Khối RCEP của Trung Quốc là ‘sự cảnh tỉnh đối với Mỹ’

Khối RCEP của Trung Quốc là ‘sự cảnh tỉnh đối với Mỹ’

07/11/2019


\"Lãnh
Lãnh đạo các nước tại hội nghị thượng đỉnh khối RCEP lần thứ ba hôm 4/11 tại thủ đô Bangkok của Thái Lan

Một hiệp định tạo điều kiện cho thương mại tự do mà Trung Quốc vừa mới thỏa thuận với 14 nước ở châu Á là ‘lời cảnh tỉnh’ đối với chính quyền Mỹ trước ảnh hưởng kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực và việc Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) hồi năm 2016 là ‘điều sai lầm,’ một chuyên gia kinh tế nhận định với VOA.

Các quan chức cao cấp từ 10 nước ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand vừa giải quyết hầu hết các khác biệt trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) ở Bangkok và dự định sẽ ký kết vào năm sau, chính phủ Thái Lan loan báo hôm 4/11.

Tuy nhiên, Ấn Độ cuối cùng đã quyết định không tham gia vào khối này khiến RCEP mất đi một thành viên quan trọng và không còn đầy đủ 16 nền kinh tế như kế hoạch ban đầu.

Bắt đầu đàm phán ở Campuchia hồi năm 2012 với 26 vòng đàm phán, RCEP là ý tưởng của Trung Quốc để nhằm tăng cường mậu dịch giữa Trung Quốc, các nước châu Á khác với các nước ASEAN. Nó sẽ giúp giảm thuế quan cũng như các rào cản phi thuế quan khác đối với hàng hóa của các nước tham gia.

‘Mỹ cần suy nghĩ lại’

Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa đến từ California, Mỹ, nhận định rằng tác động của khối RCEP này ‘không lớn như mọi người tưởng’.

Mặc dù chiếm 1/3 tổng sản lượng kinh tế thế giới và gần 40% xuất nhập khẩu toàn cầu, nhưng khối RCEP này ‘chỉ tạo điều kiện để các nước buôn bán với nhau cho dễ dàng hơn thôi’, ông Nghĩa nói với hàm ý so sánh với TPP.

“Nó chỉ giới hạn trong lĩnh vực không đánh thuế xuất nhập khẩu vào nhau thôi chứ không tạo ra chế độ giao dịch tự do giữa 15 nền kinh tế với nhau,” ông nói.

Trong khi đó, hiệp định TPP mà Mỹ đàm phán với Nhật, Úc, New Zealand, Canada, Mexico, Peru, Chile, Singapore, Malaysia, Brunei và Việt Nam ngoài việc cắt giảm thuế quan còn đưa ra các tiêu chuẩn khắt khe về lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ…

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross từng nhận định rằng RCEP là hiệp định thương mại ‘ở cấp rất thấp’ vốn không có được quy mô như TPP.

“Đây là lời cảnh báo cho Mỹ vì họ đã rút khỏi TPP, tạo ra khoảng trống để cho Bắc Kinh muốn lấp vào khoảng trống đó,” ông Nghĩa nói và cho biết từ năm 2012, ý định của Trung Quốc khi tạo ra RCEP là ‘muốn đối trọng với TPP’.

“Mỹ đã sai khi rút ra khỏi TPP nên RCEP cũng là điều hay vì nó sẽ làm cho Mỹ suy nghĩ lại,” ông nói.

Theo ông phân tích thì với RCEP này, các nước trong khu vực muốn gửi thông điệp đến Mỹ là ‘nếu không có nước Mỹ thì chúng tôi vẫn phải làm ăn với nhau’ và rằng ‘trong khi nước Mỹ đi theo con đường bảo hộ mậu dịch (với chiến tranh quan thuế) thì các nước lại đi theo con đường tự do mậu dịch’.

Khi được hỏi với việc Mỹ rút ra khỏi TPP và Trung Quốc lập nên RCEP thì có phải là ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở châu Á đã trở nên không bằng Trung Quốc hay không, ông Nghĩa nói rằng ‘Bắc Kinh mơ ước như vậy nhưng thực tế không phải vậy’.

Ông giải thích là ngoài chuyện RCEP không đạt tầm một thỏa thuận lớn như TPP mà ngay cả một ‘mục tiêu nhỏ’ là ‘tập trung vào vấn đề thuế quan’ mà ‘vẫn chưa xong sau 7 năm’ và chỉ ra việc Ấn Độ, một nền kinh tế lớn và là thị trường khổng lồ, rút ra như là bước lùi lớn của RCEP.

Ông so sánh RCEP không có Ấn Độ phần nào giống như TPP thiếu Mỹ (Hiện TPP trở thành CPTPP chỉ còn 11 nước dưới sự lãnh đạo của Nhật Bản).

Theo lời ông Nghĩa thì New Delhi rút ra ‘vì lợi ích của chính họ’ trong bối cảnh nước này ‘đang bị nhập siêu hàng chục tỷ đô la Mỹ với Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng nếu tham gia RCEP thì thị trường Ấn Độ sẽ tràn ngập hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc.

