Bộ trưởng Mỹ ‘quan ngại’ thâm hụt thương mại 40 tỷ đôla với VN
17/11/2019
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross mới bày tỏ “quan ngại” ngay tại Hà Nội về mức thâm hụt thương mại hàng chục tỷ đôla với Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên một thành viên nội các Mỹ lên tiếng ngay tại Việt Nam về mức thâm hụt trị giá hàng chục tỷ đôla, sau khi Tổng thống Trump hồi tháng Sáu năm nay cáo buộc Việt Nam là quốc gia “lợi dụng tồi tệ nhất” trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.
“Trong vòng 25 năm qua, thương mại giữa hai quốc gia đã tăng trưởng theo cấp số nhân. Hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam đã tăng hơn bốn lần trong vòng một thập kỷ qua, đạt 10 tỷ đôla năm 2018. Và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho hàng hóa của Việt Nam”, ông Ross phát biểu hôm 8/11 trong bữa tiệc trưa do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tập đoàn BRG đồng tổ chức, nhân chuyến thăm Việt Nam.
“Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về thâm hụt thương mại 40 tỷ đôla. Chúng tôi muốn làm việc với chính phủ Việt Nam để giảm mức thâm hụt thương mại này”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng từng phản hồi với VOA tiếng Việt về chỉ trích của ông Trump, nói rằng chính quyền Hà Nội đang “thúc đẩy nhập khẩu các mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu” cũng như “cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ muốn hoạt động tại Việt Nam.”
Theo Cơ quan Thống kê của Hoa Kỳ, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam vượt quá 20 tỷ đôla kể từ năm 2014 và tính tới tháng Chín năm nay, đã tăng lên mức gần 41 tỷ đôla.
Theo cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ ở Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink hôm 7/11 đã chào đón phái đoàn thương mại do ông Ross dẫn đầu, với sự tham gia của giám đốc điều hành từ 17 công ty hàng đầu của Hoa Kỳ đến Hà Nội.
Đại sứ quán Mỹ cho biết thêm rằng chính quyền của Tổng thống Trump “vẫn cam kết về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó tất cả các quốc gia đều có chủ quyền, vững mạnh và thịnh vượng”, và chuyến công du một số nước Đông Nam Á của ông Ross “cũng phản ánh cam kết mạnh mẽ của Bộ trưởng trong viêc thúc đẩy sự hỗ trợ của khu vực tư nhân Hoa Kỳ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và dựa trên cơ chế thị trường”.
Trong bài phát biểu tại Hà Nội, Bộ trưởng Thương mại Ross thông báo rằng vào tháng Tư năm 2020, một phái đoàn thương mại được coi là lớn nhất của Mỹ sẽ lần đầu tiên có chặng dừng chân ở Việt Nam.
Ngoài ra, ông Ross cũng lên tiếng quảng bá và kêu gọi các công ty Việt Nam cân nhắc đầu tư ở Hoa Kỳ.
“Có rất nhiều các lợi ích vô hình khác từ việc đầu tư ở Mỹ như chất lượng đời sống rất cao; sự đa dạng văn hóa…15.372 sân golf. Và quý vị sẽ không đơn độc: Có 2,1 triệu người Mỹ gốc Việt”, ông Ross nói.
“Hoa Kỳ cam kết vì sự thành công của Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm việc với quý vị để gây dựng mối quan hệ sâu sắc và lâu dài với các công ty cũng như người tiêu dùng Mỹ”, Bộ trưởng Ross nói.
“Đổi lại, chúng tôi hy vọng rằng Việt Nam tiếp nhận hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, và rằng cộng đồng doanh nghiệp làm việc để tạo ra các điều kiện để mọi công ty có thể thành công”.
Trong chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2017, Tổng thống Trump đã trực tiếp mời chào lãnh đạo Việt Nam mua thiết bị quân sự của Mỹ, nhất là máy bay và tên lửa.
“Chúng tôi mong muốn nước ngài mua thiết bị từ Hoa Kỳ. Chúng tôi sản xuất thiết bị tốt nhất. Chúng tôi sản xuất máy bay và thiết bị quân sự tốt nhất. Các tên lửa thì thuộc loại không ai có thể cạnh tranh nổi”, ông Trump nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
“Như tôi đã nói, một quả tên lửa gần đây đã được bắn từ Yemen vào Ảrập Xêút. Và một trong những hệ thống tên lửa của chúng tôi đã bắn hạ nó… như không có chuyện gì xảy ra. Chúng tôi sản xuất các tên lửa tốt nhất trên thế giới, các máy bay [quân sự] tốt nhất trên thế giới, các máy bay thương mại tốt nhất trên thế giới”.
Tổng thống Mỹ nói tiếp rằng “vì thế, chúng tôi muốn Việt Nam mua của chúng tôi, và chúng ta phải xóa bỏ việc mất cân bằng thương mại”, mà ông Trump khi đó nói là lên tới 32 tỷ đôla.