Quyết định xóa bỏ “viên chức suốt đời”, bộ máy công quyền có tốt hơn?

Quyết định xóa bỏ “viên chức suốt đời”, bộ máy công quyền có tốt hơn?

\"\"
Hình ảnh cuộc họp Quốc hội.

Quốc hội Việt Nam hôm 25/11 vừa thông qua nội dung luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, loại bỏ các hợp đồng không thời hạn đối với các viên chức công chức, điều này đồng nghĩa với việc xóa bỏ hình thức “viên chức suốt đời”. Luật sửa đổi mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Bước tiến đáng mừng

Quy định này chỉ áp dụng đối với viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 quy định chỉ ký hợp đồng có thời hạn là 12 đến 60 tháng với viên chức. Những viên chức được tuyển dụng trước đó cơ bản không có sự thay đổi nào về chế độ hợp đồng làm việc so với hiện hành.

Trong một lần trả lời phỏng vấn với RFA vào ngày 17/4/2019 đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho biết việc xóa bỏ viên chức suốt đời là một xu thế phù hợp để nâng cao trách nhiệm của công chức viên chức khi còn đương nhiệm và rõ ràng nó không tạo sự an toàn cho bất kỳ ai.

“Tôi nhớ cách đây không lâu, khi khai lý lịch công chức thì có phần quá trình hoạt động cách mạng. Như vậy làm công chức không hoàn toàn là công việc của người làm công ăn lương trong bộ máy nhà nước. Có lẽ vì thế nó dẫn đến tình trạng cứ vào được biên chế coi như yên tâm, cứ chờ thăng tiến, trừ những trường hợp vướng sai lầm lớn mới bị kỷ luật. Nên đã tạo ra đội ngũ công chức mà sức ì rất lớn, sức phấn đấu không có, năng suất thấp. Nên người ta thấy điều này cần phải thay đổi trong luật.”

Nhận định về quyết định của Quốc hội, luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam cho rằng:

“Việc không để công chức suốt đời thì điều nay lúc thời tôi còn làm việc khoảng gần 20 năm gì đó cũng đã được đưa ra bàn và đó là một quyết định rất là đúng và nhiều nước tiên tiến họ cũng đã làm như vậy. Không phải phấn đấu để được vào làm công chức viên chức để hưởng đặc thù viên chức suốt đời, muốn đuổi một người cũng rất khó, giảm biên chế cũng không hề dễ dàng, nó vướng mắc đủ thứ chuyện nên giờ chuyển sang hợp đồng thì tôi cho đó là một quyết định tiến bộ phù hợp với xu thế chung cũng như thanh lọc được bộ máy tốt hơn.”

Ngoài ra, luật sư Trần Quốc Thuận còn cho biết thêm lý do vì sao luật sửa đổi này được loại trừ đối với các khu vực vùng sâu vùng xa chứ không áp dụng cho mọi miền đất nước. Nguyên nhân vì những khu vực đó rất khó tuyển dụng được người nên khi đã tuyển dụng được phải giữ chân họ tại những vùng đó nên nếu họ chuyển sang vùng khác là phải thay đổi lại hợp đồng có thời hạn.

Tiến sĩ, bác sĩ Đinh Đức Long, một đảng viên cộng sản đã từ bỏ đảng và là một nhà bất đồng chính kiến có nhận định rằng, quyết định của Quốc hội là một điều tốt và là điều đáng mừng vì nó tăng được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, chứ không còn dựa dẫm như bao lâu nay.

“Tại vì ví dụ họ khoáng biên chế một số đơn vị chỉ được một số người nhất định thì buộc họ phải cạnh tranh thôi, họ muốn hoàn thành nhiệm vụ buộc họ phải tuyển những người có năng lực đủ phẩm chất để làm việc không thì sẽ bị loại, trước kia thì không thể loại được mặc dù lương ít nhưng được suốt đời, họ không cần làm gì cả thậm chí còn phá hoại, điều này tốt nhưng thực tế nó như thế nào thì cần phải chờ xem nhưng cho cùng đường đi vậy là đúng, quá trình này không thể đảo ngược mà nó chỉ có tốt lên mà thôi.”

Theo số liệu thống kê của ngân hàng nhà nước đăng trên Zing.vn cho thấy cả nước có khoảng 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách, trong đó có khoảng 2,8 triệu người thuộc công chức viên chức nhà nước. Chỉ riêng tiền lương chi trả cho công chức hiện nay tại Việt Nam đã chiếm tới 50% chi thường xuyên của ngân hàng nhà nước, tương đương hơn 400.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tuy nhiên, có một ý kiến khác lại cho rằng tiến trình này cũng chỉ là mục đích nhằm giải tỏa những áp lực lên người dân, an lòng dân thôi. Nhạc sĩ Lê Thiệu hiện sống tại Sài Gòn khẳng định:

