Trình diễn áo dài, nón lá: Trung Quốc có “xâm lấn” Việt Nam trên lĩnh vực văn hóa?
Mạng xã hội cũng như báo chí chính thống nhà nước những ngày gần đây lan truyền tin tức về một buổi trình diễn thời trang áo dài, nón lá thương hiệu Ne Tiger ở Trung Quốc vào tháng 10 năm 2018, nhưng truyền thông nước này lại gọi đó là ‘Phong cách Trung Quốc\’ (Chinese style) khiến nhiều người Việt Nam phẫn nộ và trên mạng xã hội có những câu bình luận như “Ăn cắp văn hóa”; “Giành biển, giành đảo, giành đàn bầu, giành áo dài….”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, nhận định:
“Nó gây ra một chấn động lớn trong dư luận mạng xã hội vì áo dài và nón lá là những thứ rất đặc sắc của Việt Nam và đã được toàn thế giới biết đến như là một biểu tượng của văn hóa Việt Nam nói chung, của phụ nữ Việt Nam nói riêng và của đặc sắc thời trang Việt Nam nói riêng nữa.”
Theo ông thì việc người Trung Quốc nhận như vậy là một sự xúc phạm đến văn hóa Việt Nam bởi áo dài, nón lá là những hình ảnh quen thuộc và đã trở thành những biểu tượng của Việt Nam.
Nó như một hình thức xâm lấn và tranh cướp một di sản tinh thần của người Việt bao đời nay. Nói trắng ra là một sự xâm lăng về mặt văn hóa của Trung Quốc. – TS. Nguyễn Xuân Diện
Dù bộ sưu tập thời trang hoàn toàn mang phong cách Việt Nam, nhưng trang Xinhuanet lại trích lời nhà sáng lập thương hiệu thời trang Ne Tiger, ông Trương Chí Phong, rằng: “Khi sáng tạo ra bộ sưu tập này, tôi đã nhấn mạnh vẻ kiêu sa cũng như phẩm giá của trang phục truyền thống Trung Quốc”.
Nhà báo Tôn Phi, người hay tìm tòi về lịch sử và văn hóa cổ, lên tiếng với RFA:
“Tất cả những trang phục của người Trung Quốc đều đã được nghiên cứu văn hóa và đến triều Nhà Thanh vẫn không có áo dài. Bây giờ Trung Quốc “gắng gượng” làm ra một nhóm dân mặc áo dài. Điều đó cũng hoài công vô ích vì nếu Trung Quốc có áo dài thì đã có trong văn khố của các nước sang thăm Trung Quốc đến triều Nhà Thanh rồi, chứng tỏ Trung Quốc đang bịa ra.”
Có lẽ nhiều người Trung Quốc nghĩ những bộ áo dài này là sườn xám cách tân khi ông Trương Chí Phong giải thích rằng khi sáng tạo bộ sưu tập này, ông vẫn bảo lưu truyền thống nhưng hòa quyện vào đó tính hiện đại và các yếu tố toàn cầu để dễ dàng được chấp nhận trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện phản biện:
“Các nhà thiết kế và những người phát ngôn trong chương trình biểu diễn đó không thể nào nói là vô tình nhầm lẫn, cũng không thể nói đấy là sáng tạo của họ được. Đây chính là họ dụng tâm làm như vậy để nhằm vào hai mục đích, đó là sự nhạo báng đối với người Việt Nam và sự thách thức đối với bản lĩnh văn hóa của người Việt. Nó như một hình thức xâm lấn và tranh cướp một di sản tinh thần của người Việt bao đời nay. Nói trắng ra là một sự xâm lăng về mặt văn hóa của Trung Quốc.”
Không phải lần đầu
Đây không phải lần đầu Trung Quốc có những hành động bị cho là ăn cắp di sản văn hóa, sản phẩm văn hóa của người Việt Nam.
