Khủng hoảng Hồng Kông: 9 trường Đại học kêu gọi tìm \’\’giải pháp chính trị\’\’
Trọng Thành Đăng ngày 16-11-2019
Người biểu tình ngồi trong khi dân cư địa phương dỡ một hàng rào bên ngoài Đại học Hồng Kông, ngày 16/11/2019.REUTERS / Athit Perawongmetha
Bạo động gia tăng tại Hồng Kông, các trường đại học biến thành \’\’pháo đài\’\’ của giới trẻ đòi dân chủ kháng cự cảnh sát, trong bối cảnh Bắc Kinh liên tiếp đe dọa cứng rắn. Tối 15/11/2019, hiệu trưởng 9 trường Đại học Hồng Kông ra thông cáo chỉ trích chính quyền đã không có biện pháp thích đáng, và kêu gọi lãnh đạo đặc khu ngay lập tức \’\’tìm giải pháp chính trị\’\’ cho khủng hoảng.
Theo báo Hồng Kông South China Morning Post, bản thông cáo gửi chính quyền của các hiệu trưởng Đại học khẳng định: bạo lực gia tăng mạnh trong tuần qua, đông đảo nhân viên nhà trường, sinh viên đã không đến trường, vì lý do an ninh, hoạt động giảng dạy và học tập của trường Đại học đang đứng trước \’\’thách thức nghiêm trọng chưa từng có\’\’.
Trong số chín hiệu trưởng Đại học Hồng Kông, có lãnh đạo các trường Đại học Bách Khoa, Đại học Baptiste, Đại học Hồng Kông, Đại học Trung Văn.
Ngày 15/11, cảnh sát Hồng Kông đã gia tăng áp lực lên lãnh đạo các trường Đại học, với cáo buộc khuôn viên các đại học đang biến thành \’\’những thùng thuốc súng\’\’ và \’\’mảnh đất thuận lợi cho các hoạt động tội phạm\’\’. Bộ trưởng Giáo Dục Hồng Kông Kevin Yeung tuyên bố, nếu giới lãnh đạo các đại học nhận thấy họ không đủ khả năng \’\’chấm dứt các hành vi bạo lực\’\’ trong nhà trường, họ có thể yêu cầu chính quyền trợ giúp.
Tuy nhiên, trong thông cáo nói trên, hiệu trưởng 9 trường Đại học Hồng Kông khẳng định chính quyền đã \’\’thoát ly khỏi thực tế\’\’, khi đòi hỏi các Đại học phải khắc phục tình hình. Theo các hiệu trưởng Đại học Hồng Kông, \’\’tình hình phức tạp và đầy thách thức hiện nay không xuất phát từ các trường Đại học, mà phản ánh các bất đồng trong nội bộ xã hội Hồng Kông. Chính quyền cần đứng ra nhận lãnh trách nhiệm, có các biện pháp nhanh chóng và cụ thể, để giải quyết tình trạng bế tắc chính trị hiện nay, thiết lập lại an ninh và trật tự ngay lập tức\’\’.
Trong tuyên bố chung nói trên, các hiệu trưởng Đại học Hồng Kông cũng là lưu ý \’\’không có bất cứ quan điểm chính trị nào biện minh cho việc gây tổn hại cho tài sản (tại các trường Đại học), sử dụng các đe dọa thể chất hay bạo lực chống lại các cá nhân\’\’, đồng thời nhấn mạnh \’\’rất đáng tiếc là các bất đồng trong xã hội đã biến khuôn viên các nhà trường trở thành đấu trường chính trị chủ yếu, và phản ứng của chính phủ (Hồng Kông) cho đến nay là không hiệu quả\’\’.
Cùng với việc sinh viên Hoa lục, sinh viên Đài Loan rút khỏi Hồng Kông, hôm 16/11, đến lượt các trường Đại học Hà Lan, Úc kêu gọi sinh viên nên sớm trở về nước, vì lo ngại an ninh không bảo đảm. Hai sinh viên Đức bị cảnh sát Hồng Kông câu lưu đêm 15/11, với tội danh \’\’tụ tập bất hợp pháp\’\’.
Theo AFP, về tình hình tại chỗ, số lượng những người tham gia vào các hoạt động bạo lực có xu hướng giảm bớt tối hôm 15/11, đặc biệt tại Đại học Trung Văn Hồng Kông, vốn là nơi đối đầu dữ dội trong tuần qua giữa cảnh sát và những người tranh đấu.
Lính Trung Quốc dọn dẹp đường phố
Đài truyền hình đặc khu công bố hình ảnh hàng trăm binh sĩ quân đội Trung Quốcdọn dẹp đường phố, sau các bạo động kéo dài từ một tuần này. Hoạt động dọn dẹp của các quân nhân Trung Quốc chủ yếu mang tính tượng trưng. Các quân nhân có mặt trên đường phố trong khoảng gần một giờ đồng hồ. Các binh sĩ quay trở lại doanh trại, vừa hô vang \’\’Một, hai, ba, bốn\’\’ bằng tiếng quan thoại. Cho đến nay, binh sĩ Trung Quốc hiện diện tại Hồng Kông hiếm khi xuất hiện trước công chúng. Chính quyền Hồng Kông và Quân Đội Trung Quốc không chính thức cho biết lý do của hành động đột xuất này.
Trong lúc tình hình căng thẳng đặc biệt xung quanh một số Đại học, theo AFP, khoảng 500 người tập hợp trước một số trụ sở chính quyền đặc khu hôm 16/11, để bày tỏ ủng hộ với chính quyền và cảnh sát. Những người biểu tình giương cao cờ Trung Quốc, cờ của đặc khu Hồng Kông và chụp ảnh với các cảnh sát có mặt tại chỗ.