Một Thám Kích Tiền Phong 45 Ngày Trong Tay quân Việt cộng

Một Thám Kích Tiền Phong 45 Ngày Trong Tay quân Việt cộng

Thứ Bảy, 16 Tháng Mười Một 20195:19 CH

Vương Hồng Anh

\"https://encrypted-tbn0.gstatic.com/images?q=tbn%3AANd9GcRBbsI_maWEIGp4_h_MdVtGdX0IYLsF2f0i41P30SJBECVBMmKv\"/

Như đã trình bày trong số trước, ngày 2/4/1969, một toán Thám kích Tiền Phong thuộc trung tâm Huấn luyện Hành quân Delta xâm nhập vào khu vực hoạt động của CQ trong thung lũng Ashau, cách Huế trên 40 km về hướng Tây Nam, và cách biên giới Việt-Lào khoảng 10 km đường chim bay. Toán Thám kích này gồm có 4 người: toán trưởng Nguyễn Văn Son, toán phó Đinh Đỏ, hai toán viên là Lê Văn Bang và Đinh Đức. Trưa ngày nói trên, trực thăng đã bốc toán cảm tử quân này rời khỏi căn cứ hành quân của đơn vị ở Đức Dục, Quảng Nam, bay về hướng Tây Bắc. Sau ba ngày di chuyển trong vùng địch, đến sáng ngày 5/4, toán Thám kích bị CQ tấn công, 2 toán viên tử trận, chỉ còn lại toán trưởng và toán phó đã vượt thoát vòng vây của địch quân và tiến về ngọn núi trước mặt. Đến chiều cùng ngày, hai người lên đến đỉnh núi và dự định dừng chân ở đây để tạm nghỉ qua đêm. Khi vừa giơ bi đông lên uống một ngụm nước, trưởng toán Nguyễn Văn Son bị một viên đạn bắn trúng vào đầu gục xuống, chỉ còn lại toán phó Đinh Đỏ đã thoát được, anh lần mò vượt qua khỏi vùng núi. Trưa ngày 6 tháng 4/1969, trong khi dừng lại bên một con suối để lấy nước uống, anh Đinh Đỏ đã bị địch bắt và áp giải đi theo một trung đội CQ. Toán CQ ngày đi đêm nghỉ và tiến về hướng Đông, trong hai ngày đầu anh chỉ được một địch quân cho một phần cơm với ít muối ăn. Sau đây là phần hai của câu chuyện về cảm tử quân Đinh Đỏ, được biên soạn dựa theo bài viết của tác giả Đinh Quân.

