Đường vào binh nghiệp của cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền

Đường vào binh nghiệp của cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền

Văn Lan/Người ViệtNovember 5, 2019

\"\"/
Cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền, tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 2/3 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, trong buổi Xuân Hội Ngộ Sư Đoàn 21 năm 2015, tại Little Saigon. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

STANTON, California (NV) – Cuộc hội ngộ ấm áp tình huynh đệ chi binh của Khóa 20 Nguyễn Công Trứ – Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam hôm 1 Tháng Chín, 2019 vừa qua, vẫn còn để lại nhiều dư âm giữa các chiến sĩ QLVNCH, những chiến hữu từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến bảo vệ tự do tại miền Nam Việt Nam.

Một trong số ấy là cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền. Ông là một trong những Sinh Viên Sĩ Quan của Khóa 20 Nguyễn Công Trứ năm xưa, từng là sĩ quan thuộc Sư Đoàn 21 Bộ Binh, chịu trách nhiệm lãnh thổ Khu 42 Chiến Thuật, gồm sáu tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Chương Thiện, và Rạch Giá.

Ông cũng là cựu quận trưởng Phong Thuận, Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.

Kể với phóng viên nhật báo Người Việt, cựu Thiếu Tá Lê Nguyễn Thiện Truyền nay ở thành phố Stanton, Orange County, miền Nam California, cho hay ông sanh năm 1942, tuổi thơ sống ở quê nội, làng Thới An, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Thời đó chiến tranh liên miên giữa Việt Minh khi chưa lộ mặt Cộng Sản, đánh nhau với chính phủ Bảo Đại do Pháp bảo hộ, chuyên núp trong bóng tối ám sát người Việt quốc gia, cả người Hòa Hảo, và Cao Đài.

Cuộc sống miệt vườn lúc bấy giờ từ vàm Thới An, cửa sông Ô Môn cho đến vùng Thới Lai, Bà Đầm, Thát Lát, đời sống cư dân sung túc nhà cao cửa rộng.

Nhưng khi Việt Minh vào thì các làng quê ở miền Tây vùng đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu không yên bình chút nào vì giặc Việt Minh Cộng Sản bắt đầu xâm nhập vào đời sống ở nông thôn miền Nam bằng con đường chống Pháp yêu nước trá hình.

\"\"
Từ trái, Đại Úy Tiểu Đoàn Trưởng Lê Nguyễn Thiện Truyền (chỉ huy căn cứ Bà Đầm, Thát Lát), Đại Tá Chương Dzênh Quay, và cố vấn Mỹ tại căn cứ hỏa lực Bà Đầm, sau trận tấn công thất bại của đặc công Việt Cộng. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

Trước tình cảnh đó, mọi người đều tản cư hết. Ông kể, kỷ niệm đầu tiên trong đời phải nếm mùi đau khổ biệt ly khi xuống ghe đi tản cư, ông phải bỏ lại con chó thân yêu của mình. Sau khi tản cư trở về, cảnh tượng tan hoang, hai bên sông nhà cửa tan nát, cháy rụi không còn gì, trâu bò chết sạch.

Nhà nội ông với cơ ngơi nhà cao cửa rộng, vườn tược sum suê cũng chung số phận. Lúc ấy con chó bị bỏ lại lúc tản cư chạy ra mừng chỉ còn bộ xương khô, chủ tớ ôm nhau khóc ròng mừng phút giây đoàn tụ. Nhà máy xay lúa của người Tàu ngang nhà bị đốt cháy rụi, nghe đâu ông chủ nhà máy bị Việt Minh giết chết vì “tội tư sản bóc lột.”

“Tiến về nội, thối về ngoại,” từ đó chàng trai nhỏ trở thành không nhà, trở về quê ngoại ở Trà Nóc nương náu bên bờ Hậu Giang, bắt đầu cuộc đời “homeless,” và cũng từ đó hiểu được Cộng Sản là như thế nào. Bên ngoại ông cũng thuộc hàng trí thức, trong nhà như một thư quán nhỏ, với đầy ắp sách, nơi các văn nhân hay tới lui cùng nhau đàm luận văn chương thi phú.

Những tưởng tuổi thơ ở quê ngoại lúc ấy cũng còn sung túc, ruộng vườn cò bay thẳng cánh với đàn trâu mập lù, sông đầy đàn cá lội nhởn nhơ. Nhưng rồi hai bên chính phủ Bảo Đại và Việt Minh lại đánh nhau, lũ trẻ nhỏ đã biết tránh bom đạn. Một đêm nọ, anh em trong nhà đang ngủ, Việt Minh vô nhà đọc lệnh thiêu hủy nhà cửa, lại “tiêu thổ kháng chiến” (tức là tản cư, do Việt Minh phát động) rồi lại đánh nhau ác liệt. Một lần nữa nhà cửa ruộng vườn bên ngoại tan hoang, mẹ ông bị thương nặng, cả nhà phải trốn chạy xuống tận Bình Thủy.

