\”Địa ngục\” trần gian: suối địa nhiệt Dallol tại Ethiopia.
Thứ Bảy, 30 Tháng Mười Một 201911:00 CH
\”Nơi nào có nước, nơi đó có sự sống\” – quan niệm này từ lâu đã là kim chỉ Nam dành cho các nhà khoa học khi đi tìm dấu vết của sự sống. Như khi tìm sự sống trên các hành tinh khác, điều đầu tiên chúng ta nhắm đến cũng là \”liệu ở đó có nước lỏng hay không\”?
Tuy nhiên, không phải ai cũng tin vào quan niệm này. Một số nhà khoa học tin rằng dù đúng nước là điều quan trọng để duy trì sự sống, nhưng không có nghĩa điều ngược lại cũng đúng. Và để chứng minh, họ quyết định đến một nơi được xem là khắc nghiệt và kinh khủng nhất trên Trái đất: suối địa nhiệt Dallol tại Ethiopia.
Chỉ nhìn cũng cảm thấy \”địa ngục\”
Nhìn qua, Dallol là một thế giới toàn nước rất huyền ảo, với dòng nước bao phủ bởi các màu lục, cam, nâu và vàng hết sức rực rỡ. Nhưng đó là \”địa ngục nước\” thì đúng hơn, vì nó cực mặn, lại nóng bậc nhất thế giới, và nồng độ acid trong đó thì cao khủng khiếp.
Nhìn xa, Dallol thực sự rất đẹp, nhưng chẳng ai dám đến quá gần. Nước suối nóng bão hòa muối và khí gas cực kỳ độc hại, bên dưới lại có ngọn núi lửa đang âm ỉ hoạt động. Và cũng bởi môi trường cực kỳ khắc nghiệt mà khu vực này từ lâu đã khiến giới khoa học cực kỳ lưu tâm.
Năm 2016, đã có một nghiên cứu được tiến hành để tìm ra liệu ở nơi địa ngực như vậy có thể tồn tại sự sống hay không. \”Một nơi đẹp nhưng khắc nghiệt… hơi nước chứa chlorine bốc lên khiến không khí như bừng cháy,\” – Felipe Gómez từ Trung tâm thiên văn sinh học Tây Ban Nha, trưởng nhóm nghiên cứu khi ấy chia sẻ.
\”Bất kỳ sinh vật nào sống được ở đây sẽ là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với khoa học.\”
Kết quả của nghiên cứu được đưa ra hồi tháng 6/2019, khi giới chuyên gia cho rằng họ đã tìm ra bằng chứng cho thấy có sinh vật sống được tại dòng suối này. Đó là các vi sinh vật siêu nhỏ, có kích cỡ chỉ vài nanomet mà thôi.
Tuy nhiên mới đây, lại có một nghiên cứu mới bác bỏ kết quả trên, do ĐH Paris-Sud (Pháp) thực hiện. \”Chúng tôi bác bỏ tuyên bố có sự sống tại dòng suối thủy nhiệt Dallol,\” – Jodie Belilla, nhà vi sinh vật học chia sẻ. Belilla đã từng đưa ra tuyên bố này từ tháng 6, vào thời điểm nghiên cứu trên được công bố.
\”Liệu có thể tồn tại sự sống ở nơi cực mặn và có độ acid cực cao như Dallol?\” – Belilla đặt câu hỏi. \”Chúng tôi cho rằng không thể, dựa trên các công nghệ phân tích phân tử thế hệ mới, mặc dù tìm ra khá nhiều dấu vết của con người để lại đây.\”
Có thể chính loài người đã mang vi khuẩn đến cho Dallol
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một số phương pháp phân tích để xét nghiệm các mẫu vật từ 4 khu vực thuộc các dòng suối của Dallo, vốn thu được từ 3 chuyến thám hiểm trong giai đoạn 2016 – 2018. Dù có tìm ra một số mẫu gene và dấu hiệu của vi khuẩn, nhưng nguồn gốc của các mẫu này thì lại rất đáng ngờ.
\”Hầu hết những dấu hiệu này là các phân tử sinh học phổ biến có trong phòng thí nghiệm. Một số khác thì là vi khuẩn do con người mang đến đây.\”
Theo nhóm nghiên cứu, kết quả của họ chỉ ra rằng Dallol và các hồ nước trong khu vực không có dấu hiệu cho thấy sự tồn tại của vi khuẩn tự nhiên.
\”Chúng tôi xác định được 2 rào cản vật lý và hóa học có thể ngăn cản sự sống tồn tại ở nơi có nước lỏng trên Trái đất. Có thể đây chính là thứ bác bỏ được giả thuyết \”nơi nào có nước, nơi ấy có sự sống\” đang rất phổ biến hiện nay,\” – nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Rào cản đầu tiên là nước muối với nồng độ magie cao, khiến tế bào bị phá hủy. Thứ hai là nồng độ acid – muối cực cao ở đây có vẻ cũng là giới hạn để sinh vật vượt qua và phát triển được.
Dĩ nhiên, rất có thể chúng ta chỉ chưa tìm ra bằng chứng về sự sống ở suối Dallol, nghĩa là chưa thể khẳng định Dallol không có sự sống. Nhưng ở thời điểm hiện tại, Belilla và nhiều chuyên gia khác tin rằng Dallol chính là nơi có môi trường kinh khủng nhất Trái đất, không cho phép sinh vật nào tồn tại ở đây.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Ecology & Evolution.
Tham khảo: Science Alert