Little Saigon triển lãm tượng mẫu ‘Thương Tiếc’ của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa
Lâm Hoài Thạch/Người ViệtNovember 4, 2019
WESTMINSTER, California (NV) – Hôm chiều Chủ Nhật, 3 Tháng Mười Một, 2019, bức tượng mẫu nổi tiếng “Thương Tiếc” của điêu khắc gia (ĐKG) Nguyễn Thanh Thu đã được mang đến triển lãm tại hội trường nhật báo Việt Báo, ở thành phố Westminster, thu hút nhiều đồng hương quan tâm đến dự.
Buổi triển lãm đặc biệt này do Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal (CA-47) đứng ra tổ chức. Đồng thời có sự hiện diện của ông Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch Hội VAF; Luật Sư Wesley S. Coddou, cố vấn Hội VAF, và nhiều thành viên trong ban tổ chức.
Tượng “Thương Tiếc” là tác phẩm của Nguyễn Thanh Thu từng được Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu chọn để tạc thành pho tượng “Thương Tiếc” đặt tại Nghĩa Trang Quân Đội tại Biên Hòa vào năm 1966.
Đến năm 1975, tượng này đã bị quân Cộng Sản Bắc Việt giật sập. Tuy nhiên, bức tượng mẫu đã cùng với ĐKG Nguyễn Thanh Thu rời Việt Nam đến Hoa Kỳ vào năm 1988 và trở lại Việt Nam năm 2004. Vào ngày 11 Tháng Tám, 2019, ông đã trao tặng lại bức tượng mẫu này cho hội Vietnamese American Foundation (VAF).
Chương trình buổi triển lãm có phần trình bày đặc biệt từ Hội VAF liên quan đến việc trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa.
Trong lời phát biểu của mình, Dân Biểu Alan Lowenthal cho biết là ông rất vinh dự và hãnh diện được đại diện cho cộng đồng người Việt trong Quốc Hội Hoa Kỳ, và ông cũng hãnh diện vì cộng đồng người Việt sau hơn 44 năm qua đã thành công trên nhiều lãnh vực tại Hoa Kỳ. Cho đến nay, cộng đồng này vẫn luôn tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Ông cũng cho biết, năm 2013, ông đã biết đến Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Từ đó, ông viết thơ gửi đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để kêu gọi chánh phủ Hoa Kỳ phải đặt vấn đề liên quan đến nghĩa trang này với chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Ông cho rằng, sau hơn 44 năm của cuộc chiến Việt Nam, tình trạng trạng đổ vỡ và tàn nát của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là không thể nào chấp nhận được, vì đây là nơi an nghỉ của hơn 16 ngàn tử sĩ Quân Lực VNCH, và cũng là đồng minh của Hoa Kỳ.
Ông Tyler Nguyễn, thành viên trong ban tổ chức nói với nhật báo Người Việt: “Đây là mối quan hệ giữa Hội VAF và Dân Biểu Alan Lowenthal. Ông đã từng đến Việt Nam để giúp cho Hội VAF trong vấn đề trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa. Trong vòng mấy năm qua và gần đây nhất, sau khi dân biểu biết được hội chúng tôi đã nhận được pho tượng mẫu Thương Tiếc từ ĐKG Nguyễn Thanh Thu, ông có ngỏ ý mang tượng mẫu về Little Saigon triển lãm để cho đồng hương ở đây chiêm ngưỡng.”
“Lý do ĐKG Nguyễn Thanh Thu trao lại pho tượng này cho hội chúng tôi là vì gần đây, sức khỏe của bác rất yếu kém, nên không thể trở lại Hoa Kỳ,” ông Tyler nói thêm.
Cũng theo ông Tyler, hiện nay có khoảng hơn 13 ngàn ngôi mộ được trùng tu tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và nhiều nơi khác, trong đó có khoảng trên 7 ngàn ngôi mộ do VAF trùng tu. Còn những ngôi mộ khác do các hội cựu quân nhân VNCH hải ngoại và những hội từ thiện khác đã trùng tu.
Ông Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch Hội VAF, nói: “Đây là một sự kiện lịch sử vì chúng tôi không nghĩ rằng, cho đến ngày hôm nay chúng tôi còn nhận được pho tượng mẫu ‘Thương Tiếc.’”
Ông Thành cũng trình bày thêm một số vấn đề liên quan đến việc giải quyết những gì còn tồn tại sau chiến tranh giữa chính phủ Cộng Sản Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong đó có vấn đề chất độc da cam, nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, và hài cốt của những tử sĩ VNCH và đồng minh bị mất tích.
“Chúng tôi đã bắt đầu trùng tu Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa và những hài cốt của các anh em quân nhân VNCH bị đi tù Cộng Sản đã hơn mười năm nay rồi. Tuy nhiên, cho đến bây giờ thì chúng ta phải giải quyết tất cả những gì mà mình phải giải quyết,” ông nói.
Nói về lịch sử của pho tượng “Thương Tiếc,” nhạc sĩ Xuân Điềm cho biết là ông đã có dịp gặp ĐKG Nguyễn Thanh Thu cách nay hơn ba mươi năm để nghe về lý do ra đời của pho tượng này.
