Vụ 39 người chết: Mệnh lệnh câm mồm cho báo chí Việt Nam
Nghinh Phong
2019-11-04
Hình minh hoạ. Bà Hoàng Thị Ái cầm bức hình con trai Hoàng Văn Tiếp (18 tuổi) bị nghi là nằm trong số 39 nạn nhân chết ở Anh
Trong khi các gia đình Việt Nam có con chết trong container ở cảng Essex (Anh) đang rơi vào tuyệt vọng cùng cực vì người mất, nợ còn. Trong khi nước Anh, Việt Nam và thế giới xem đây là một cơ hội-tuy đau lòng để khuấy động lương tri con người và thắt chặt các chính sách an ninh, luật pháp để bảo đảm hạn chế những cái chết đau lòng như vậy đến mức thấp nhất có thể. Trong khi người dân phải được hiểu rõ hơn bao giờ hết những nguyên nhân chủ quan và khách quan đẩy các thanh niên làng quê chui vào xe đông lạnh, đánh cược mạng sống để phải đến được nước Anh. Và lẽ ra những con số trần trụi về mức sống, cơ hội nghề nghiệp, thu nhập… của mấy chục triệu người dân suốt 5 địa phương có số người di dân lớn nhất cả nước phải là một vấn đề quan trọng bậc nhất được bàn luận trong chương trình nghị sự của Quốc hội, đang diễn ra tại Hà Nội.
Thì ngày 3/11, cơ quan Tuyên giáo Việt Nam tiếp tục giáng xuống các cơ quan báo chí mệnh lệnh câm mồm. Nội dung cụ thể như sau:
“Hiện cơ quan chức năng Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Anh làm rõ nghi vấn một số người Việt Nam mất tích có liên quan đến 39 người chết trong container ở Anh.
Để không ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ việc và hoạt động xuất khẩu lao động, đề nghị các báo KHÔNG mở rộng thông tin khi chưa có thông tin mới từ cơ quan chức năng; KHÔNG đưa tin về nhân thân, hoàn cảnh của các gia đình có người thân nghi mất tích; hạn chế đề cập tình trạng xuất khẩu lao động, di cư bất hợp pháp tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh trong thời điểm hiện nay.”
Nhân thân và hoàn cảnh sống là yếu tố đầu tiên và chủ yếu nhất phải làm rõ để vẽ được bức tranh toàn cảnh về con số người Việt Nam di dân bất hợp pháp đến Anh xếp cao thứ 3…. Họ kiếm được bao nhiêu tiền, làm được nghề nghiệp gì khi ở Việt Nam, số tiền đó đảm bảo cho bao nhiêu phần trăm cuộc sống của họ? Trong một báo cáo của Ban chỉ đạo 138/CP, từ 2008 đến 2016, có tổng cộng 8.366 người Việt là nạn nhân của các vụ buôn người. Trong giai đoạn 2008 đến giữa 2013, học vấn, nghề nghiệp và tình trạng giàu nghèo của họ được thống kê trong bảng dưới đây (Nguồn: Ban chỉ đạo 138/CP, tức Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ Việt Nam).
Thấy rõ, họ hầu hết đều bế tắc hoặc nghèo khổ ở quê hương, nên mới liều mình.
Bà Mimi Vũ, người Mỹ gốc Việt, giám đốc vận động chính sách của tổ chức chống buôn người mang tên Pacific Links, nói trong một bài báo với báo điện tử trong nước Zing.vn rằng, các di dân Việt Nam bị cảnh sát Pháp tạm giam tại khu vực gần biên giới với Anh luôn luôn trả lời bà “Đi vì muốn đổi đời, vì muốn có tương lai tốt đẹp hơn”.
Với đất nước Anh, những di dân bất hợp pháp đến để (hầu hết là) trồng cần sa hoặc làm nail lậu trong những cơ sở của đồng hương, chính là nguồn đe dọa an ninh trật tự và luật pháp của họ. Nhưng những người Anh đã đối xử với những nạn nhân hết sức nhân văn. Cảnh sát treo cờ rủ và làm lễ tưởng niệm, xếp hàng đứng nghiêm cúi đầu khi chiếc xe chết chóc đi qua trên đường đến nơi điều tra. Ở một đất nước xa xôi, những người không cùng chủng tộc nhấn mạnh: những người tử nạn đều là nạn nhân.
Thế mà có những đồng bào của họ, vốn hiểu rõ hơn bất cứ người nước ngoài nào về cuộc sống của nhân dân mình, lại có thể dựa vào vị trí “tuyên truyền, giáo dục” để bắt báo chí câm mồm.
Với cái vị trí được dựng ra đó, đáng lẽ họ phải là tổ chức đầu tiên khuyến khích hệ thống báo chí, tổ chức xã hội dân sự và người dân cung cấp các manh mối của đường dây buôn người, làm rõ bức tranh toàn cảnh và vận động thay đổi chính sách. Đáng tiếc, não trạng nô lệ cho bộ máy cầm quyền đã biến họ thành những kẻ phi nhân.
Vì thế…
Câm mồm! Mệnh lệnh này phải được đáp trả lại đúng những kẻ đã ban ra nó.