Một thời binh lửa: Tử chiến của TĐ83/BDQ/BP tại Đức Huệ – BDQ Nguyễn Văn Bảo

Một thời binh lửa: Tử chiến của TĐ83/BDQ/BP tại Đức Huệ – BDQ Nguyễn Văn Bảo

Thứ Ba, 05 Tháng Mười Một 20196:13 CH

BDQ Nguyễn Văn Bảo

\"\"

Tử chiến giữa Tiểu Đoàn 83 Biệt Động Quân Biên Phòng và sư đoàn (công trường) 5 cộng sản BV tại căn cứ biên phòng Đức Huệ “Để tưởng niệm và tri ân những chiến sĩ TĐ/83/BĐQ/BP, đã hy sinh tại căn cứ biên phòng Đức Huệ, ngày 28 tháng 3 năm 1973” Bao nhiêu năm sống tha hương nơi xứ nguời, hình ảnh quê hương Việt Nam vẫn không phai nhòa trong tâm trí tôi.

Tôi còn nhớ vào năm 1960, khi cuộc chiến xâm lăng miền Nam Việt Nam do bọn cộng sản bắc việt xâm lược chủ xướng bắt đầu tăng cường độ, lệnh động viên được ban hành, tôi cũng như bao chàng trai cùng trang lứa, đã hăng hái lên đường nhập ngũ, để bảo vệ đồng bào và mảnh đất thân yêu miền Nam, chống lại sự xâm lăng trắng trợn và thô bạo của bọn lính đánh thuê, tay sai quốc tế cộng sản là bọn khủng bố cộng sản bắc việt.

Cuộc đời binh nghiệp của tôi bắt đầu từ đó.Trong suốt những năm dài chinh chiến, từ 1961 đến ngày mất nước 1975, đời lính của tôi đã trải qua nhiều sóng gió, thăng trầm, có nhiều lúc tưởng như không còn dịp gặp lại gia đình và người thân. Trong suốt thời gian phục vụ tại những đơn vị quân đội, tôi đã có dịp đặt chân lên nhiều vùng đất nước, nhưng có lẽ địa danh Đức Huệ là đáng ghi nhớ nhất đối với đời lính của tôi ……..

Đức Huệ, một vùng ruộng rẫy, bùn lầy đã bị bỏ hoang từ nhiều năm.Tôi không biết rõ từ năm nào, dân chúng ở đây vì không muốn sống gần bọn khủng bố cộng phỉ, đã tản cư ra những thôn ấp gần Gò Dầu Hạ, tỉnh Tây Ninh. Nhà cửa nơi đây cũng đã bị thiêu hủy từ nhiều năm vì chiến tranh; do đó, Đức Huệ còn lại chỉ là một vùng hoang dã, bùn lầy, cỏ dại chạy dài đến biên giới Việt-Miên, thuộc vùng Mỏ Vẹt. Dựa vào những nét đặc thù của vùng đất này, bọn cộng quân đã thiết lập đường giây xâm nhập người và vũ khí từ đất Miên vào lãnh thổ VNCH, thuộc vùng 3/CT. Đây là một trong những đường giây xâm nhập hết sức quan trọng của địch vào vùng ven đô Sàigòn.

Nhằm phá hủy và chặn đứng đường giây xâm nhập này và cũng nằm trong chiến lược phòng thủ biên giới của Bộ Tổng Tham Mưu/ QLVNCH, căn cứ biên phòng Đức Huệ đã được thành lập năm 1965. Vị trí của căn cứ này cách biên giới Việt Miên khoảng 10 cây số đường chim bay, về hướng Tây, thuộc vùng Gò Dầu Hạ. Khi mới thành lập, căn cứ Đức Huệ được giao cho một Tiểu đoàn Biệt Kích Quân (C.I.D.G), được trực tiếp chỉ huy bởi một toán A/LLĐB/VN.

