Bầu cử địa phương Hồng Kông ngày 24/11: 70% dân phản đối hoãn
Trọng Thành Đăng ngày 17-11-2019
Lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ngày 06/11/2019.REUTERS/Jason Lee
Hồng Kông từ gần nửa năm nay chìm trong không khí phản kháng chống lại các hành xử \’\’phản dân chủ\’\’ của chính quyền, đặc biệt với dự luật dẫn độ sang Trung Quốc. Gần đến ngày bầu cử địa phương, 24/11/2019, khủng hoảng dường như không có lối ra. Bắc Kinh nhiều lần đe dọa bầu cử không diễn ra, nếu an ninh không bảo đảm. Công luận Hồng Kông nghiêng hẳn về phía phải tổ chức bầu cử đúng hạn.
Theo cuộc thăm dò của Viện Nghiên Cứu Dư Luận Hồng Kông mới đây, gần 70% người được hỏi phản đối việc hoãn cuộc bầu cử cấp quận, bất chấp bạo lực tiếp diễn. Chỉ có 17% muốn dời lại ngày bầu cử. Hơn 53% người trả lời tuyên bố \’\’kiên quyết phản đối\’\’ việc dời lại ngày bỏ phiếu. Chỉ có hơn 9% \’\’đồng ý hoàn toàn\’\’ việc hoãn bầu cử. Cuộc phỏng vấn được thực hiện với 1035 người, trong hai ngày 30/10 và 01/11.
Theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, trong bối cảnh chính quyền ngày càng mất quyền kiểm soát tình hình an ninh thành phố, lãnh đạo đặc khu quyết định thành lập một Ủy ban quản lý khủng hoảng, đứng đầu là thẩm phán Barnabas Fung Wah, vốn là chủ tịch Ủy ban phụ trách cuộc bầu cử địa phương, để tư vấn cho chính phủ về các biện pháp liên quan đến bầu cử ngày 24/11 tới. Ủy ban đề nghị chính quyền hoãn bầu cử, nếu xảy ra bạo động, hoặc bạo lực lan rộng, hay các hiểm họa khác đe dọa an ninh xã hội.
Thất vọng với cảnh sát
Tuy nhiên, cuộc thăm dò này cũng cho thấy 67% người trả lời cho rằng cảnh sát mới chính là một trong các nguyên nhân chính của tình hình ngày càng tồi tệ hiện nay, với việc \’\’mất khả năng tự kiềm chế\’\’, \’\’tiến hành bắt bớ bừa bãi\’\’. Hơn 64% người trả lời cho rằng người dân Hồng Kông phải yêu cầu cộng đồng quốc tế trợ giúp, bảo vệ các quyền của mình, bởi chính quyền thành phố đã tỏ ra bất lực. Tổng giám đốc Viện thăm dò dư luận, tiến sĩ Robert Chung Ting-yiu, cảnh báo là việc dân chúng mất niềm tin vào cảnh sát khiến bạo lực gia tăng.
Cảnh sát Hồng Kông, có thời được coi là lực lượng bảo vệ an ninh xuất sắc nhất châu Á, ngày càng mất đi sự ủng hộ của dân chúng, kể từ đầu cuộc khủng hoảng dự luật dẫn độ đến nay. Theo một thăm dò của Trung tâm Thông tin và Điều tra Dư luận của Đại học Trung Văn Hồng Kông, hơn một nửa dân cư thành phố hoàn toàn không tin tưởng cảnh sát.
\’\’Bế tắc chính trị\’\’
Ông Martin Purbrick, một cựu sĩ quan cảnh sát Hồng Kông, làm việc trong lực lượng chống khủng bố, trong một phân tích công bố giữa tháng 10, ghi nhận việc sử dụng bạo lực cảnh sát mù quáng khiến cảnh sát Hồng Kông đột ngột mất đi uy tín vốn có. Trong dân chúng Hồng Kông xuất hiện trở lại cụm từ \’\’hắc cảnh\’\’ (cảnh sát đen), vốn để chỉ sự đồng lõa của cảnh sát với xã hội đen, tại Hồng Kông, trong những năm 1960-1980.
Tuy nhiên, cựu sĩ quan cảnh sát Hồng Kông cũng nhấn mạnh là \’\’sự vắng mặt của các giải pháp chính trị\’\’, từ phía chính phủ, biến cảnh sát trở thành bình phong của chính quyền và mục tiêu giận dữ của những người biểu tình, và đây mới là nguyên nhân sâu xa của tình hình không lối thoát hiện nay.
Vì sao cuộc bầu cử địa phương ngày 24/11 tới lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Hồng Kông ? Mời quý vị đón xem phần tiếp của bài trên trang nhà của RFI tiếng Việt.