Đài Loan : Mục tiêu tấn công \”Fake news\” của Trung Quốc
Thanh Hà Phát Thứ Bảy, ngày 16 tháng 11 năm 2019
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang là mục tiêu các đợt tấn công loan tin sai lệch của Bắc Kinh. Ảnh minh họa.Reuters
Càng gần đến này bầu cử 11/01/2020, các cuộc tấn công trên mạng nhắm vào phe chủ trương Đài Loan độc lập với Hoa Lục càng dồn dập. Bắc Kinh bị tố cáo thao túng các mạng xã hội, bôi nhọ đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn có lập trường bài Trung Quốc, đồng thời quảng bá cho ứng cử viên Hàn Quốc Du của Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh.
Cụ thể hơn, chính quyền Hoa lục bị chỉ trích những gì ? Thông tín viên RFI Adrien Simorrer từ Đài Bắc trả lời :
\”Chính quyền Đài Loan và nhiều chuyên gia lên án Trung Quốc, qua các mạng xã hội, dồn dập mở chiến dịch phao tin thất thiệt liên quan tới vùng lãnh thổ này. Đến nay, Bắc Kinh vẫn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời, nhưng chính quyền Đài Bắc nhất quyết từ chối xích lại gần với đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Theo một báo cáo đại học Gothenburg -Thụy Điển, được công bố trong năm nay, Đài Loan là mục tiêu tấn công hàng đầu của các chiến dịch tuyên truyền xuất phát từ Trung Quốc. Gần đến ngày bầu cử tổng thống vào tháng Giêng năm 2020, các chiến dịch này tập trung nhắm vào đương kim tổng thống Thái Anh Văn và tất cả những tổ chức chủ trương Đài Loan độc lập với Hoa lục.
Các chiến dịch phao tin sai lệch đó, với mục đích hướng dẫn công luận Đài Loan, được tiến hành như thế nào ?
\”Bằng một hình thức khá cổ điển, từ Trung Quốc người ta mở ra hàng ngàn tài khoản trên mạng xã hội, thêm vào đó là việc sử dụng những phần mềm khá thô thiển để mạo danh người dùng internet. Tất cả những tài khoản đó đều được cho là của người sử dụng internet cư ngụ tại Hoa lục.
Tạp chí Mỹ Foreign Policy chẳng hạn đã đặc biệt chú ý đến một trong những nhóm sử dụng Facebook và nhóm này ủng hộ ứng cử viên của đảng đối lập, Hàn Quốc Hùng, một người có lập trường thân Bắc Kinh. Vẫn theo Foreign Policy, nhóm người mở tài khoản trên mạng xã hội Facebook này sau đó đóng tiền để sử dụng các chức năng của Facebook. Mục tiêu đề ra là để phổ biến rộng rãi tối đa những gì họ tung lên mạng xã hội. Đương nhiên đó là những bài vở, những tài liệu, thông tin hay hình ảnh có lợi cho Trung Quốc.
Ngoài ra, Bắc Kinh cũng có những phương tiện khác, đặc biệt là các hãng truyền thông đứng về phía Trung Quốc. Tiêu biểu nhất là trường hợp của tập đoàn Want Want China Times Media Group. Chủ nhân tập đoàn này là một doanh nhân Đài Loan, nổi tiếng là có những mối quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng Sản Trung Quốc. Theo điều tra của báo tài chính Mỹ Financial Times, được công bố vào mùa hè vừa qua, nhiều vị lãnh đạo trong các tòa soạn hàng ngày được các quan chức trong hàng ngũ đảng Cộng Sản Trung Quốc thăm hỏi qua điện thoại. Tất cả các kênh truyền thông đó đương nhiên đăng rất nhiều bài vở qua các mạng xã hội\”.
Vậy thì chính quyền Đài Loan có thể làm được gì để đối phó với các đợt tấn công đó ? Thông tín viên Adrien Simorrer cho biết :
\”Thực ra, chính quyền Đài Loan lúng túng trước hiện tượng này và phải trực tiếp trông nhờ vào các mạng xã hội, vào các cổng tìm kiếm thông tin mà thôi. Google đã quyết định ngừng nhận quảng cáo trên các trang liên quan đến cầu cử Đài Loan, nhưng việc làm này không thấm vào đâu, bởi vì đa số dân Đài Loan, sử dụng Facebook. Tới nay, mạng xã hội do Mark Zuckerberg lập ra cương quyết duy trì các chiến dịch quảng cáo.
Vấn đề đặt ra đối với Đài Loan là ngày nào mà luật pháp còn chưa rõ ràng thì tất cả mọi người, bất luận lập trường chính trị của họ, đều có thể phổ biến bài vở mang tính tuyên truyền. Thiệt thòi nhất ở đây là những người sử dụng internet tại Đài Loan, bởi vì rất khó để họ có thể kiểm chứng các thông tin được loan tải\”.