“Việc này còn lâu lắm họ cũng chỉ đưa ra như thế thôi nên để áp dụng theo như họ nói là cả một vấn đề nan giải vì hình thức xã hội chủ nghĩa thể chế đã như vậy từ bao lâu nay rồi, nó còn mơ hồ lắm nó sẽ cứ kéo dài kéo dài ra 2 năm chưa thấy, 5 năm rồi 7 năm sau cũng vẫn vậy. Nên họ ra như vậy cũng chỉ mục đích an lòng dân mà nếu dùng từ theo giới quan sát họ hay dùng là mị dân. Ví dụ như HK có nhiều biến động lớn và phe dân chủ HK thắng lớn nên nó cũng ảnh hưởng chế độ này họ lo ngại nên họ tìm biện pháp để xoa dịu dư luận vì trong xã hội VN họ cũng đang ủng hộ HK nhiều nên ảnh hưởng đến cục diện tại VN nên họ mới thông qua như thế để xoa dịu lòng dân thôi.”

Thực thi sẽ còn nhiều khó khăn

Ngoài ra, nhạc sĩ Thiệu còn nói thêm rằng khi đã có luật chắc chắn nhà nước sẽ thực thi điều luật đó nhưng cách làm như thế nào thì không chắc và không ai biết được hiệu quả thực tế ra sao.

“Ví dụ người dân bình thường xin vào công chức nhà nước thì họ tuân theo luật đó, chứ còn con ông cháu cha thì họ cứ âm thầm làm thôi đâu có ai biết được đâu, họ đưa vô biên chế mọi thứ nên thật lòng là không tin tưởng được và đó cũng chỉ là một hình thức để mở rộng xã hội ra thôi, như cho phép thành lập công đoàn độc lập nhưng chưa chắc họ cho thực hiện.”Nguyễn Bá Cảnh (trái), Nguyễn Xuân Anh (giữa) và Lê Phước Hoài Bảo (trái). RFA Edited

\"\"
Nguyễn Bá Cảnh (trái), Nguyễn Xuân Anh (giữa) và Lê Phước Hoài Bảo (trái). RFA Edited

Trong thời gian qua dư luận và báo chí quan tâm nhiều đến những trường hợp con ông cháu cha, người thân quen biết được nâng đỡ vào công tác trong các cơ quan công quyền. Phần nhiều là con của các lãnh đạo cấp cao được đề bạt lên cấp cao nhưng sau đó bị kỷ luật vì những sai phạm trong thời gian đảm nhiệm chức vụ.

Một số vụ nổi bật thời gian gần đây là vụ ông Lê Phước Thanh nguyên bí thư tỉnh ủy Quảng Nam, bị xử lý kỷ luật cách chức bí thư tỉnh ủy vì đã có biểu hiện ưu ái, điều động, quyết định bổ nhiệm con trai là ông Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ trưởng phòng ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai, làm giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư nhưng không đủ tiêu chuẩn. Ông Lê Phước Hoài Bảo sau đó đã không còn nắm các chức vụ này.

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp “con ông cháu cha” được nâng đỡ như trường hợp của ông Nguyễn Xuân Anh con trai cựu ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi từ năm 2006-2016. Ông Anh đã từ chức Trưởng ban Quốc tế của báo Thanh Niên lên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Mới đây nhất là ông Nguyễn Bá Cảnh con trai cố bí thư thành ủy Đà Nẵng, trưởng ban nội chính trung ương ông Nguyễn Bá Thanh, cũng được nâng đỡ bổ nhiệm nắm những vị trí quan trọng của thành phố như Thành uỷ viên, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, Phó trưởng Ban thường trực Ban Dân vận Thành uỷ. Cả hai trường hợp này sau đó đều bị kỷ luật đảng và thôi chức.

Bác sĩ Đinh Đức Long cũng thừa nhận với chúng tôi rằng, việc con ông cháu cha là chuyện lúc nào cũng có nhưng một khi đã ban hành luật rồi thì người ta sẽ có đủ cơ sở pháp lý để xử lý những trường hợp không hiệu quả.

“…ngay cả con ông cháu cha chẳng hạn trước khi không thể loại được nhưng có luật thì dựa vào thực tế, chứ trước kia loại là đụng chạm ngay nên bây giờ nó rõ ràng hơn. Còn đối với những người vào làm trước đây rồi thì người ta cũng sẽ có cách này cách khác thuyên chuyển vào các vị trí không quan trọng, nếu không có năng lực thì giao cho mấy việc khác thậm chí còn động viên nghỉ sớm, cho lương một cục chẳng hạn nên họ nhiều cách xử lý lắm nhưng một khi có luật rồi thì nó sẽ minh bạch hơn”

Bác sĩ Long khẳng định việc loại bỏ “viên chức suốt đời” đã cho thấy từng bước chính phủ đã dần hội nhập với xu hướng chung của thế giới và điều này chắc chắn chỉ có tốt hơn chứ không thể đảo ngược.

RFA

Bài Khác

Leave a Comment