Ông kể: “Nghĩa Trang Quân Đội tọa lạc ở Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Tổng Thống Thiệu là người nghĩ ra việc xây dựng Nghĩa Trang Quân Đội nằm cạnh xa lộ Biên Hòa. ĐKG Nguyễn Thanh Thu tâm sự rằng, ông không biết tại sao lúc đó Tổng Thống Thiệu lại biết đến ông để mời ông vào bàn về dự án xây Nghĩa Trang Quân Đội tại Biên Hòa. Ý tổng thống muốn là trước cổng vào nghĩa trang phải có một bức tượng to lớn đầy ý nghĩa đặt ở đó. Mục đích bức tượng để nhắc nhở, giáo dục người dân về sự hy sinh cao quý của các chiến sĩ VNCH.”
“Ông Thu hứa sẽ trình dự án lên tổng thống sau một tuần lễ nghiên cứu, và ngày nào ông Thu cũng đến Nghĩa Trang Quân Đội tại Hạnh Thông Tây để suy ngẫm đề tài. Mỗi ngày, tại đây, ông Thu đều chứng kiến máy bay trực thăng và xe quân đội đưa quan tài những người đã hy sinh vì tổ quốc về nơi an nghỉ cuối cùng. Rồi vào một buổi trưa trên đường về từ Nghĩa Trang Hạnh Thông Tây, giữa trời nắng gắt, ĐKG Thu ghé vào một quán nước bên đường để giải khát. Khi bước vào quán, ông thấy một quân nhân Nhảy Dù đang ngồi uống bia, trên bàn đã có vài chai bia không và hai cái ly. Ngồi bàn đối diện với người quân nhân kia, ông lấy làm ngạc nhiên khi nhìn thấy người lính Nhảy Dù vừa uống bia vừa lẩm bẩm nói chuyện với cái ly không, nghĩa là người lính đang đối ẩm với một người đã chết.”
“Tối hôm đó, ông Thu vẽ liền bảy bản mẫu. Bảy bản mẫu của Nguyễn Thanh Thu phát họa là cảnh người lính đang chiến đấu ngoài chiến trường, cảnh mưa bão ngoài mặt trận. Phản ảnh lại cảnh êm ấm của những người tại hậu phương. Đặc biệt, khi ngồi vẽ đầu óc ông cứ liên tưởng đến vóc dáng buồn thảm của người lính Dù, Võ Văn Hai.”
“Khi vào để gặp tổng thống, ĐKG Thu đã trình bày giải thích về bảy bản vẽ, và tổng thống chọn ra một bức một. Có năm danh xưng dành cho tác phẩm này là Tình Đồng Đội, Khóc Bạn, Nhớ Nhung, Thương Tiếc, và Tiếc Thương. Cuối cùng tổng thống chọn tên Thương Tiếc.”
“ĐKG Thu đã yêu cầu tổng thống ký tên vào bức họa đó vào ngày 14 Tháng Tám, 1966. Sau đó, ĐKG Nguyễn Thanh Thu phải làm ngày, làm đêm để kịp ngày khánh thành Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là 1 Tháng Mười Một, 1966 đúng như dự định.”
Nhạc sĩ Xuân Điềm cho biết thêm rằng chính ĐKG Nguyễn Thanh Thu đã khắc hình của tượng Thương Tiếc lên cây đàn Banjo, mà nhạc sĩ Xuân Điềm đã tự làm tại trại tù Cộng Sản.
Ông Tô Phạm Thái, giám đốc báo KBC Hải Ngoại, kể: “Bức tượng ‘Thương Tiếc’ mẫu này thì tôi còn nhớ cách đây hơn ba mươi mấy năm, ĐKG Nguyễn Thanh Thu có mang đến nhà hàng Paracel, Westminster. Lúc đó có Tướng Lê Minh Đảo và ông Nguyễn Đặng Thanh Long cùng một số anh em cựu quân nhân nữa. Ý của ông Thu là đưa tượng mẫu sang Hoa Kỳ để yêu cầu các anh em cựu quân nhân đứng ra mướn một chỗ để ông Thu làm lại tượng Thương Tiếc bằng đồng giống như tượng cũ ở nghĩa trang Biên Hòa. Chính ông Thu đã ngồi bàn với tôi và cô Thúy Chi, trưởng Đoàn Nắng Mới về vấn đề này.”
“Nhưng dự án này không thực hiện được, vì thứ nhất là không tìm ra nơi để mướn, thứ hai là số tiền chi phí để đúc tượng mà anh Thu cho biết là lên đến $300,000. Đây là số tiền rất lớn trong thời điểm đó,” ông Thái nói.
Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa kỳ chia sẻ: “Mặc dù Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal là người Hoa Kỳ, nhưng nghĩa cử của ông khơi lại pho tượng Thương Tiếc đã làm cho nhiều đồng hương của mình xúc động. Đặc biệt là đối với những anh em cựu quân nhân.” (Lâm Hoài Thạch)