Tại Hội thảo khoa học “Đàn bầu và vai trò của nó trong nền văn hóa” được tổ chức tại Hà Nội hôm 21 tháng 10 năm 2016, Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Tâm cảnh báo “Việt Nam có thể mất quyền đối với cây đàn bầu – cây đàn vốn được coi là nhạc cụ thuần Việt hiếm hoi” do thông tin một số học giả Trung Quốc cố gắng tìm kiếm chứng cứ để cho rằng cây đàn bầu có nguồn gốc từ Trung Quốc, của Trung Quốc.
Cũng trong buổi hội thảo, Nhạc sĩ Đức Trí cho hay chính ông từng xem trên kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc một chương trình hòa tấu nhạc dân tộc và đã rất kinh ngạc khi thấy có cây đàn bầu trong dàn nhạc dân tộc Trung Quốc.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói về việc này:
“Khoảng một năm trở lại đây tôi thấy rất nhiều học giả của Trung Quốc đến Viện nghiên cứu Hán Nôm để tìm đọc những sách cổ về âm nhạc, về nhạc cụ Việt Nam.
Từ vài tháng nay Trung Quốc đã lập xong hồ sơ để trình lên UNESCO để yêu cầu công nhận đàn bầu là một di sản văn hóa của họ. Rất tiếc mãi gần đây Bộ văn hóa và các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ này mới phát hiện ra vụ việc và mới xúc tiến để tìm hiểu nghiên cứu về đàn bầu và sẽ tổ chức những hội thảo để khẳng định đàn bầu là một di sản văn hóa của Việt Nam.”
Ý của Nguyễn Trãi là Phương Bắc không thể quyết định văn hóa cho Phương Nam được vì hai miền khác nhau. Bây giờ Trung Quốc lại tái diễn thì câu trả lời lại vẫn là như thế. – Nhà báo Tôn Phi
Không để mọi chuyện trở nên quá muộn, ông Nguyễn Xuân Diện cho biết PGS-TS Nguyễn Thụy Loan, một nhà nghiên cứu về lịch sử âm nhạc của Việt Nam có đến Viện Hán Nôm gặp ông để cùng tìm một số tài liệu cổ của cha ông ta viết về đàn bầu và có những tư liệu cổ chứng minh đàn bầu (ghi rõ bằng chữ Nôm trong sách sử) là một nhạc cụ do những người bắc kỳ sáng tạo ra và vào năm Thành Thái có một người xẩm (người mù) đem chiếc đàn này vào thành Thuận Hóa, tức là thành Huế và từ lúc đó đất thần kinh mới bắt đầu có đàn bầu.
Nhà báo Tôn Phi trích dẫn một câu nói của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, một nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại sự xâm lược của nhà Minh (Trung Quốc) với Đại Việt, để nói về sự xâm lăng văn hóa của Trung Quốc từ thời đó:
“Nếu nhìn một góc nào đó thì đúng là xâm lấn về văn hóa, kể cả trước đây thời nghĩa quân Lê Lợi và Nguyễn Trãi đánh Trung Quốc thìNguyễn Trãi có nói về sự xâm lấn văn hóa trong Bình Ngô Đại Cáo một câu thơ theo bản dịch của Ngô Tất Tố rằng: ‘Núi sông bờ cõi đã chia mà phong tục Bắc Nam cũng khác\’. Ý của Nguyễn Trãi là Phương Bắc không thể quyết định văn hóa cho Phương Nam được vì hai miền khác nhau. Bây giờ Trung Quốc lại tái diễn thì câu trả lời lại vẫn là như thế.”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho rằng để xảy ra tình trạng này là do các cơ quan văn hóa của Việt Nam chưa sát sao trong việc nắm bắt các thông tin cũng như chưa có chỉ đạo có tính chất quyết định để chống lại sự xâm lăng văn hóa đến từ phía Trung Quốc ngày một mạnh hơn.
RFA