng ta không thể chấp nhận được.

Ngoài ra, họ đưa tàu xuống khảo sát xuống thăm dò. Có những thời điểm đưa đến 35 – 40 tàu để bảo vệ. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao tiến hành đấu tranh ngoại giao trên cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của chúng ta”.

Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc không chấp nhận lời phát biểu của Trung tướng Trần Việt Khoa khi cho rằng người dân Việt Nam cũng như quốc tế đều biết Trung Quốc đang xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Quan chức của nhiều nước trên thế giới cũng nhắc đến tên Trung Quốc là nước đang đe dọa an ninh và chủ quyền lãnh thổ Việt Nam. Ông nói:

“Tôi rất tiếc khi một trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nơi đào tạo ra các sĩ quan cao cấp nắm các đường lối chiến lược quốc phòng của Việt Nam lại không dám nêu đúng tên Trung Quốc là kẻ đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước Quốc hội. Tôi cho đó là điều không thể chấp nhận được!”

Trung Quốc là nước đang có ý đồ xâm chiếm vùng Biển Đông của cả khu vực Đông Nam Á chứ không chỉ riêng Việt Nam. Điều này đe dọa hòa bình an ninh khu vực, đe dọa việc tuân thủ luật pháp quốc tế mà Trung Quốc là một thành viên của Hội đồng bảo an LHQ ký công ước luật biển năm 1982.

Tôi rất tiếc khi một trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nơi đào tạo ra các sĩ quan cao cấp nắm các đường lối chiến lược quốc phòng của Việt Nam lại không dám nêu đúng tên kẻ đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam trước Quốc hội. – Ô. Đinh Kim Phúc

Ông Đinh Kim Phúc nêu một loạt câu hỏi cho vị Giám đốc Học viện Quốc phòng Việt Nam:

“Sợ gì mà không dám nêu tên Trung Quốc trên diễn đàn Quốc Hội?

Sợ gì mà không dám chỉ thẳng tên người đang đe dọa an ninh chủ quyền của Việt Nam?

Nhân dân sẽ nghĩ gì khi một Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng không dám nêu tên Trung Quốc?”

Thạc sĩ Hoàng Việt, một thành viên của Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông đưa nhận định đây là điều khó hiểu:

“Ở Việt Nam có những vấn đề chúng ta cảm thấy khó hiểu khi một mặt, TBT, Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố phải kiên quyết và khéo léo, nhưng mặt khác lại rất dè dặt và ngại đụng chạm khi nhắc đến tên Trung Quốc.

Ngay cả một vị trung tướng mà lại dè dặt không dám nhắc đến tên Trung Quốc thì không tin được chính sách đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc trên Biển Đông kiên quyết tới mức nào. Đó là vấn đề cần đặt ra.”

Trước đó hai ngày, sáng 28 tháng 10, tại buổi họp kín của Quốc hội để nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019, đại biểu Dương Trung Quốc đánh giá việc giữ gìn hoà bình, hữu nghị với Trung Quốc là quan trọng. Nhưng Quốc hội phải thể hiện thái độ rõ ràng với những hành vi xâm phạm chủ quyền trên biển Đông.

Vấn đề khó hiểu

\"Trung

Trung tướng Trần Việt Khoa. Photo: vietnamfinance

Cũng tại phiên họp Quốc hội sáng 30 tháng 10, Trung tướng Trần Việt Khoa lập luận rằng trong tình hình hiện nay, với những đặc điểm, yếu tố tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi Việt Nam phải có giải pháp phù hợp để đấu tranh giữ vững môi trường hòa bình, độc lập để phát triển đất nước.

Tuy phát biểu như thế nhưng thực tế cho đến nay, người dân Việt Nam không được biết giải pháp đấu tranh bảo vệ chủ quyền là giải pháp gì khi một vị tướng quân đội không dám nêu đích danh tên kẻ xâm lược như vậy.

Thạc sĩ Hoàng Việt phân tích:

“Đó là vấn đề rất khó hiểu, vì thông thường giới quân đội phải là giới lên tiếng mạnh mẽ nhất, nhưng dường như thời gian qua những tướng quân đội lại phát biểu rất nhẹ nhàng. Tôi không hiểu những bước đi của Việt Nam như thế nào cũng như chính sách của Việt Nam ra sao? Nó cho thấy cho thấy chính sách của Việt Nam đặc biệt trong vấn đề Biển Đông thiếu sự nhất quán và rõ ràng.”

Theo ông Hoàng Việt, người dân nói chung đang thiếu những thông tin một cách công khai và đầy đủ về chính sách cũng như hành động cụ thể của Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán như thế nào, bởi một mặt các lãnh đạo tuyên bố Việt Nam sẽ làm tới cùng, nhưng người dân lại không biết làm tới cùng là như thế nào và bằng cách nào chúng ta làm được.

Ở Việt Nam có những vấn đề chúng ta cảm thấy khó hiểu khi một mặt, TBT, Chủ tịch nước Việt Nam tuyên bố phải kiên quyết và khéo léo, nhưng mặt khác lại rất dè dặt và ngại đụng chạm khi nhắc đến tên Trung Quốc. – Ô. Hoàng Việt

Có thể dẫn chứng một ví dụ về tuyên bố của lãnh đạo Việt Nam vào sáng 15 tháng 10 vừa qua, tại buổi tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp 8 của Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định \”Chúng ta cố gắng giữ quan hệ cho tốt nhưng những gì thuộc về độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thì chúng ta không bao giờ nhân nhượng”.

Ông Đinh Kim Phúc nhận xét, một khi tướng quân đội không dám “chỉ mặt đặt tên” kẻ xâm lược thì liệu có cho người dân đủ lòng tin về nhiệm vụ và trách nhiệm bảo vệ đất nước hiện nay của lực lượng vũ trang hay không? Ông cũng nêu lý do mà theo ông, vị trung tướng Việt Nam gọi Trung Quốc là “nước ngoài”:

“Tôi nghĩ họ không muốn tách ra khỏi Trung Quốc, vẫn còn liên minh về ý thức hệ, về 4 tốt, về 16 chữ vàng. Nhưng không nói ‘Trung Quốc’ thì nhân dân Việt Nam và cả thế giới cũng dư biết là Trung Quốc.”

Phương châm 16 chữ vàng và 4 tốt trong quan hệ hai nước từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ khoảng cuối những năm 1990 và đầu 2000. Theo phương châm này, hai nước cam kết tuân thủ “Ổn định lâu dài, hướng tới tương lai, láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện\”, và “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội thứ 8 khóa 14 vào sáng ngày 21 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.

Cũng vào ngày 30 tháng 10, ông Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội An Giang lên tiếng cho rằng các phương pháp Việt Nam sử dụng trong thời gian qua để đấu tranh trên Biển Đông không làm giảm đi lòng tham của Trung Quốc. Do đó, cần có thêm những biện pháp mới.

Bài Liên Quan

Leave a Comment