Thể thao: Nga sẽ bị cấm 4 năm liền trên đấu trường thế giới?
Trọng Nghĩa Đăng ngày 27-11-2019
Biển hiệu của Cơ Quan Chống Doping Nga Rusada. Ảnh minh họaREUTERS/Maxim Shemetov/File Photo
Ba tựa lớn trang nhất về khí hậu trên Le Monde, Les Echos và Libération, hai tít chính về tổn thất nặng nề của lực lượng Pháp tại Mali trên Le Figaro và La Croix, hiếm khi mà báo chí Pháp lại gần như nhất trí với nhau như vào hôm nay 27/11/2019 về các đề tài quan trọng cần nhấn mạnh. Bên cạnh đó, giới quan tâm đến thể thao không thể không chú ý đến khả năng trong 4 năm tới đây, đấu trường thế giới sẽ vắng bóng cường quốc thể thao hàng đầu là Nga, bị cấm thi đấu vì cố tình che giấu tệ nạn doping.
Về số phận thể thao của Nga, trong khi báo Le Figaro cho rằng “Nga có nguy cơ bị cấm vận thể thao”, báo Le Monde chạy tựa: “Nga dưới đe dọa bị cấm tham gia các cuộc thi đấu quốc tế trong 4 năm” vì vấn đề doping, tức là sử dụng thuốc kích thích. Theo tờ báo, CRC, một ủy ban độc lập đặc trách đánh giá việc tuân thủ thuộc Cơ Quan Thế Giới Chống Doping (WADA/AMA) đã đề xuất trục xuất Nga ra khỏi các trận thi đấu quốc tế, trong đó các các kỳ Thế Vận Hội.
Đề nghị cấm Nga tham gia Thế vận hội Tokyo và Bắc Kinh
Điều đáng nói là tối hôm 25/11 vừa qua, Cơ Quan Thế Giới Chống Doping đã bất ngờ công bố nội dung các khuyến cáo của ủy ban “tuân thủ” nói trên, đã đòi trục xuất Nga ra khỏi hai thế vận hội Tokyo 2020 và Bắc Kinh 2022 và tất cả các giải đấu lớn của thế giới, cấm Nga tổ chức hay đăng cai tổ chức bất kỳ giải vô địch thế giới nào, kể cả những giải đã được phép tổ chức, cấm đại diện chính phủ Nga tham gia ban chấp hành các liên đoàn thể thao đã ký kết bộ Quy Tắc Chống Doping Thế Giới.
Tuy nhiên, Ủy Ban này cũng đề nghị cho phép cá nhân các vận động viên sạch tham gia thi đấu nhưng không dưới lá cờ Nga.
Các đề nghị trên sẽ được ban chấp hành Cơ Quan Thế Giới Chống Doping xem xét tại Paris vào ngày 09/12 tới đây, và nếu Nga bị trừng phạt, thì Cơ Quan Chống Doping của Nga Rusada có thể kháng cáo lên Tòa Trọng Tài Thể Thao.
Điểm lý thú được Le Monde nêu bật chính là việc chính quyền Nga đã cố tình tìm cách đánh lừa Cơ Quan Thế Giới Chống Doping nhưng đã bị phát hiện.
Dữ liệu của phòng thử nghiệm Matxcơva bị sửa đổi hay hủy bỏ
Theo tờ báo Pháp, cách đây một năm, Nga đã chấp nhận trao cho Cơ Quan Thế Giới Chống Doping các dữ liệu của phòng thử nghiêm chống doping Mátxcơva bị dính líu vào scandale doping đã khiến Nga bị trừng phạt trước đó. Nhờ đồng ý trao dữ liệu, Nga đã được hội nhập trở lại nền thể thao thế giới.
Đối với Cơ Quan Thế Giới Chống Doping, việc khai thác các dữ liệu của phòng thử nghiệm Matxcơva, trong đó có kết quả các cuộc kiểm tra gốc các vận động viên Nga trong những năm đen tối (2011-2016), có thể cho phép các liên đoàn quốc tế trừng phạt các vận động viên sử chất kích thích nhưng đã lọt lưới.
Thế nhưng, theo các chuyên gia tin học của Cơ Quan Thế Giới Chống Doping và của Đại Học Lausanne (Thụy Sĩ), các dữ liệu thông tin mà phía Nga đã trao vào tháng Giêng đã bị thao túng rất nhiều. Các luật gia của CRC, sau khi xem xét báo cáo của các chuyên gia và nghe trả lời của phía Nga, đã muốn trừng phạt điều mà họ mô tả như là “một trường hợp rất nghiêm trọng về hành vi của Mátxcơva không tuân thủ đòi hỏi cung cấp một bản sao thực thụ của các dữ liệu, với nhiều yếu tố làm vấn đề thêm nghiêm trọng”.
Theo ủy ban CRC: “Dữ liệu của Matxcơva không đầy đủ, cũng như không hoàn toàn đúng thật. Hàng trăm kết quả phân tích có dấu hiệu khác lạ, có trong bản sao dữ liệu LIMS năm 2015 (liệt kê các các kiểm tra mà phòng thử nghiệm đã tiến hành mà một người Nga đã trao lại cho AMA vào năm 2015), đã bị xóa bỏ trong bản của năm 2018, trong lúc dữ liệu gọc cũng như hồ sơ PDF đính kèm đã bị xóa bỏ hay phá hoại.”
Ngoài ra CRC cũng ghi nhận: “Đã có thêm nhiều dữ liệu bị xóa bỏ hay sửa đổi vào tháng 12 năm 2018 và tháng Giêng 2019, sau khi ban điều hành AMA buộc Nga phải giao nộp dữ liệu. Các hành vi kể trên đã được che giấu bằng cách ghi ngày trước trên các hệ thống tin học và hồ sơ đính kèm để cho người ta tin rằng là những dữ liệu của phòng thử nghiệm Matxcơva vẫn còn nguyên như vậy từ năm 2015.”
Cơ quan CRC cũng tố cáo Nga đưa thêm vào cơ sở dữ liệu những yếu tố chứng cứ để cho người ta tin rằng có âm mưu của bác sĩ Grigory Rodchenkov, cựu giám đốc phòng thử nghiệm Matxcơva, đã tỵ nạn ở Mỹ sau khi ông tiết lộ chính những gian lận của ông, điều đã vạch trần hệ thống doping của Nga.
Tuy nhiên, cơ quan chống doping của Nga Rusada thì lại không bị quở trách, mà việc làm còn được đánh giá là “hữu hiệu, kể cả liên quan đến các cuộc điều tra ở Nga”. Cho nên CRC khuyến cáo là không nên đặt Rusada dưới sự giám sát đặc biệt nào trong thời hạn 4 năm, nhưng và nhấn mạnh là sự tôn trọng tính độc lập của Rusada là một điều kiện để Nga hội nhập trở lại nền thể thao thế giới sau 4 năm bị phạt.