Nhiều người biểu tình Hồng Kông bị đưa đến Đại Lục giam giữ?
- Trí Đạt
- Thứ Năm, 21/11/2019
Cựu quan chức Tổng lãnh sự quán Anh Quốc tại Hồng Kông Trịnh Văn Kiệt (Simon Cheng) tới Thâm Quyến công tác bị phía Trung Quốc bắt giữ. Sau khi được thả ra, ông nói trong thời gian bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam giữ tại Đại Lục đã bị cực hình tra tấn, đồng thời cũng tận mắt chứng kiến một nhóm người Hồng Kông bị thẩm vấn, và biết được một cách minh xác từ chỗ nhân viên Quốc an rằng, nhiều người biểu tình Hồng Kông sau khi bị bắt giữ đã được đưa đến Đại Lục giam giữ.
Thông tin ông Trịnh Văn Kiệt tiết lộ đã khiến người ta liên tưởng đến một nhóm người biểu tình tại Đại học Bách khoa Hồng Kông bị áp giải lên tàu hỏa, đồng thời thông tin này cũng cho thấy được manh mối của rất nhiều thanh niên Hồng Kông bị mất tích kể từ khi bùng nổ phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ.
Ngày 8/8, ông Trịnh Văn Kiệt đã bị bắt tại Thâm Quyến khi ông đến đây công tác, sau 15 ngày ông được thả ra. Sau khi trở về Hồng Kông được vài ngày ông liền rời Hồng Kông, hiện tại đang xin tị nạn ở nước ngoài, nhưng từ chối tiết lộ hiện đang ở nước nào.
Gần đây, ông Trịnh Văn Kiệt đã trả lời phỏng vấn của nhiều kênh truyền thông nước ngoài và tiết lộ, trong thời gian ông bị giam giữ tại Đại Lục đã bị tra tấn, bị buộc trên “ghế hổ”, đeo cùm, che mắt, chùm kín đầu; bị ép phải giữ nguyên tư thế bị đè nặng trong nhiều giờ, nếu nhúc nhích sẽ bị đánh. Ông bị ép phải “thừa nhận” bản thân mình đại diện cho Anh Quốc kích động đấu tranh chống Luật Dẫn độ tại Hồng Kông.
Bị đưa đến “trung tâm điều tra” bí mật
Ông Trịnh kể mình bị trùm kín đầu và bị đưa đến phòng tra hỏi ở “Trung tâm điều tra tập thể”, ông nhìn thấy Quốc an điền vào biểu mẫu tờ khai tra hỏi trong phòng ông, nhân viên Quốc an này viết chữ “cơ mật” lên một hàng trong tờ điều tra.
Ông nói, ở trung tâm này nhìn thấy có khoảng 10 nghi phạm đang bị tra hỏi, đồng thời nghe thấy có người quát người đang bị giam giơ tay lên cao, và dùng tiếng Quảng Đông để hỏi “Các người tham gia biểu tình chẳng phải thường giơ cờ lên sao?” Ông tin rằng người đang bị hành hạ trong phòng chính là người biểu tình Hồng Kông. Nhưng ông không đề cập đến người liên quan là bị tra hỏi ở Hồng Kông hay ở Đại Lục.
“Một nhóm người biểu tình Hồng Kông bị đưa đến Trung Quốc”
Ông Trịnh Văn Kiệt còn cho biết bị yêu cầu xác nhận người biểu tình Hồng Kông từ hơn 1000 bức ảnh, đồng thời viết ra danh tính và đảng phái chính trị của những người mà ông quen biết. Trong thời gian đó, có nhân viên Quốc an nói rõ rằng có một nhóm người biểu tình Hồng Kông bị nhốt ở Trung Quốc, do đó họ có thể thu thập và xác minh những tài liệu mà họ có được.
Ông cũng nói trong tuyên bố rằng đến nay những tổn thương mà ông đã trải qua vẫn chưa hoàn toàn khôi phục. Ngoài ra, do ông có thể sẽ đối mặt với sự trả thù lớn hơn nữa, nên ông không tiếp tục đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc này nữa.
Những người mất tích trong mấy tháng qua đã đi đâu?
Do việc thẩm tra của ĐCSTQ luôn bí mật, nên ngoại giới không cách nào có thể xác minh được những cáo buộc liên quan từ ông Trịnh Văn Kiệt. Tuy nhiên, thông tin liên quan cũng có khả năng giải thích về hàng loạt trường hợp mất tích, tự sát, bị nhảy lầu, thi thể chết trôi từ khi bùng nổ phản đối Dự luật Dẫn độ đến nay.
Phong trào phản đối Dự luật Dẫn độ tại Hồng Kông bùng nổ đến nay, liên tiếp có tin cho biết có lượng lớn hiện tượng thanh thiếu niên mất tích bao gồm cả nam và nữ. Trên mạng xã hội Facebook, Telegram, Diễn đàn LIHKG, v.v. đều có thông tin tìm kiếm và theo dõi người mất tích, thông tin bên trên cho thấy hiện tại có những bé gái, thiếu nữ vẫn chưa tìm được, độ tuổi những người này từ 13 đến khoảng 20 tuổi.