* Những ngày trong lòng địch của toán phó Thám kích Đinh Đỏ
Qua ngày thứ ba, anh Đinh Đỏ được nhận mỗi ngày nửa lon gạo và một gói muối nhỏ, trong khi các CQ thì lãnh một lon gạo và kèm theo một gói đồ ăn khô. Giờ thì CQ để anh thong thả hơn: ban ngày anh được cởi trói để tự nấu cơm lấy dưới sự giám sát của 4 CQ. Ban đêm địch quân trói anh lại và cắt người nằm bên anh canh giữ. 5 ngày qua, trung đội CQ đã tới bộ chỉ huy trung đoàn. Nơi đây không có cổng vào và 4 phía đều trống trải. Doanh trại trung đoàn CSBV này có 5 dãy nhà, mỗi dãy chừng 10 căn cách xa nhau từ 50 tới 100 thước. Nhà dựng sơ sài bằng cây và lợp lá rừng, anh thấy bóng những lính CQ qua lại: hầu hết còn trẻ, từ 15, 16 tuổi đến 21, 22 tuổi. Người thì mặc quần áo, người cởi trần, mặc quần cụt. Có vài người chống nạng, tay chân băng bó. Anh thoáng thấy có cả nữ cán bộ CQ nhưng không hiểu những người đó giữ nhiệm vụ gì ở đây. Các cô ăn mặc quần đen, áo nâu chít khăn theo lối người Bắc. Tất cả đều ốm o, da bủng vàng. Qua sự quan sát, anh Đỏ đoán đây là cơ sở hậu cần của trung đoàn CQ. Nhiều người đi qua tò mò nhìn anh rồi yên lặng bỏ đi. Một CQ tới hỏi:
-Mày là lính ở đâu ”
Anh trả lời:
– Lính Việt Nam Cộng Hòa.
– Đi lính có sướng không”
– Không đến nỗi khổ cực.
– Quần áo, ăn uống thế nào”
– Đầy đủ.
– Hút thuốc này”
CQ hỏi anh vừa nói vừa giơ điếu thuốc cuốn theo lối đồng bào Thượng thường dùng.
– Không, tôi hút Salem.
– Ồ khá nhỉ.
CQ này thoáng một nụ cười với nét mặt nhan hiểm và ra lệnh: Đưa hắn vào khu 1, không cho tiếp xúc với bộ đội. CQ dẫn anh vào căn phòng số 1 của khu đầu tiên. Trong nhà không có giường chiếu, không có bàn ghế, chỉ có bóng tối tràn ngập. Anh Đỏ bị giam tại phòng này đúng 5 ngày. Chỉ được ra ngoài trong giờ ăn và giờ vệ sinh cá nhân nhưng có người đi theo canh chừng. Anh Đỏ đã nghĩ tới cách trốn thoát nhưng vì bị kiểm soát chặt chẽ và anh chưa nhận ra vị trí trại giam giữ nên chưa trốn thoát được. Qua ngày thứ sáu, CQ lại giải anh theo một trung đội đi về hướng Đông. Anh tự hỏi không biết địch quân sẽ đưa anh đi tới đâu. Vào cuối tháng, trung đội CQ tới trạm giao liên nằm dưới chân ngọn đồi, xa xa về phía bên kia là con sông chạy ngang qua. Trong khi ngồi đợi anh quan sát chung quanh và đã nhận ra được vị trí nơi này. Cách một tháng trước, trong một chuyến công tác, anh đã bay qua vùng này khi toán Thám kích ngồi trên trực thăng tìm vị trí đổ quân. Đó là dòng sông chia đôi vùng ranh giới hoạt động giữa Quốc gia và Cộng quân, nằm trong quận Đức Dục, tỉnh Quảng Nam, cách thị trấn An Hòa chưa đầy 20 km. Trong những cuộc hành quân lần trước, các toán Delta và Thám kích đã quen thuộc địa thế vùng này.
Một tia hy vọng lóe lên trong đầu anh Đinh Đỏ. Phải tìm cách để trốn thoát. Cần chọn thời gian thuận tiện và lúc địch quân sơ hở. Đây là một trạm tiếp liên của CQ. Trung đội CQ đã đóng tại đây chờ tiếp tế hơn 10 ngày rồi. Vào một buổi sáng, CQ bắt anh vác gạo từ bờ sông về. Anh đoán số gạo này chắc là được chuyển từ vùng Quốc gia qua sông này. Tuy đã nhận được tiếp tế rồi, trung đội CQ vẫn còn đóng tại đây để chờ lệnh. Trong những đêm nằm tại khu vực này, anh Đỏ để ý 4 CQ áp giải anh càng ngày càng tỏ ra không quan tâm đến anh. Nhiều lúc toán CQ này chỉ kiểm soát anh qua loa và đến đêm lại nằm cách xa. Hai tuần lễ trôi qua, vào một đêm trời tối, như thường lệ, 1 CQ trói anh lại rồi tìm một góc để nằm ngủ. Anh Đỏ giả vờ nhắm mắt và một lát sau anh giả ngáy. Khi trời đã về khuya bốn bề im lặng chỉ còn nghe tiếng côn trùng và tiếng người thở đều đều, anh mở rộng đôi mắt nhìn vào bóng đêm. Những bóng đen bất động. Toán CQ ngủ say, anh Đỏ khẽ cựa mình rồi lần lần tháo sợi dây buộc tay lỏng leo. Anh tìm một cục đất ném về phía 1 CQ trong tổ áp giải nằm gần, không có phản ứng gì. Anh từ từ bò về phía trước, rất nhẹ và nín thở. Thoát chốc, anh đã lẫn vào bóng đêm và tiến về hướng sông. Con sông không rộng lắm nên một lúc sau anh sang tới bờ bên kia.
Thế là anh yên tâm, bên này là vùng kiểm soát của Quốc gia. Xa xa có ánh lửa, anh lầm lũi tiến về phía đó. Một ngôi nhà nhỏ và tiếng người từ phía trong vọng ra. Đỏ cố lắng tai nghe những bài ca và giọng hát quen thuộc của đài Quốc gia. Anh vững tâm và tiến tới trước nhà rồi gõ cửa. Tiếng trong nhà hỏi vọng ra: Ai ngoài đó” Anh Đỏ trả lời: Tôi.
– Tôi là ai”
– Tôi đi lạc.
Tiếng dép khuya và một đàn ông khoảng 40 tuổi ra mở cửa: Mời ông vào nhà. Người đàn ông bỡ ngỡ nhìn anh đang còn ướt và mặc độc nhất chiếc quần đùi. Anh vội lên tiếng: Thưa ông đây là đâu”
– Vùng Quốc Gia.
– Có Quân đội…
– Không có lính bên kia chỉ có Quân đội VNCH đóng thôi. Anh là…”
– Thưa ông, tôi là lính Cộng Hòa bị bắt và đi lạc. Tôi đói ông có gì cho ăn.
– Được, anh ngồi đợi đó.
Rồi người chủ nhà xuống bếp lấy cơm và thức ăn. Vì quá đói nên anh Đỏ ăn rất ngon và không phải khách sáo. Anh rất cảm động về thái độ người chủ nhà đối với anh. Người đàn ông hỏi: Chắc anh bị lính bên kia bắt rồi trốn thoát”
– Vâng.
– Thế bây giờ anh về đâu”
– Tôi sẽ nhờ chính quyền địa phương giúp trở về đơn vị ở Đức Dục gần khu kỹ nghệ Nông Sơn.
– Thôi để trời sáng, tôi sẽ đưa anh lên Hội đồng xã trình diện, quận Đức Dục gần đây.

