Chuly sưu tầm
Tạ ơn đời, tạ ơn nhau
Thứ Tư, 23 tháng Mười Một năm 2016 1
Tác Giả: Bính Huyền
Biết ơn là một ngôn ngữ chung của của nhân loại, là tiếng nói thiết tha của tâm hồn…
Bây giờ là tháng 11. Chiều chưa đến mà trời đã tối thật là nhanh. Cái lạnh ở đâu ùa về, giá rét. Mùa này nhiều nơi còn bão rớt trên quê hương chúng ta. Tại Hoa Kỳ, lễ Thanks Giving đã đến, mang đến một chút gì một niềm vui ấm áp, một chút gì bâng khuâng xao xuyến vì ngày lễ đáng yêu này.
Từ hàng trăm năm nay, người dân Hoa Kỳ có một đời sống tiện nghi nhất, kỹ thuật nhất, an cư nhất trên tòan thế giới. Cho dù nền kinh tế vẫn còn khủng hoảng, nhưng đời sống người dân không đến nỗi xáo trộn. Hàng năm, cả nước đều đón mừng lễ Tạ Ơn. Trường học, học sinh được nghỉ. Những ngôi giáo đường vang khúc nhạc Tạ Ơn. Mối liên hệ giữa lễ Tạ Ơn truyền thống với sự cân bằng đời sống xã hội, với sự phồn thịnh về văn hóa…. đã đóng góp rất nhiều trong mối tương quan giữa Tạo hóa và vạn vật, và giữa muôn loài nữa. Tinh thần ấy hướng dẫn sự phát triển thuận chiều của đất trời.
Có phải chăng tâm tình Tạ ơn tạo nên một chuỗi phản ứng, biến hóa những gì chung quanh ta, biến hóa nhân loại thăng tiến, như phép mầu nhiệm của chiếc đũa thần… Người ta có thể hiểu lầm nhau ở nhiều điều, nhưng người ta không thể hiểu lầm nhau ở tấm lòng biết ơn. Biết ơn là một ngôn ngữ chung của nhân loại, là tiếng nói thiết tha của tâm hồn. Lễ Tạ Ơn là một trong những ngày lễ được mọi người hân hoan chào đón. Là những ngày đoàn tụ gia đình. Dù ở nơi xa, ai cũng mong ước và thu xếp trở về mái ấm gia đình, hưởng những giờ phút đầm ấm yêu thương. Đây cũng là dịp người ta tạ ơn đời, tạ ơn nhau. Lễ Tạ Ơn là dịp mà hơn lúc nào hết, chúng ta bày tỏ sự yêu thương, chia sẻ, gần gũi bên nhau.
Chúng ta cùng đọc bài thơ của Đặng Lệ Khánh, một người phụ nữ gốc Huế rất tài hoa:
Tạ ơn ta còn dài mái tóc
Đêm đêm nằm phủ mặt giữ hương
Tạ ơn ta còn xanh đôi mắt
Nhìn cuộc đời qua rất dễ thương
Tạ ơn ta còn nghe tiếng gió
Gõ đùa chơi qua chiếc phong linh
Nghe như nhạc Thánh ca đâu đó
Tạ ơn ta tình yêu đầy ắp
Chảy trên từng dòng chữ đam mê
Bơi trong mộng khói sương ngây ngất
Quấn quýt theo một dáng ai về
Tạ ơn ta đôi mi chợt ướt
Một sáng nào thức giấc nhìn trời
Bên kia núi có ai thổn thức
Mà mưa hồng gợi nhớ không thôi
Sống trên đời, chẳng ai tồn tại được một mình, cho nên, mang ơn, tự nó là một tình cảm cao quý. Cuộc chiến tranh trên đất nước chúng ta kéo dài từ 1/3 thế kỷ, chấm dứt bằng biến cố 1975. Rồi sau đó là những năm tháng tù đày, những chuyến băng rừng, vượt biển. Có thể nói phân nửa dân tộc chúng ta còn sống đến hôm nay như những kẻ may mắn sống sót. Nhưng cũng phải trải qua bao nhiêu tóc tang tủi nhục. May mắn thay, có không biết bao nhiêu những bàn tay cứu giúp cưu mang đã chìa ra cho chúng ta nắm lấy, khắp bốn phương trời phiêu bạt.
Đất nước hòa bình rồi. Thế nhưng…
Có bao nhiêu người vợ, hai mươi, ba mươi tuổi vào năm 1975 đã trở thành góa phụ? Bao nhiêu những đứa trẻ đã trở thành những đứa con côi ngay từ lúc sơ sinh? Bao nhiêu người nay đã là cha, là mẹ, nhưng lại không hề biết hay không còn nhớ nổi gương mặt cha hay gương mặt mẹ của mình? Ôi, có thể nào lại có một đất nước mà mọi người đều sợ hãi bỏ chạy như đất nước chúng ta? Một đất nước mà ai trốn thoát ra khỏi đều coi như điều may mắn? Một quốc gia mà “nửa này đã cố giết một nửa kia để lập chiến công” như một câu thơ mà người ta đã đọc được trên vách một nhà tù? Một đất nước mà người ta ở không được, đi không được. Như vậy thì phải làm sao đây?