Ngày 31/8, tại nhà ga Prince Edward, cảnh sát vũ trang Đại Lục đã giả mạo cảnh sát Hồng Kông đàn áp đẫm máu người biểu tình, cơ quan chức năng đến nay vẫn từ chối giao ra video hoàn chỉnh từ hệ thống camera an ninh, ẩn đố 3 người bị thương “mất tích” trong tối hôm đó đến nay vẫn chưa có lời giải. Gần đây, cảnh sát Hồng Kông tấn công Đại học Bách khoa Hồng Kông, hơn 1000 người bị bắt, những người mất tích lại càng nhiều thêm.
Theo đó, các vụ “ngã lầu“, thi thể nổi trên mặt nước cũng liên tiếp xuất hiện, các trường hợp này đều có rất nhiều điểm nghi vấn: Nhiều người rơi từ trên lầu xuống mà không có vết máu; thi thể nổi trên mặt nước trong trạng thái lõa thể, không có hiện tượng trương khi bị chìm trong nước thời gian dài, và có vết tích bị ẩu đả; có người mặc quần áo đen, đeo khẩu trang. Rất nhiều dấu hiệu khiến cho người Hồng Kông nghi ngờ những người này là “bị nhảy lầu”, “bị nhảy xuống biển”, trong đó trường hợp điển hình nhất là vụ phát hiện xác nữ sinh Trần Ngạn Lâm nổi trên mặt biển trong tình trạng lõa thể.
Hiện tại, mỗi khi người Hồng Kông phát hiện có người biểu tình bị bắt, đều cố gắng hỏi danh tính, và những người bị bắt trước khi bị đưa đi cũng đều nói rõ ràng rằng mình “sẽ không tự sát”.
Tuyến tàu Hồng Kông – Quảng Châu thông báo tạm dừng
Gần đây, hàng ngàn người biểu tình bị cảnh sát Hồng Kông bao vây và dùng bạo lực bắt bớ trong Đại học Bách khoa Hồng Kông. Ngày 18/11, ngoại giới nhìn thấy một nhóm lớn sinh viên sau khi bị bắt từ Đại học Bách khoa Hồng Kông, đã bị cảnh sát áp giải lên tàu hỏa, hiện không có ai biết được họ bị đưa đi đâu.
Người phát ngôn phía cảnh sát Hồng Kông là Quách Gia Kim cho biết, thứ Hai và thứ Ba tuần này, có khoảng 1100 người bị bắt giữ ở khu vực gần Đại học Bách khoa Hồng Kông.
Điều trùng hợp là, Trung tâm dịch vụ đường sắt Trung Quốc mới đây cũng đột nhiên phát đi thông cáo nói, từ ngày 19 – 20/11, có 20 chuyến tàu qua lại giữ Đại Lục và Hồng Kông bị tạm dừng. Ngoại giới suy đoán, không loại trừ khả năng ĐCSTQ vì để che giấu tai mắt, nên trong 2 ngày này đã sẽ vận chuyển một bộ phận người bị bắt đến Đại Lục. Quá khứ, người Duy Ngô Nhĩ bị nhốt trong trại tập trung cũng từng bị dùng tàu hỏa vận chuyển đến nhiều nơi giam giữ.
Trên Facebook có thông tin nói, một số người biểu tình Hồng Kông bị bắt giữ đã bị đưa đến nơi giam giữ ở Huệ Châu tỉnh Quảng Đông.
Hôm 20/11, ông Quách Văn Qúy – doanh nhân người Trung Quốc hiện đang lưu vong tại Mỹ đã nói trong một video trực tiếp trên Youtube cho biết, những người trẻ tuổi này được đưa đến Thâm Quyến (Quảng Đông) bằng tàu hỏa. Trước đó, ông Quách Văn Quý cũng từng nói, ĐCSTQ không những thiết lập các nhà tù chui tại Hồng Kông, cưỡng hiếp nhiều người biểu tình nữ, mà còn đang ngày đêm gấp rút xây dựng trại tập trung tại Hồng Kông, sao chép trại tập trung tại Tân Cương.
Hiện tại, cũng có nhân vật thuộc thế hệ Đỏ đời thứ ba đã nói trên kênh xã hội “Lộ Đức Phỏng Đàm” (@pangukaitiandi) rằng bà từng liên hệ với các nhà lãnh đạo cũ của Trung Nam Hải và đã hỏi dò vấn đề Hồng Kông được xử lý thế nào. Bà đã được cho biết rằng chính quyền muốn tình hình Hồng Kông ngày càng hỗn loạn, để cuối cùng biến Hồng Kông thành một thành phố bình thường của Trung Quốc.
Người này tiết lộ chiến thuật mà ĐCSTQ áp dụng được gọi là “câu cá”. Trước tiên dùng thủ đoạn làm nhục Hồng Kông để nhử những người Hồng Kông có tinh thần phản kháng mạnh mẽ lộ diện, từ đó bắt họ vào trong các trại tập trung, hoặc hãm hiếp tập thể hoặc “buộc tự sát”, hệ quả cuối cùng là tiêu diệt được toàn bộ những người dũng cảm đấu tranh.
Gần đây, trên mạng cũng lan truyền một đoạn video cảnh sát Hồng Kông cảnh cáo người dân trên đường rằng: “Cẩn thận bị biến mất”. Một cảnh sát khác nói thêm: “Đây là lần cảnh cáo đầu tiên đối với bạn.”
Trí Đạt