* Chiến công của anh Đinh Đỏ:
Sáng sớm hôm sau, người chủ nhà dẫn anh lên Hội đồng xã trình diện. Dọc đường anh gặp một chiếc quân xa và nhận ra ngay là chiếc xe đi chợ của đơn vị. Xe dừng lại và đưa anh về căn cứ hành quân tại Đức Dục. Cấp chỉ huy và đồng đội rất vui mừng khi thấy anh đột ngột trở về. Họ tưởng anh đã chết hay mất tích. Ngay buổi trưa hôm đó, anh Đinh Đỏ lên trực thăng cùng với thiếu tá chỉ huy trưởng trung tâm Huấn luyện Hành quân Delta đi thám sát khu vực địch đóng quân đêm trước. Căn cứ địch đóng quân phía bên kia sông nằm dưới chân đồi, cách làng An Hòa không quá 10 km. Chiếc trực thăng bay một vòng phía trên rồi lao xuống thấp. Dấu vết của CQ đã được xác nhận, một loạt AK từ dưới bắn lên, hai đại liên trên trực thăng đã bắn trả từng loạt dòn vang.
Chiều hôm đó, vào ngày 18/5/1969, theo các yếu tố về địa điểm mà trung tâm Delta đã cung cấp, Pháo binh Việt-Mỹ đã hỏa tập vào vùng địch hàng trăm trái đạn. Tiếp theo là những phi vụ oanh tạc rung chuyển cả núi đồi. Chắc chắn những loạt đại bác và phi vụ oanh kích đã gây tổn thất nặng nề cho CQ, đó chính là nhờ công của anh Đinh Đỏ, toán phó của một toán Thám kích Tiền Phong. Năm 1969, người toán phó này mới 25 tuổi, độc thân, anh sinh tại Hà Tây, tỉnh Quảng Ngãi, trong một gia đình thuộc bộ lạc Hare, gia nhập Quân lực VNCH từ 18 tuổi, chiến đấu trong một đơn vị Bộ binh, sau đó tình nguyện qua Biệt kích rồi Thám kích Tiền Phong. Anh đã hai lần bị lọt vào tay CQ, lần trước anh đã bị địch bắt 7 ngày khi toán của anh tham dự cuộc hành quân Delta năm 1967, cuối cùng anh đã thoát được, một lần anh bị thương trong một trận đánh tại Nha Trang trong dịp Tết Mậu Thân. Từ khi gia nhập quân đội cho đến ngày vượt thoát khỏi sự giam cầm của địch lần thứ hai, anh đã hạ sát trên 30 CQ, nhưng anh chỉ nhận được một vài huy chương khiêm tốn: 1 ngôi sao Bạc, 1 chiến thương bội tinh, và một số tiền thưởng do thiếu tá đơn vị trưởng trao tặng trong dịp anh lập công trong ngày 18/5 nói trên.

Nguồn: https://vietbao.com/a44798/1-tham-kich-tien-phong-45-ngay-trong-tay-csbv

Bài Liên Quan

Leave a Comment