Cho đến năm 1970, Biệt Kích Quân được cải tuyển thành Biệt Động Quân Biên Phòng (BĐQ/BP). Tiểu đoàn Biệt Kích Quân Đức Huệ, được cải danh thành Tiểu Đoàn 83/BĐQ/BP, đồng thời được tăng cường một Trung đội Pháo binh 105 ly, đặt dưới quyền xử dụng trực tiếp của Tiểu Đoàn. Tiểu Đoàn 83/BĐQ/BP nằm trong hệ thống chỉ huy của Liên Đoàn 33/BĐQ, trực thuộc BCH/BĐQ/QĐIII. Vùng trách nhiệm của Tiểu Đoàn 83 BĐQ nằm trong vòng bán kính 10 cây số, từ căn cứ đến biên giới Việt-Miên, với nhiệm vụ truy lùng, diệt địch trong vùng trách nhiệm:

– Khám phá, phục kích đường giây xâm nhập địch.

– Đột kích và thiêu hủy những căn cứ hậu cần địch trong các mật khu Tà Nôi và Ba Thu vùng biên giới Việt-MiênTiểu đoàn đã tung ra rất nhiều cuộc hành quân trong vùng, gây tổn thất nặng nề cho địch quân, vì vậy địch đã phải thường xuyên thay đổi lộ trình, thời gian, cũng như kế hoạch xâm nhập.

Do những tổn thất, khó khăn và trở ngại mà căn cứ Đức Huệ gây ra cho địch quân, nên chúng quyết tâm thề sẽ san bằng căn cứ này bằng mọi giá.

Hạ tuần tháng 3-1973, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Hoa Văn Hạnh nghỉ phép, tôi Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó được ủy nhiệm xử lý chức vụ Tiểu Đoàn Trưởng. Tôi thầm nghĩ đây cũng là cơ hội tốt, để mình thêm kinh nghiệm chỉ huy tác chiến.

Đêm 27-3-1973, sau khi kiểm tra trên bản đồ hành quân những vị trí “làm ăn” đêm của các Đại Đội 2 và Đại Đội 3, đang hành quân ngoài căn cứ, cũng như những điểm tiền đồn của các Đại Đội 1, Đại Đội 4 và Đại đội công vụ, tôi tạm yên tâm trở về hầm ngủ của mình với hai binh sĩ hiệu thính viên và cận vệ để nghỉ ngơi, hầu lấy sức lo tiếp tục chuẩn bị cho công tác ngày mai .

Vào lúc 2 giờ sáng ngày 28-3-73, khi đang ngủ trong hầm, thình lình tôi nghe nhiều tiếng nổ dữ dội cả phía trước và sau hầm của tôi. Bừng thức dậy, tôi thầm nghĩ có thể căn cứ đang bị địch pháo kích, những tiếng nổ càng lúc càng nhiều và dữ dội hơn, lúc này tôi không kịp mặc quân phục và mang giày, tôi vội chụp ngay khẩu súng Colt 45, lệnh cho hai binh sĩ cận vệ và truyền tin theo tôi để qua hầm Đại Úy Trưởng Ban 3, cách chỗ tôi chừng 50 mét. Tôi hy vọng sĩ quan Trưởng Ban 3 sẽ cho biết tình hình một cách chính xác hơn.

Ngay sau khi rời cửa hầm, Binh sĩ truyền tin cho tôi biết, Đại đội 1 báo cáo, một vọng gác trên tuyến phòng thủ đã bị địch tràn ngập và đại đội đang bị tấn công dữ dội. Ngay khi đặt chân đến hầm Trưởng Ban 3, vị sĩ quan này khẩn báo cáo với tôi: Căn cứ đang bị tấn công, mặt phía Nam đã bị địch tràn ngập. Đặc công địch đã xâm nhập căn cứ và đang đánh phá tuyến phòng thủ BCH/TĐ.

Nghe xong báo cáo, tôi vô cùng bàng hoàng, xúc động, vì chính nơi tôi đang đứng đây, thực sự đã nằm trong vòng vây của bọn đặc công cộng sản. Bây giờ thì tôi hiểu rằng, những tiếng nổ mà cách đây ít phút, tôi nghĩ là pháo địch, chính là những trái bộc phá mà bọn đặc công cộng sản nhắm tấn công tôi, để cố tình triệt hạ bộ phận đầu não chỉ huy của tiểu đoàn.