Về tác động của RCEP đối với xuất khẩu các nước thành viên, ông Nghĩa cho là ‘không đáng là bao’. “Các nước đó không chỉ buôn bán với nhau mà còn phải mở ra thế hội nhập nền kinh tế của toàn bộ 15 nước để có thể đi vào tiến trình hợp tác sâu rộng và lâu dài hơn,” ông giải thích và cho rằng điều đó được thể hiện trong TPP.

“Cải cách mới là điều quan trọng còn thuế quan chỉ là chuyện nhỏ thôi’.

Về lợi ích của RCEP đối với Việt Nam, ông Nghĩa lưu ý rằng ngoài RCEP, Việt Nam đã có EVFTA vừa ký với châu Âu, CPTPP với 10 nước khác.

“Đây là cơ hội để Việt Nam cải tổ lại cơ chế, hệ thống để có được thế mạnh khi nói chuyện với Mỹ rằng chúng tôi đang cải cách hệ thống theo tiêu chuẩn của TPP và nếu quý vị quyết định quay trở lại TPP thì chúng tôi vẫn ở trên tuyến đầu,” ông nói.

Ông nói mặc dù RCEP ‘cũng giúp cho tăng trưởng của Việt Nam’ nhưng trong khuôn khổ CPTPP ‘cũng đã có những quy định giúp cho nền kinh tế Việt Nam rồi’.

‘Tác động hạn chế’

Tờ Wall Street Journal nhận định rằng tác động của RCEP đối với các nước thành viên là ‘rất nhỏ’.

Đối với các quốc gia đã có các thỏa thuận chặt chẽ với nhau từ trước, RCEP hầu như không có ý nghĩa gì, theo tờ báo này. Thuế quan trung bình của các nước thành viên ASEAN đối với nhau đã gần như ở mức zero.

Wall Street Journal trích dẫn nghiên cứu của Renuka Mahadevan thuộc Đại học Queensland và Anda Nugroho ởBộ Tài chính Indonesia, cho thấy lợi ích hạn chế của RCEP. Theo đó, RCEP không có Ấn Độ sẽ chỉ giúp tăng 0,08% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2030.

Hai quốc gia mà RCEP giúp tăng hơn 0,5% GDP trong cùng kỳ là Hàn Quốc, vốn cắt giảm mạnh nhất thuế quan và Việt Nam, vốn sẽ có được cú hích đối hàng dệt may và điện tử.

“Do RCEP sẽ không mở rộng hợp tác thương mại một cách có ý nghĩa đối với các quốc gia đã có mức thuế quan song phương thấp và không còn bao gồm quốc gia có dư địa rộng nhất để giảm thuế quan là Ấn Độ nên sẽ có tác động hạn chế,” Wall Street Journal viết.

Tờ New York Times cũng nhận định rằng việc Ấn Độ, quốc gia đã tham gia đàm phán ngay từ đầu, rút ra là ‘bước lùi lớn của RCEP’. Theo tờ báo này thì lợi ích chính của RCEP là mở cửa thị trường Ấn Độ do các nước còn lại đã có các hiệp định thương mại tự do với nhau.

Tờ báo này chỉ ra những yêu cầu của Ấn Độ mà Trung Quốc không thể đáp ứng như ‘xuất khẩu một lượng lớn thuốc men thông thường giá rẻ của Ấn Độ sang Trung Quốc’ – điều mà ngành công nghiệp dược của Trung Quốc phản đối.

Ấn Độ cũng yêu cầu được tiếp cận rộng nhiều hơn thị trường Trung Quốc cho ngành công nghiệp thuê ngoài (outsourcing) mà họ rất mạnh, bao gồm cả việc cấp visa dễ dàng cho các kỹ sư phần mềm Ấn Độ để làm việc trong các dự án ở Trung Quốc. Tuy nhiên, đề xuất này đã nhận được phản ứng lạnh nhạt của Bắc Kinh, cũng theo New York Times.

Tờ Print của Ấn Độ cho rằng nước này ‘bị thâm hụt thương mại’ với hầu hết các nước RCEP, bao gồm một số nước ASEAN, Hàn Quốc, Trung Quốc và Úc. Tỷ lệ xuất khẩu sang các nước RCEP trong tổng xuất khẩu của Ấn Độ là 20% trong khi nhập khẩu đến 35%, theo tờ báo này.

Đáng lo hơn nữa cho Delhi, theo tờ báo này, là việc Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều hơn tất cả các nước còn lại trong RCEP.

Tờ báo này dẫn ra sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Trung Quốc và ASEAN được ký kết, thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tăng lên 5-6 lần trong khoảng thời gian từ năm 1995 cho đến 2017, hay nói cách khác thị phần của Trung Quốc trong nhập khẩu của ASEAN đã tăng rất nhanh so với xuất khẩu của khối này sang Trung Quốc. Điều này cho thấy Trung Quốc tiếp cận thị trường ASEAN nhiều hơn so với chiều ngược lại.

“Với RCEP, Ấn Độ không muốn là ASEAN thứ hai,” tờ báo này nhận định.

Bài Liên Quan

Leave a Comment