Đây là lần “homeless” thứ hai trong đời, chính gia đình ông Truyền cũng tham gia kháng chiến chống Pháp, mẹ ông bị Pháp bắt giam ở Bình Thủy. Cuộc di tản cuối cùng của gia đình là về tại Châu Thành, Cần Thơ ở cho tới sau này. Lúc đó ở đậu nhà người cậu trong xóm Chuồng Bò của người Chà Và (Ấn Độ), và ông Truyền học ở truờng công lập Nam Tiểu Học Cần Thơ.

Lúc đó Việt Minh từ trong bưng gọi là vùng giải phóng, tràn ra thành phố, ám sát các viên chức chính quyền quốc gia thời Bảo Đại, rồi đánh nhau ngày càng nhiều. Việt Minh bắt người dân phải tiếp tế.

“Nhiều gia đình không ủng hộ, trong đó có gia đình tôi nên Việt Minh dùng mưu kế ghé vô nhà trên đường rút lui, để nguời Pháp thấy gia đình mình có liên hệ với Việt Minh mà làm khó dễ. Đây là kế thâm hiểm của Việt Minh, dùng Tây để triệt hạ gia đình nào không theo Việt Minh, mà thời đó chưa lộ diện là Cộng Sản,” ông Truyền kể.

\"\"
Trung Úy Lê Nguyễn Thiện Truyền, tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 2/3 Sư Đoàn 21 Bộ Binh, trong việc yểm trợ xây lại cầu Ông Vựa, Bình Thủy, Cần Thơ sau khi Việt Cộng phá sập trong trận Mâu Thân 1968. (Hình: Văn Lan/Người Việt chụp lại)

“Thời đó ai cũng tham gia kháng chiến chống Pháp, và gia đình tôi cũng có người tham gia Mặt Trận Việt Minh kháng chiến chống Pháp, nhưng Việt Minh vẫn hăm dọa gia đình tôi là tiểu tư sản địa chủ, trong gia đình có người bị hăm dọa giết, đốt sạch nhà cửa, gây bao đau khổ. Lúc đó tuy còn nhỏ tuổi nhưng tôi đã biết Cộng Sản là như thế nào,” ông nhớ lại.

“Mặc dù má tôi học trường Tây, nói tiếng Pháp, nhưng gia đình không ai làm việc cho Tây, đó là quan niệm của kẻ sĩ ngày xưa, và má tôi chỉ làm giáo viên dạy học tại trường Tiểu Học Cần Thơ sau này. Đặc biệt là tôi được học bổng toàn phần khi bốn anh em trong nhà cùng học tại trường Phan Thanh Giản, Cần Thơ, và năm thi Tú Tài 1 tôi đậu hạng Bình-Thứ, là hạng khá giỏi lúc bấy giờ,” ông Truyền kể tiếp.

Sau khi học hết năm cuối trường Nam Tiểu Học Cần Thơ, ông Truyền được chọn là học sinh đại diện của trường đi theo phái đoàn quân dân cán chính Cần Thơ lên Sài Gòn diện kiến Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Ông Truyền bồi hồi nhớ lại: “Khi Tổng Thống Diệm đến bắt tay tôi, ông khuyên: ‘Trò ni ngoan hỉ, cố gắng học hành để sau này giúp nước hỉ!’ Đó là kỷ niệm không quên trong đời khi được tổng thống bắt tay thăm hỏi, được giải thích cho biết chương trình của chính phủ là bình định nông thôn, kêu gọi thống nhất các giáo phái để cùng nhau đánh Cộng Sản.”

Và những biến cố đầu đời ấy đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người trai đất Tây Đô, chính là động cơ thúc đẩy ông Truyền đi vào con đường binh nghiệp sau này.

Khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm về chấp chánh thì ruộng vườn người dân vẫn còn, đất có bằng khoán lấy lại được, ông Truyền trở về phục hồi lại vườn ruộng quê ngoại ở Trà Nóc, trồng trọt hoa màu tươi tốt sung túc, đời sống trở lại yên bình, dân chúng sống sung túc nhờ chính sách “Ấp Chiến Lược” của Tổng Thống Diệm lúc đó rất có hiệu quả.

“Năm 1959, các tá điền ngày xưa thuê đất của gia đình tôi làm ruộng nay lộ mặt là cán bộ Cộng Sản hoạt động tại địa phương, khi gia đình đi thâu lúa ruộng họ hăm dọa nhà tôi là tiểu tư sản. Cho tới năm 1959 có một biến cố xảy ra là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam rục rịch nổi dậy, do Lê Duẩn chỉ huy. Tôi thấy Cộng Sản chẳng có điểm gì đáng phục hết, chỉ có tội ác giết người cướp của và đốt nhà thôi, gây bao nhiêu đau khổ cho dân lành vô tội,” ông kể.

Bởi lý do ấy mà sau khi tốt nghiệp Tú Tài toàn phần năm 1963, chàng trai trẻ Lê Nguyễn Thiện Truyền quyết chí chọn con đường binh nghiệp, bởi vì đó là con đường duy nhất để chiến đấu phục vụ đất nước, xả thân trang trải nợ tang bồng. (Văn Lan)

Kỳ 2: Lê Nguyễn Thiện Truyền xếp bút nghiên “xả thân trang trải nợ tang bồng”

Bài Liên Quan

Leave a Comment