Những tiếng nổ vang rền, những ánh sáng le lói, chập chờn tỏa ra từ những trái lựu đạn chiếu sáng bị phát nổ trên tuyến phòng thủ, hòa lẫn với những tiếng xung phong của địch quân, gây thành cảnh tượng vô cùng phức tạp cho căn cứ, vì lúc này địch đã hầu như lấn chiếm 1/3 căn cứ.

Trong giây phút vô cùng quan trọng này, tôi hiểu rằng, nếu chỉ một quyết định sơ sót của tôi, sẽ giết hại trên 400 đồng đội, trên 100 gia đình binh sĩ và căn cứ sẽ thành bình địa. Tôi ý thức rằng, mình phải thoát khỏi nơi này bằng mọi giá.

Lập tức, tôi lệnh cho hai binh sĩ chạy hàng một theo tôi rời hầm Ban 3, để di chuyển đến hầm truyền tin Tiểu đoàn, khoảng cách chừng 400 mét và phải băng qua khoảng trống sân cờ Tiểu đoàn.Khi vừa băng ngang đến giữa sân cờ, thì ba chúng tôi bị địch bắn xối xả bằng những loạt đạn AK, làm cả ba thày trò đều bị thương, riêng tôi bị thương nhẹ hơn nơi chân phải, máu ra nhiều, nhưng cũng cố gắng bò sát mặt đất để đến được hầm truyền tin Tiểu đoàn. Hầm truyền tin này là một dãy hầm kiên cố, được thiết kế ngầm dưới mặt đất khoảng 5 mét. khi đến được hầm truyền tin, tôi được y tá băng bó tạm vết thương.

Tôi liền vào hệ thống truyền tin nội bộ, lệnh cho các đứa con ĐĐ1, ĐĐ4, ĐĐ Công vụ và Trung đội Pháo binh 105 ly, phải tử thủ tại tuyến phòng thủ, xử dụng tối đa vũ khí cơ hữu, cộng đồng, cá nhân và đặc biệt xử dụng lựu đạn ném tay để chống trả và chặn đứng những đợt xung phong của cộng quân.

Đồng thời, tôi cũng lệnh cho hai ĐĐ đang hành quân bên ngoài căn cứ là ĐĐ2 và ĐĐ3, hủy bỏ vùng hành quân chỉ định, sẵn sàng trở lại căn cứ nội trong đêm nay, để tiếp tay cho lực lượng phòng thủ. Tôi dùng lời lẽ thật chân tình để tác động tinh thần binh sĩ, vì tôi biết địch đang dùng một lực lượng đông gấp bội để tấn công, trấn áp. Ý đồ của chúng là tràn ngập và tiêu diệt căn cứ này. Chúng tôi chỉ còn con đường quyết tử, tìm sự sống trong cái chết. Các đơn vị trực thuộc đáp ứng nhiệt tình, có lẽ họ nhận lệnh trực tiếp nơi tôi, nên họ cũng an tâm là từ trên xuống dưới vẫn an toàn, đang sẵn sàng cùng nhau chiến đấu.Rời hệ thống liên lạc chỉ huy nội bộ, tôi qua hệ thống liên lạc với Tiểu khu Hậu Nghĩa – Gặp Trung Tá Tiểu Khu Phó Hậu Nghĩa, tôi báo cáo với ông tình hình căn cứ đang bị tấn công mãnh liệt và xin Pháo binh Tiểu khu yểm trợ. Trung Tá Tiểu khu Phó yêu cầu tôi cho những tọa độ mục tiêu để pháo binh sẵn sàng tác xạ.

Ngay sau đó, pháo binh Tiểu khu đã liên tục nã đạn vào những mục tiêu địch đang tập trung do tôi yêu cầu. Những tiếng nổ vang rền của Pháo binh TK/HN đã phần nào khích động tinh thần chiến đấu của những ĐĐ đang tử chiến với địch trong căn cứ. Tôi cũng xin Tiểu khu sẵn sàng yểm trợ bằng Không quân cho căn cứ Đức Huệ vào sáng ngày mai, khi trời vừa sáng.Trung Tá TKP chấp thuận ngay trên hệ thống điện đàm và lập tức cho tôi biết là ngày mai, 120 phi vụ tác chiến của Quân Đoàn III sẽ dành ưu tiên yểm trợ cho căn cứ biên phòng Đức Huệ và phi vụ đầu tiên sẽ có mặt trên mục tiêu vào lúc 7 giờ sang. Ngay lúc này, tôi cũng liên lạc được với LĐ33/BĐQ khẩn báo cáo tình hình của căn cứ và xin Liên Đoàn có kế hoạch yểm trợ cho TĐ83/BĐQ/BP vào ngày mai 28-3-73.

