30 năm Cách mạng Nhung và tượng Nguyên soái Konev
Ba thập niên sau Cách mạng Nhung đem lại độc lập và tự do cho CH Czech, Prague vẫn phải \’sống với tượng\’ của Nguyên soái Liên Xô Ivan Konev.
Theo phóng viên BBC Rob Cameron trong bài về 30 năm Cách mạng Nhung (17/11/1989-2019), tượng ông Konev vẫn có mặt ở Quận 6, thủ đô CH Czech.
Tượng của Ivan Stepanovich Konev, người đem quân Liên Xô giải phóng phần đất của Czech bị phát-xít Đức chiếm đóng trong Thế Chiến 2, được dựng lên trong thập niên 1980.
Khi đó, Liên bang XHCN Khắc là đồng minh của Liên Xô.
Tuy thế, người dân Prague nay cho rằng dù ông Konev đúng là có công trong Thế Chiến 2, ông không phải là \”người giải phóng Prague\” như huyền thoại thời cộng sản nêu ra.
Ông Ondrej Kolar, quận trưởng Prague 6, người thuộc đảng trung hữu, đề nghị di dời bức tượng Konev đi chỗ khác.
Quyết định này đã gây ra phản đối mạnh từ Đại sứ quán Nga ở CH Czech và bị đảng cộng sản Czech lên án.
Câu chuyện về Ivan Konev cùng bức tượng ông, hiện đã tạm bọc vải bạt để tránh không bị bôi bẩn, nói nhiều về lịch sử khó khăn của người Czech với láng giềng khổng lồ là Nga.
Ai \’giải phóng\’ Prague?
Nguyên soái Ivan Konev đưa quân vào Prague ngày 9/05/1945, vài hôm sau khi thành phố này đã vắng bóng quân Đức.
Theo người Czech thuộc phái không ưa Nga, thì người dân Prague đã tự giải phóng thành phố từ trước khi Hồng quân Liên Xô đến.
Thực tế lịch sử về các cuộc chuyển quân của Đồng minh Mỹ và Liên Xô tại vùng nay là CH Czech vào những ngày cuối Thế Chiến 2 phức tạp hơn một chút.
Với cả quân Mỹ và Liên Xô, việc đưa một lực lượng vào Prague là không cần thiết về mặt quân sự vì họ đều tập trung đánh vào Đức.
Đại tướng Dwight Eisenhower, tổng tư lệnh liên quân Anh – Mỹ – Pháp ở châu Âu đã đồng ý với Tướng Aleksei Antonov của Liên Xô rằng quân Mỹ sẽ dừng ở tuyến Karlovy Vary (Carlsbad) – Plzen- Ceske Budejovice.
Quân Liên Xô đã đóng ở Slovakia cũng chỉ tính \”đi qua\” Prague để đánh vào Dresden.
Chính vì thế, dù quân đội Mỹ có cử một hai sỹ quan quân báo, Eugene Fodor và Kurt Taub, lái xe từ Plzen vào Prague xem tình hình ra sao, họ đã không ở lại thành phố mà quay về trong ngày.
Mục tiêu của Mỹ là xác định xem còn đơn vị nào của Đức ở Prague không tuân theo lệnh đầu hàng mà các tướng Đức đã ký với Đồng minh, có hiệu lực từ 08/05/1945.
Phía Liên Xô thì thấy lực lượng du kích cộng sản Czech đã làm chủ nhiều khu phố của Prague nên chỉ công bố mở chiến dịch Prague ngày 7/05/1945 mà không cử đại quân đến làm gì.
Trong hai ngày 8 và 9, Hoa Kỳ có xem xét khả năng đưa quân vào Prague giúp phe nổi dậy ở địa phương, nhưng sau khi nghe tin Liên Xô đãng tiến vào thì bỏ ý định đó.
Kết quả là Liên Xô đã vào Prague và đội mật vụ Smersh khét tiếng cùng đi đã nhanh chóng vây bắt các nhà hoạt động Czech không cộng sản.
Điều này đã để lại oán hận trong dân chúng Czech.
Nhân vật nay bị ghét
Nguyên soái Konev, hai lần được phong Anh hùng Liên Xô, còn đóng vai trò chủ chốt trong vụ đàn áp khởi nghĩa Hungary năm 1956.
Sang năm 1961, cũng chính ông ta làm tư lệnh quân Liên Xô ở Đông Đức và giám sát kế hoạch xây tường Berlin.
Năm 1968, ông có vai trò trong việc điều động Quân đội Liên Xô và các nước khối Hiệp ước Warsaw xâm lăng Tiệp Khắc và đàn áp khởi nghĩa Prague.
Chừng 135 người Czech và Slovak bị bắn chết.
Quân Liên Xô bắt TBT Alexander Dubcek, thủ tướng Oldrich Cernik, chủ tịch QH Josef Smyrkovsky đem về giam ở Moscow.
Sau Cách mạng Nhung 1989 và thay đổi thể chế tại Đông Âu, tượng các nhân vật hàng đầu của Liên Xô đều bị hạ bệ.
Tượng Ivan Konev ở Krakow, Ba Lan bị gỡ bỏ năm 1991.
Từ nhiều năm qua, điểm đặt tượng Konev ở Prague thành nơi tụ họp biểu tình phản đối Nga và tưởng niệm các nạn nhân bị Liên Xô giết năm 1968.
Nay, chính quyền Quận 6 của Prague đề nghị chuyển tượng ông Konev cho Đại sứ quán Nga để họ giữ trong khuôn viên nếu muốn.