Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”: Mỹ lên án “đường 9 đoạn”
Ngày đăng 08-11-2019
Bộ Ngoại giao Mỹ (4/11) công bố Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung”, trong đó nhấn mạnh, các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là “đường 9 đoạn” là bất hợp pháp, không có giá trị pháp lý và gây thiệt hại đối với các quốc gia khác.
Báo cáo “Một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy một tầm nhìn chung” cung cấp chi tiết về các sáng kiến ngoại giao, kinh tế, giám sát nhà nước và an ninh trong 2 năm qua, từ đó cho thấy cam kết tiếp diễn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và cách Mỹ đã và đang củng cố quan hệ giao lưu nhân dân cũng như quan hệ song phương. Tài liệu dài hơn 30 trang đã mô tả cách chính phủ Mỹ làm việc với các nước đồng minh và đối tác để thực hiện tầm nhìn về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Mở đầu báo cáo, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết vào tháng 11/2017 khi tham dự APEC tại Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài phát biểu về chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” vạch ra tầm nhìn mới cho Washington. Mỹ cam kết tiếp tục tham gia sâu vào khu vực này, cùng với các đồng minh tiên phong trong việc đảm bảo an ninh trong khu vực, giải quyết các thách thức. Báo cáo nhấn mạnh các nguồn lực của Mỹ hướng đến khu vực với sự hỗ trợ của Quốc hội và chỉ ra các bước cụ thể mà Washington đã thực hiện cùng với các đồng minh và đối tác để hiện thực hóa tầm nhìn chung của Mỹ. Báo cáo được xây dựng trên Báo cáo Chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương, trong đó nêu rõ vai trò của Bộ Quốc phòng Mỹ trong chiến lược này.
Báo cáo cho hay, Mỹ muốn xây dựng một mạng lưới vững chắc, linh hoạt gồm các đối tác an ninh cùng chí hướng để giải quyết các thách thức chung. Mỹ chia sẻ thông tin và xây dựng năng lực của các lực lượng an ninh để đối phó với tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ chủ quyền hàng hải, giải quyết các thách thức môi trường và cùng đối phó với các mối đe dọa đang nổi lên. Mỹ cũng đảm bảo rằng quân đội nước này và các đồng minh duy trì các khả năng tương tác để ngăn chặn các địch thủ. Cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ấn Độ – Thái Bình Dương được chứng minh hàng ngày bằng sự hiện diện trong khu vực của gần 375.000 quân nhân thuộc khu vực quản lý của Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay, Washington hợp tác với các đối tác Ấn Độ – Thái Bình Dương nhằm duy trì tự do hàng hải và cách sử dụng hợp pháp khác của vùng biển để tất cả các quốc gia được tiếp cận và hưởng lợi từ các lợi ích hàng hải chung. Tại Biển Đông, Mỹ hối thúc các bên liên quan giải quyết các tranh chấp hòa bình, không ép buộc và tuân thủ luật pháp quốc tế. Báo cáo cho biết, trong 2 năm qua, Mỹ đã hoan nghênh các hợp tác hàng hải lịch sử đầu tiên. Vào tháng 5/2019, Mỹ đã tham gia vào cuộc diễn tập chung đầu tiên với hải quân Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines ở Biển Đông. Vào tháng 9/2019, Mỹ đồng chủ trì với Thái Lan cuộc diễn tập hàng hải Mỹ – ASEAN đầu tiên nhằm tăng cường các mối quan hệ và chia sẻ thông tin giữa hải quân các nước ASEAN và Mỹ. Trong năm 2018, Mỹ đã mở rộng Sáng kiến thực thi pháp luật hàng hải Đông Nam Á.
Theo báo cáo, kể từ khi Tổng thống Trump lên nhậm chức, Mỹ đã cung cấp hơn 1,1 tỷ USD cho hợp tác an ninh của Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Đông Nam Á và Nam Á. Khoản này bao gồm 365 triệu USD cho các chương trình như Sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á và Sáng kiến Vịnh Bengal của Bộ Ngoại giao. Các chương trình này cung cấp thiết bị và sự huấn luyện cho phép các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á tăng cường phát hiện các mối đe dọa, chia sẻ thông tin và phản ứng phối hợp với các cuộc khủng hoảng thiên nhiên và do con người gây ra.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Báo cáo trên cho biết, “các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông thông qua cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ phi lý là không có cơ sở, bất hợp pháp và không hợp lý. Các đòi hỏi chủ quyền này, vốn không có giá trị pháp lý, lịch sử hoặc địa lý, lại gây ra các thiệt hại thực tế đối với các quốc gia khác”; đồng thời khẳng đinh “thông qua các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại nhằm áp đặt ‘đường 9 đoạn’, Bắc Kinh đang cản trở các quốc gia thành viên ASEAN tiếp cận với các nguồn dự trữ năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD, đồng thời góp phần vào sự mất ổn định và nguy cơ xung đột”. Không những vậy, Washington khẳng định Mỹ hợp tác cùng các nước trong khu vực để duy trì tự do hàng hải và tận dụng nhiều biện pháp khác nhau để tất cả các quốc gia có thể cùng chia sẻ lợi ích từ biển. Washington kêu gọi các nước liên quan cần giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng những biện pháp hòa bình, không cưỡng ép và phải dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, báo cáo “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung”, Mỹ khẳng định sẽ tăng cường quan hệ hợp tác cùng Việt Nam – quốc gia giữ vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020.
Ngay sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo trên, Chủ tịch chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương, Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ Patrick Cronin (5/11) cho biết, Báo cáo trên mang ý nghĩa quan trọng trong chính sách của Mỹ đối với Biển Đông. Theo ông Patrick Cronin, “một loạt các bộ trưởng quốc phòng Mỹ qua nhiều thời kỳ từng nhấn mạnh rằng Washington sẽ không ngồi yên khi một cường quốc nào đó đang tìm cách viết lại luật lệ trên Biển Đông. Bây giờ Bộ Ngoại giao là cơ quan có thẩm quyền đã chính thức đưa ra một tuyên bố như thế để khẳng định chính sách đối ngoại của Mỹ là sẽ tìm cách giữ gìn cả hòa bình lẫn các tuyên bố chủ quyền hợp pháp tại khu vực này”.
Cùng quan điểm trên, Tiến sỹ James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) cho rằng đó là cách Washington đưa ra một hồ sơ pháp lý. “Về mặt pháp lý, tuyên bố của Mỹ nhằm khẳng định việc Trung Quốc đưa ra chủ quyền “đường lưỡi bò” là không có cơ sở”; đồng thời nhận định báo cáo trên còn hàm chứa một nỗ lực để củng cố một “liên minh ở Đông Nam Á” nhằm ứng phó tình hình hiện tại. Ông James Holmes cho rằng “Mỹ đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc tấn công trực tiếp vào lợi ích của các nước trong khu vực về những khía cạnh như an ninh năng lượng, kinh tế. Đây đều là các lợi ích sát sườn của chính phủ lẫn người dân của các nước liên quan. Khi trân trọng những lợi ích này, lãnh đạo của các quốc gia trong khu vực sẽ nhìn thấy được lợi ích chung với cả những nước ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Khi đứng cùng nhau, các nước sẽ cùng có lợi”. Ngoài ra, Tiến sỹ James Holmes cho rằng lâu nay, các nước Đông Nam Á dường như chưa thực sự chia sẻ những lợi ích chung đó, nhưng với những gì đang diễn ra thì đừng chậm trễ phối hợp với nhau nữa. Đó là cách để vượt qua các thách thức hiện tại.