Vào lúc 7 giờ sáng ngày 28-3-73, hai Đại đội hành quân ngoài căn cứ: ĐĐ2, Trung úy Hiền, ĐĐ3, Trung úy Thất đã trở lại căn cứ an toàn, bắt tay được với ĐĐ4, Trung úy Tuội đang phòng thủ hướng Đông căn cứ. Tôi lệnh cho 4 Đại đội tác chiến chia thành những toán nhỏ từng 6 người, dùng chiến thuật cận chiến với lựu đạn và súng cá nhân, để tấn công, truy quét địch từng tấc đất, từng căn hầm ở những nơi trong căn cứ đã bị địch lấn chiếm.

Trận đánh quyết liệt và đẫm máu bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 28-3-73. Những toán quyết tử của 4 đại đội thi nhau diệt những tên giặc cướp xâm lược từ phương bắc. Những chiến thắng của ĐĐ1, Trung úy Danh – ĐĐ2, Trung úy Hiền – ĐĐ3, Trung úy Thất – ĐĐ 4, Trung úy Tuội được liên tục báo cáo về Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn.Trên không phận căn cứ, những phi vụ Skyraider và phản lực F.5 thi nhau oanh kích trên đầu địch, do sự hướng dẫn của tôi. Các phi công cho biết là địch bị tử thương rất nhiều, đang tháo chạy về hướng biên giới Việt-Miên. Những tiếng nổ liên tục vang rền từ các loại súng cộng đồng, cá nhân và lựu đạn, mùi thuốc súng nồng nặc khắp nơi, căn cứ giờ đây mịt mù khói lửa.Càng về trưa, cường độ tấn công địch của các đại đội BĐQ càng mãnh liệt. Đến 4 giờ chiều thì các đại đội báo cáo đã thanh toán xong đơn vị cuối cùng của bọn cộng quân trong căn cứ và tiểu đoàn đã hoàn toàn làm chủ tình hình.

Ngay lúc này, tôi ra lệnh cho các ĐĐ tu bổ lại hệ thống phòng thủ, (đặc biệt là phòng tuyến phía Nam căn cứ) để sẵn sàng có vị trí phòng thủ chắc chắn cho đêm nay. Đến 6 giờ chiều thì các phòng tuyến lại đã sẵn sàng chờ địch.

\"\"

Tổng kết tổn thấtCộng sản• 196 xác địch chết tại chỗ (trong căn cứ)• 500 chết và bị thương được đồng bọn mang đi (theo ước lượng của các phi công tham chiến).Ta:24 chiến sĩ tử thương (gồm 2 SQ, 5 HSQ, 17 BS)• 80 bị thương (trong đó có 16 người gia đình BS)Những vũ khí ta tịch thu được của bọn cộng sản:• 1 Đại liên Trung cộng.• 60 AK-47.• 1 súng lục K-54.• Một số bộc phá và lựu đạn.• Nggài ra còn rất nhiều quân trang, quân dụng, đạn dược và tài liệuCăn cứ vào những tài liệu tịch thu được trên các tử thi địch, được biết những đơn vị địch tham chiến trong trận tấn công căn cứ biên phòng Đức Huệ gồm các trung đoàn Q.271, Q.272, một Đại đội đặc công, một đại đội công binh, được yểm trợ bởi một tiểu đoàn sơn pháo. Tất cả đều trực thuộc công trường (sư đoàn) 5 cộng sản Bắc Việt.