Hãy nghe tâm sự của nhà thơ Nguyễn Đình Toàn:
“Tôi đã cố bám lấy đất nước tôi
Bằng sức người vô hạn
Bằng sức người đầu đội trăm tấn bom
Tim mang nghìn dấu đạn
Tôi đã đổ mồ hôi, đổ máu tươi để mong ở lại đây.
Nhưng… Đất đã đỏ vì bị nung bằng những lời dối trá
Người bám vào, lửa đã đốt cháy tay
Lửa hơn căm, lửa hiểm thâm
Lửa khốn cùng cay đắng
Người lừa nhau
Trời đất còn bưng mặt thảm thương.”
Vâng, 100 năm nô lệ. Rồi trận đói năm Ất Dậu. Và lụt lội không năm nào buông tha. Rồi chiến tranh, chiến tranh… kéo dài không ngừng, dân tộc ta có lúc tưởng chừng như kiệt sức. Trong hoàn cảnh đau thương, nghiệt ngã như thế, nhưng chúng ta vẫn phải mang ơn. Mang ơn đời. Mang ơn người. Chúng ta bị xua đuổi, phải chạy trốn, nên phải mang ơn những người đã cưu mang chúng ta. Bên cạnh những người chết, chúng ta mang ơn Thượng Đế, vì chúng ta còn. Vâng, chúng ta còn, nên vẫn còn hy vọng. Hy vọng một ngày quê hương chúng ta sẽ thoát khỏi cơn mê muội. Hy vọng rồi sẽ có lúc “người nhìn ra người” và biết thương yêu nhau với tất cả tấm lòng…
Trong niềm hy vọng ấy, chúng ta dâng một lời cầu nguyện:
“Nơi đầu ngửng cao không sợ hãi
Nơi hiểu biết được tự do phát triển
Nơi đời sống không bị phân chia bởi những thành kiến cổ hủ, hẹp hòi Nơi tiếng nói xuất phát từ sự thật, sâu xa
Nơi mọi nỗ lực không ngừng vươn tìm tuyệt đối
Nơi suối lý trí trong suốt tuôn chảy không bị lạc vào sa mạc hoang vu của tập quán khô cằn
Trong thiên đường tự do ấy
Thượng Đế hỡi
Xin hãy cho quê hương chúng tôi thức tỉnh” (Khuyết danh)
Trong cuộc sống bận rộn ở Hoa Kỳ, ai cũng phải tất bật hối hả lao vào cái vòng quay rất nhanh và rất mạnh của đời sống vật chất. Đến nỗi có nhiều khi người ta quên đi đời sống tinh thần.
Cho nên nhân mùa lễ Thanks Giving, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta hãy dành một khoảng thời gian, ngồi một mình, nhìn lại quãng đời đã qua. Chúng ta đã cho đi và nhận lại những gì? Hãy nói với nhau những lời yêu thương, hãy trao cho nhau những ánh mắt thiện cảm. Hãy dành cho nhau một chút thời gian để cảm nhận được cái sự may mắn nhất mà chúng ta có được trong cuộc sống hôm nay. Nhỏ bé thôi nhưng thật gần gũi, ấm áp.
Và cũng nhớ dành vài phút hít thở không khí trong lành buổi sớm mai, ngắm ánh nắng vàng lấp lánh trên những ngọn cỏ còn ướt đẫm sương mai hay ngắm một nụ hoa vừa hé nở nơi góc vườn hay cùng nghe lại một khúc tình ca trong kỷ niệm.
Thanksgiving xôn xao niềm tin cùng niềm vui mới. Mỗi người chung một niềm vui, một lời chúc tụng… Chúng ta gửi đến nhau trong tình thương yêu chia sẻ, chẳng hạn cho một người thương yêu nhất dù không gian có cách xa nhưng lúc nào cũng nhớ nhau từng phút lại từng giây…
Xin cảm ơn mái ấm gia đình, cảm ơn cha mẹ, cảm ơn tiếng cười trong trẻo, giọng nói líu lo của những đứa con yêu. Cảm ơn những giờ phút vui tươi bằng hữu, cảm ơn những thương yêu săn sóc, an ủi và ngay cả những đồng cảm nhớ nhung của một người dành cho một người. Xin cảm ơn đời, cảm ơn người yêu dấu đã cho ta tình yêu thương ngọt ngào, êm dịu ngát hương…
“Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh
Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều
Núi gần quá, sóng và em gần quá
Anh còn lời để tỏ một tình yêu”
Đâu cứ phải là đôi lứa yêu nhau mới cám ơn nhau?
Biết ơn là một ngôn ngữ toàn cầu, là điệu nhạc, ý thơ, là sự rung động của tâm hồn. Lời thơ và điệu nhạc biết ơn ấy tuyệt diệu lắm vì nó có thể xuyên qua mọi thứ cản trở của trần thế, bay lên cao tràn ngập khắp không gian.
Chúc các bạn mùa lễ Tạ Ơn hạnh phúc!