Kinh tế Hồng Kông
Nguyễn Xuân Nghĩa
2019-11-15
Chỉ số Han Seng tại Hong Kong ở mức 25976,24, giảm 0,67% vào ngày 6 tháng 8,2019
Bước vào tuần thứ 24, tình hình Hồng Kông còn rối loạn hơn với các vụ bạo động xảy ra gần như hàng ngày, từ cả hai phía là cảnh sát và người biểu tình, làm tê liệt trung tâm tài chánh quốc tế này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về tương lai của Hong Kong
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, sự rối loạn của Hong Kong lên tới cực điểm vào tuần qua khiến hai người bị thiệt mạng và nhà chức trách đã ban hành lệnh giới nghiêm cho tới ngày Chủ Nhật 17 này. Rồi đây tình hình của trung tâm tài chánh nổi tiếng là tự do nhất sẽ ra sao?
Đây là một vấn nạn cho Bắc Kinh vì thách đố nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế”, một quốc gia hai chế độ. Chế độ tự trị của đặc khu hành chánh này đã bị thu hẹp dần từ nhiều năm nay nên người dân mới phản đối và cái vòng luẩn quẩn này khiến chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh lâm vào thế kẹt.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Rối loạn ở Hồng Kông
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng trung tâm này đang đi vào một vòng xoáy không lối thoát vì nhà chức trách sử dụng bạo lực lại dẫn tới phản ứng dữ dội của dân biểu tình. Sau Hội nghị Kỳ bốn của Ban Chấp hành Trung ương Khóa 19 vào cuối tháng trước, lãnh đạo Bắc Kinh có nhấn mạnh đến nhu cầu bảo vệ an ninh cho Hong Kong bằng luật lệ mới. Chúng ta chờ xem luật lệ được ban hành ra sao và người dân Hong Kong sẽ phản ứng thế nào khi vụ khủng hoảng đã qua tới tháng thứ sáu. Đây là một vấn nạn cho Bắc Kinh vì thách đố nguyên tắc “nhất quốc lưỡng chế”, một quốc gia hai chế độ. Chế độ tự trị của đặc khu hành chánh này đã bị thu hẹp dần từ nhiều năm nay nên người dân mới phản đối và cái vòng luẩn quẩn này khiến chính quyền Hong Kong và Bắc Kinh lâm vào thế kẹt.
Nguyên Lam: Thưa ông, liệu chính quyền Bắc Kinh có thể trực tiếp can thiệp, thí dụ như đưa quân đội hay cảnh sát võ trang, vào Hong Kong hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng họ đang đắn đo cân nhắc vì cũng thấy ra sự bất lợi của giải pháp võ lực. Hôm Thứ Năm 14 khi thăm viếng xứ Brazil, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã lên tiếng cảnh báo về Hong Kong nhưng chưa quyết định.
Nếu tình hình chẳng lắng dịu – mà nhiều phần thì không, với cao điểm vào ngày 11 vừa rồi – có thể là Thường vụ Quốc hội tại Bắc Kinh sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp thay vì để chính quyền Hong Kong khai triển thêm đạo luật Emergency Ordinance có sẵn tại Hong Kong từ năm 1922. Sau đó thì lực lượng Cảnh sát Võ trang của Bắc Kinh được đưa vào Hong Kong và đấy là kịch bản đáng ngại.
– Dù sao, Hong Kong không còn như xưa nữa và đấy là một thất bại hiển nhiên của ông Tập Cận Bình. Hai năm trước, vào năm 2017, khi thăm viếng Hong Kong để kỷ niệm 20 năm “hồi quy cố quốc”, họ Tập đã nói tới việc sửa đổi hệ thống luật lệ của Hong Kong để khỏi nhiễm độc vào các tỉnh trong Hoa lục, sự thể ngày nay là hậu quả của quyết định ấy.
Phản ứng của quốc tế
Nguyên Lam: Nếu kịch bản ấy xảy ra, phản ứng của quốc tế sẽ là gì?Kính cửa sổ của một toa tàu bị phá vỡ tại nhà ga xe lửa của Đại học MTR, Hong Kong vào ngày 14 tháng 11, 2019. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thế giới đã nhắc đến vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày bốn Tháng Sáu năm 1989 khiến mấy ngàn người mất mạng và thiên hạ không muốn tái diễn sự kiện này tại Hong Kong. Tối Thứ Năm 14, Hội đồng “Duyệt xét Quan hệ An ninh và Kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc” trong Quốc hội Hoa Kỳ cũng vừa công bố phúc trình cho năm 2019 và cảnh báo rằng nếu Bắc Kinh sử dụng võ lực tại Hong Kong thì trung tâm tài chánh này sẽ mất quy chế giao dịch đặc biệt được quy định trong Đạo luật năm 1992.