Một vài nhận xét về trận Đức HuệKhi đồn trú ở một căn cứ dù biên phòng hay nội địa, chúng ta đương nhiên chấp nhận là mục tiêu để địch quân thanh toán. Địch có thể biết rất nhiều về chúng ta, từ quân số, vũ khí, hệ thống phòng thủ, các cấp chỉ huy, đến những sinh hoạt của đơn vị v…v… Đối với căn cứ biên phòng Đức Huệ, địch cũng đã biết được tất cả những điều vừa kể; nhưng đặc biệt có một điều mà bọn địch đã không nắm vững ở TĐ83/BĐQ/BP, đó là:TINH THẦN CHIẾN ĐẤU CAO ĐỘ của tất cả các chiến sĩ – Từ cấp chỉ huy đến hàng binh sĩ, đều một lòng quyết chiến, quyết thắng khiến lũ giặc cướp xâm lược từ phương bắc đã bị thảm bại nhục nhã.

\"\"

Sau trận chiến Đức Huệ ngày 28-3-1973, các chiến sĩ TĐ 83/BĐQ thường nhắn nhủ nhau rằng: Đức Huệ căn cứ biên phòng, cộng quân mò tới đừng hòng thoát thân.Thời gian đã 33 năm qua đi, nhưng mỗi khi nhớ đến trận đánh Đức Huệ, tôi vẫn không ngăn được tâm trạng bồi hồi, vì thật sự tôi đã được tham dự một trận đánh để đời. Có sợ hãi, có đau thương, có hy vọng le lói trong tuyệt vọng. Tôi cảm thấy con người tôi vững vàng thêm sau trận chiến đó, vì đã trấn áp được những thường tình của con người, đồng thời đã có những quyết định đúng lúc.

Nhưng điều nổi bật hơn hết mà tôi cảm nhận được, đó là sự đồng tâm nhất chí của tất cả quân nhân các cấp trong đơn vị, đã một lòng sắt son tử chiến, đem sự sống còn của hơn 400 tay súng chống trả với trên 5000 địch quân xâm lược. Đây cũng là bằng chứng để thế giới thấy được tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Cho đến bây giờ, cá nhân tôi vẫn cảm thấy rất hãnh diện và an ủi, mặc dầu chung cuộc, không may quân đội ta đã không còn.Kỷ niệm ngày thành lập Binh Chủng(SGtt – BĐQ Nguyễn Văn Bảo)

Nguồn: http://nhinrabonphuong.blogspot.com/2019/11/mot-thoi-binh-lua-tu-chien-cua-tbdqbp.html

Đây chỉ là phần khởi đầu của Trận tấn công Trại LLBP Đức Huệ . Sau đó Sư Đoàn 5 CSBV đã bao vây trại LLBP Đức Huệ gần tháng trời . Tiếp tế tải thương rất khó khăn . Đã có vài Phi Hành Đoàn bị bắn rơi khi thực hiện việc tiếp tế và tản thương . Tình trạng rất bi đát sau khi mọi nổ lực giải tỏa căn cứ hỏa lực BP DH do SD 25 Bộ Binh đảm trách thất bại . Trung Đoàn TRưởng TR/Đ 46 bị tử thương . Chiến thuật công đồn đả viện của SD5 CSBV rất hiệu quả đã chận đứng và gây thiệt hại cho SD 25BB . TRung Tướng Phạm Quốc Thuần , TL Quân Đoàn 3 đã chỉ định Chuẩn Tướng Trần Quang Không Tư Lệnh Lực Lượng Xung Kích QD3 kiêm Tư Lệnh Lữ Đoàn 3 KB đảm nhận việc giải tỏa căn cứ BP Đức Huệ để cứu TD 83 BĐQ và gia đình . Chỉ trong 1 ngày Chuẩn Tướng Trần Quang Không và LLXKQD3/ LD3KB đã đánh tan SD5 CSBV , giải tỏa căn cứ BDQ BP Đức Huệ . Đây là một chiến thắng oanh liệt nhất trong chiến tranh VN theo nhận định của Đại Tá Battreal , Nguyên cố vấn truởng Thiết giáp Binh , người đã thiết kế, tổ chức , cố vấn cho Binh Chủng Thiết Giáp Binh QLVNCH

Xin vui lòng tham khảo bài viết : Chân Dung Người Chiến Sĩ giai đoạn 1955-1975 TG Trần Quang Khôi

https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/02/04/chan-dung-nguoi-chien-si-giai-doan-1974-1975-tran-quang-khoi/

Bài Liên Quan

Leave a Comment