NATO : Châu Âu có bao nhiêu sư đoàn để thay thế Mỹ ?
Tú Anh Đăng ngày 22-11-2019
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg bắt tay ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo, trước phiên họp tại trụ sở của khối liên minh quân sự ở Bruxelles, Bỉ, ngày 20/11/2019.Francisco Seco/Pool via REUTERS
« Ukrainegate », phe tổng thống Donald Trump bị tấn công dồn dập, NATO trong cơn bão tố nội bộ, Hồng Kông trước giờ bầu cử trắc nghiệm, ý nghĩa chuyến tông du của Đức giáo hoàng Phanxicô tại Thái Lan và Nhật Bản, là những chủ đề chính của báo chí Pháp ngày thứ Sáu 22/11/2019.
Binh lực Châu Âu : cột trụ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương
NATO kỷ niệm 70 năm thành lập trong không khí « cơm không lành canh chẳng ngọt ». Tuyên bố của tổng thống Pháp « NATO chết não » không phải là giấy khai tử. Đó là phát pháo cải cách liên minh trước những rạn nứt bên trong và đe dọa bên ngoài.
Theo Le Monde, Paris và Berlin muốn NATO thảo luận, phải nghiên cứu lại về vai trò của liên minh NATO trong bối cảnh tình hình hiện nay. Một nhóm chuyên gia sẽ tìm một số hướng cải cách NATO. Thế mà, cuộc họp cấp bộ trưởng ngoại giao hôm thứ Tư 20/11/2019 tại Bruxelles diễn ra một cách bình thường như không có chuyện gì xảy ra, cứ như « NATO là một bao cát nhận mọi quả đấm không hề hấn gì». Ngoại trưởng Pháp Jean Yves LeDrian, đồng nhiệm Đức Heiko Maas và tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, không một ai đề cập xa gần gì đến tuyên bố gây chấn động của tổng thống Pháp trên báo Anh The Economist vào ngày trước : NATO chết não.
Jens Stoltenberg còn khẳng định « ngoài NATO ra, ai có thể bảo đảm an ninh cho 1 tỷ dân ? ». Theo tổng thư ký NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ được củng cố và tiếp tục đoàn kết : Binh lực Châu Âu là cột trụ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhưng không để thay thế.
Phía Đức kêu gọi « định nghĩa minh bạch vai trò của NATO trong tương lai » và Pháp đã đề nghị « lập nhóm chuyên gia chính trị kinh nghiệm » điều nghiên quan hệ với Nga và « thế đang lên » của Trung Quốc. Báo cáo sẽ được hoàn tất vào năm 2021.
Khác với tuyên bố bi quan của tổng thống Pháp, nữ bộ trưởng quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer khẳng định « NATO đầy sinh lực từ trái tim cho đến khối óc ». Theo giải thích của một nhà phân tích Đức, công luận và chính giới Đức xem NATO là hợp đồng « bảo hiểm nhân thọ » giúp cho nước Đức được sống trong hòa bình.
NATO : Bảo hiểm nhân thọ
Nước Đức có lý do chính đáng để trông cậy tuyệt đối vào NATO và Hoa Kỳ. Còn Pháp với quân đội mạnh nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, tổng thống Macron có dụng ý gì khi muốn « khai tử » NATO ? Le Figaro phân tích hay dở của chủ nhân điện Elysée.
Theo nhật báo thiên hữu, rạn nứt nghiêm trọng nhất trong nội bộ NATO là cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ năm 2003 khi Ankara không cho lực lượng Mỹ mượn đường và căn cứ tấn công vào Irak. Trong cuộc chiến chống Daech, chính quyền Erdogan để yên cho chiến binh thánh chiến đi lại và buôn lậu. Rồi Ankara mua hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga.
Xu hướng của Ankara tiến lại gần với Matxcơva làm Washington lo ngại. Tổng thống Erdogan có thể bắt chẹt liên minh NATO nếu muốn. Khi quan hệ với đồng minh phương Tây suy thoái nghiêm trọng hơn, Ankara có thể không cho Mỹ và châu Âu sử dụng căn cứ không quân Incirlik, thậm chí buộc Mỹ phải rút vũ khí hạt nhân tích trữ tại đây.
Với vai trò « lính biên phòng của Châu Âu » ở bờ nam Địa Trung Hải, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần đe dọa mở cổng cho di dân tràn vào Châu Âu.
Tuy nhiên, chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ Ozgur Unluhisarcikli lưu ý : Erdogan không thể làm tổng thống đời đời. Chỉ trong đôi ba năm nữa là tình hình đổi khác. Các nước phương Tây không nên cắt đứt quan hệ với giới lãnh đạo tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bài xã luận « Châu Âu có bao nhiêu sư đoàn », Le Figaro bênh vực luận điểm của tổng thống Pháp vì trước thái độ thường xuyên bốc đồng của Donald Trump thì Emmanuel Macron phải dùng ngôn ngữ sự thật. Thế nhưng, tuyên bố « NATO chết não » để làm gì ? Để thay thế quân đội Mỹ hay sao ? Theo nhật báo thiên hữu, có lẽ tổng thống Pháp muốn thúc giục các nước Châu Âu cùng đứng lên tự chủ, tự lập như một « cường quốc địa chính trị ». Vấn đề là ước mơ « một chính sách phòng thủ chung của Châu Âu » cho đến nay chỉ còn trong trạng thái phôi thai, không đủ bảo vệ châu lục trước một cuộc tấn công cổ điển và không gian mạng.
Đồng ý là vì lý do này, châu Âu cần phải cố gắng cải tiến quốc phòng. Nhưng không phải để tự đánh lừa. Trong tinh thần này, bài xã luận của Le Figaro kết luận như đinh đóng cột : Binh lực Châu Âu không đủ sức thay thế NATO. Không có Mỹ, Châu Âu không thể xây dựng chính sách quốc phòng.