– Trong hòan cảnh căng thẳng và chưa ngã ngũ của trận thương chiến giữa hai nước, vụ Hong Kong là giọt nước tràn ly vì Quốc hội Mỹ sẽ gây áp lực với Chính quyền Donald Trump. Sau Hạ viện, vừa rồi Thượng viện Mỹ cũng đề xướng theo thủ tục khẩn cấp một dự luật trừng phạt Bắc Kinh về vụ Hong Kong nên ông Trump rất khó nhượng bộ.
Kinh tế Hong Kong
Nguyên Lam: Thưa ông, nhìn vào khía cạnh kinh tế thì tương lai Hong Kong sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ rằng trong ngắn hạn thì tình hình chưa đến nỗi nguy ngập nhưng về dài thì Hong Kong sẽ hết được như xưa. Một thế hệ nữa là tan vỡ.
– Thứ nhất, Hong Kong lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc mà nền kinh tế này đang bị suy trầm, tới mức thấp nhất kể từ 27 năm nay, chưa kể tới nhiều vấn đề trầm trọng trong nội bộ mà chúng ta đã nhiều lần đề cập vì vậy kinh tế Hong Kong cũng bị ảnh hưởng bất lợi. Thứ hai, so với người dân Hoa lục có lợi tức bình quân một đầu người chỉ ở khoảng hơn 10 ngàn đô la một năm thì dân Hong Kong giàu gấp bốn mà nay còn mất tự do thì tình hình chính trị tại Hong Kong sẽ càng thêm đen tối và trước mắt thì làm mất một nguồn lợi là khách du lịch, coi như giảm phân nửa so với năm ngoái. Thứ ba, Hong Kong giàng giá đồng bạc của mình là “đô la Hong Kong” vào đồng Mỹ kim, với khối dự trữ ngoại tệ hiên ở mức 430 tỷ đô la Mỹ, thì Chính quyền Hong Kong vẫn có thể giữ giá đồng bạc nhưng sự bất ổn kéo dài là một thách đố vì lãi suất đi vay sẽ tăng. Tuần qua, chỉ số cổ phiếu của thị trường Hang Seng hay Hằng Sinh đã mất giá 5% và mức thanh khoản hay tiền mặt của Hong Kong đã sụt tới độ thấp nhất kể từ năm 1999 và lãi suất liên ngân hàng đã tăng khiến doanh lợi của các ngân hàng bị giảm….
Đế quốc Anh chiếm đất Hong Kong là một làng chài rồi trả lại một viên kim cương vào năm 1997. Nhưng hơn hai chục năm sau, Bắc Kinh đang biến viên kim cương này thành hòn sỏi trong khi hai trung tâm Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn chưa thể thay thế được Hong Kong. Vì vậy, chưa biết “Trung Quốc Mộng” là gì thì thiên hạ đã thấy Hong Kong là “Trung Quốc Mị”.
-Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyên Lam: Như vậy, thưa ông, liệu tư bản quốc tế có tháo chạy khỏi Hong Kong hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Cho tới nay, ta chưa thấy hiện tượng đó và tháng trước, Chính quyền Bắc Kinh ra lệnh cho các tập đoàn kinh tế nhà nước đổ tiền vào Hong Kong. Chúng ta khó biết là bao nhiêu nhưng đấy cũng là biến cố đáng chú ý. Chưa dám đưa cảnh sát vào Hong Kong, Bắc Kinh đã phái trút tiền vào đó thay vì ra lệnh kiểm soát luồng giao dịch tư bản như tại Hoa lục. Có thể Bắc Kinh còn mong rằng tình trạng căng thẳng với Hoa Kỳ sẽ khiến doanh nghiệp nội địa của họ dồn tiền vào thị trường Hong Kong, nhưng nếu bất ổn gia tăng thì đấy cũng lại là giấc mơ hão huyền, y hệt như Trung Quốc Mộng của Tập Cận Bình.
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận cho chương trình tuần này liên quan đến Hong Kong.
Nguyễn Xuân Nghĩa: – Lãnh đạo Bắc Kinh cứ hay nói đến “bách niên quốc sỉ” là trăm năm ô nhục khi bị Đế quốc Anh tấn công trong trận Chiến tranh Nha phiến và chiếm Hong Kong rồi bị liệt cường sâu xé mà không tìm về nguyên do sâu xa là vì sao lại suy bại và bị khuất phục vào đời Mãn Thanh.
– Đế quốc Anh chiếm đất Hong Kong là một làng chài rồi trả lại một viên kim cương vào năm 1997. Nhưng hơn hai chục năm sau, Bắc Kinh đang biến viên kim cương này thành hòn sỏi trong khi hai trung tâm Thượng Hải và Thâm Quyến vẫn chưa thể thay thế được Hong Kong. Vì vậy, chưa biết “Trung Quốc Mộng” là gì thì thiên hạ đã thấy Hong Kong là “Trung Quốc Mị” và người dân Đài Loan đang nhìn vào Hong Kong để thấy ra tương lai của họ nếu được thống nhất với Trung Quốc.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.