Nhóm người Trung Quốc vào Lạng Sơn xây công trình ‘bí mật’

Nhóm người Trung Quốc vào Lạng Sơn xây công trình ‘bí mật’

November 6, 2019

\"\"/
Một công trình nhỏ trong “phim trường BBK.” (Hình: Người Lao Động)

LẠNG SƠN, Việt Nam (NV) – Từ phản ảnh của người dân, thành phố Lạng Sơn đang cho kiểm tra “phim trường BBK” trên một ngọn núi ở xã Mai Pha, nghi do người Trung Quốc núp bóng đầu tư xây dựng.

Ngày 5 Tháng Mười Một, 2019, ông Bùi Văn Côi, giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Lạng Sơn, xác nhận với báo Giao Thông: “Ủy Ban Nhân Dân thành phố Lạng Sơn đang tiến hành kiểm tra ‘phim trường BBK’ là quần thể công trình xây dựng trên một ngọn núi ở thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn, khu vực từng có nhóm người Trung Quốc thường xuyên tụ tập, qua lại.”

Theo báo Người Lao Động, hồi Tháng Mười, 2018, nhiều người dân phản ánh ở thôn Rọ Phải thường xuyên có nhóm người Trung Quốc đến mua gom đất rừng, xây cổng, tường bao xung quanh núi rồi dựng lên một dãy nhà sàn.

Đến cuối năm 2018, khi công trình hoàn thành cũng là lúc xuất hiện nhiều nhóm người Trung Quốc liên tục qua lại tụ tập, ăn chơi. Sau một thời gian, nơi này càng bí hiểm hơn khi thường xuyên cửa đóng, chỉ còn ít người Trung Quốc lui tới vào ban đêm.

“Trong thời gian làm phó chủ tịch rồi chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Lạng Sơn và nay được luân chuyển làm giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh, có nghĩa là từ năm 2013 đến nay, tôi không nghe thấy thông tin có dự án đầu tư phim trường hay quán bar nào ở vị trí trên,” ông Côi khẳng định.

\"\"
Tổng thể “phim trường BBK” nghi do người Trung Quốc đầu tư xây dựng. (Hình Đất Việt)

Trong khi đó, ông Phan Thanh Lương, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Mai Pha, cho biết qua thông tin phản ảnh của người dân về “phim trường” trên núi có gắn bảng tên bằng chữ Trung Quốc và cấm quay phim, chụp hình, ủy ban xã cho tiến hành kiểm tra toàn diện công trình này. “Thỉnh thoảng có vài tốp người Trung Quốc đến tự sinh hoạt, nấu ăn rồi lại đi,” ông Lương nói.

Cũng theo ông Lương, tổng diện tích khu đất rộng khoảng 16,000 mét vuông, nhưng các công trình xây dựng chỉ chiếm hơn 1,000 mét vuông bao gồm tám nhà sàn và sáu chòi lá. Người đứng tên trên “Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất” (sổ đỏ) là bà Nông Thị Minh Huệ (ở phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn).

“Theo quy định hiện hành, đất ở khu vực nông thôn khi xây dựng nhà cửa thì không cần phải cấp phép,” ông Lương cho biết.

Nói với báo Kiến Thức ngày 6 Tháng Mười Một, bà Huệ cho biết bà có giấy phép hoạt động, kinh doanh đầy đủ. Tuy nhiên, trong số tám nhà sàn thì chỉ sang tên được bốn cái, số còn lại thuộc mảnh đất khác cũng do bà Huệ mua bằng “giấy tay” nên chưa có sổ đỏ.

“Tôi là người kinh doanh và liên kết với Trung Quốc rất nhiều nên cũng có kêu gọi một số người bạn đầu tư. Phim đầu tiên tại phim trường này, tôi kết hợp với một doanh nghiệp trong Sài Gòn và họ có thuê đạo diễn và diễn viên là người Trung Quốc. Họ đến phim trường và chúng tôi đều có giấy tờ xin phép đàng hoàng. Các hợp đồng liên quan tôi đã nộp hết lên Ủy Ban Nhân Dân thành phố Lạng Sơn rồi,” bà Huệ cho biết.

\"\"
Đoàn người Trung Quốc đến “phim trường” ăn chơi trong các nhà hàng, quán bar của bà Huệ. (Hình: Đất Việt)

Nói với báo Đất Việt về vấn đề này, ông Phạm Văn Hòa, đại biểu Quốc Hội CSVN, cho rằng giới hữu trách tỉnh Lạng Sơn cần kiểm tra rõ mục đích, động cơ phía sau của việc xây dựng phim trường của bà Huệ. Đặc biệt là gần đây có trường hợp người Trung Quốc từng bước thâu tóm 21 lô đất gần phi trường tại Đà Nẵng.

“Lời nói của bà Huệ đã cho thấy nhiều điểm nghi vấn. Nếu là một cơ sở kinh doanh dịch vụ, giải trí đơn giản thì sao lại có người ngăn cản không cho quay phim, chụp hình như một khu đất riêng? Theo tôi cần phải kiểm tra kỹ, xử lý nghiêm nếu phát hiện có vi phạm,” ông Hòa nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Việt Trường, phó chủ nhiệm Ủy Ban Quốc Phòng và An Ninh của Quốc Hội Khóa 13, cho rằng: “Nghi vấn có yếu tố người Trung Quốc đứng sau, núp bóng người Việt Nam để thâu tóm đất đai, hoạt động sai phạm trên lãnh thổ Việt Nam tại khu đất mà bà Nông Thị Minh Huệ đứng tên là có cơ sở.”

Từ vụ 21 lô đất tại Đà Nẵng rơi vào tay doanh nghiệp Trung Quốc đến vụ phim trường ở Lạng Sơn, ông Trường nhìn nhận: “Tất cả các khu đất đó đều có có bóng dáng của người Trung Quốc, đều có yếu tố về an ninh, quốc phòng.”

“Cần đặt ra câu hỏi tại sao người Trung Quốc lại nhắm tới những khu đất như thế? Đây rõ ràng là một vấn đề cần được xem xét thấu đáo, cần được quản lý chặt và xử lý nghiêm nếu phát hiện ra sai phạm,” ông Trường nói. (Tr.N)

Bài Liên Quan

Leave a Comment