Điểm nóng’ buôn người Việt Nam kiếm ‘hàng chục tỉ đôla mỗi năm’

Điểm nóng’ buôn người Việt Nam kiếm ‘hàng chục tỉ đôla mỗi năm’

03/12/2019


\"Người
Người dân đưa tiễn linh cữu Hoàng Văn Tiếp và Nguyễn Văn Hùng, 2 trong số 39 nạn nhân chết ở Anh, ra nghĩa trang tại quê nhà ở Nghệ An vào ngày 28/11/2019.

Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.

Báo cáo tại một hội nghị hôm 29/11 về công tác hỗ trợ nạn nhân buôn người trở về, Thượng tác Lê Văn Nhãn – phó trưởng phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán bán người của Cục Cảnh sát Hình sự – được báo chí Việt Nam dẫn lời nói: “Việt Nam được xem là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp tại khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong với ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người lên tới hàng chục tỉ đôla mỗi năm”.

Mặc dù vậy, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động lại không cung cấp con số cụ thể được cho là “siêu lợi nhuận” từ nạn buôn người tại Việt Nam.

Tình trạng buôn người tại Việt Nam bắt đầu thu hút sự chú ý của công luận thế giới kể từ sau khi xảy ra vụ 39 người Việt nhập cư bất hợp pháp chết trong một xe tải chở hàng đông lạnh ở Anh vào cuối tháng Mười.

Sau hơn một tháng phối hợp trong công tác điều tra và xác định danh tính nạn nhân giữa hai phía Anh-Việt, 39 thi hài và tro cốt của các nạn nhân cuối cùng đã được đưa về đến Việt Nam vào ngày 30/11.

Sau vụ việc này, một số tỉnh ở miền Nam như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng đang gặp khó khăn trong chủ trương xuất khẩu lao động vì số lượng người đăng ký tham gia giảm mạnh, kém xa chỉ tiêu đặt ra.

Trong đó, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội Cà Mau, ông Từ Hoàng Ân, thừa nhận với báo Lao Động rằng tình hình xuất khẩu lao động của tỉnh đang “gặp khó” sau vụ 39 người chết. Cho đến thời điểm hiện tại, tỉnh này mới chỉ có 250 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong khi chỉ tiêu đặt ra cho năm 2019 là 400 người.

\"Một
Một tấm biển tuyên truyền cho chương trình xuất khẩu lao động của Việt Nam.


Tình trạng thiếu hụt số lượng người tham gia xuất khẩu lao động đang khiến cho các tỉnh trên phải “đẩy mạnh tuyên truyền” và đưa ra các chính sách hỗ trợ vay vốn, bảo hiểm… để khuyến khích người dân đi lao động ở nước ngoài.

Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng chống tệ nạn xã hội thuộc Bộ Lao động, cho biết tại hội nghị rằng trong vòng 6 năm qua, Việt Nam đã có 3.476 người là nạn nhân của các vụ mua bán người.

Các nạn nhân buôn người thường là phụ nữ và trẻ em ở vùng nông thôn, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và trình độ học vấn kém, theo Bộ Công an.

Kết bạn, môi giới hôn nhân, cò mồi đưa ra nước ngoài lao động… là “những thủ đoạn” quen thuộc mà những kẻ buôn người sử dụng để đưa các nạn nhân vào đường dây buôn người.

“Một trong những thủ đoạn của bọn mua bán người là giả danh cán bộ công an, bộ đội biên phòng để gọi điện tán tỉnh, làm quen với nạn nhân, giả vờ yêu, hứa hẹn tổ chức đám cưới rồi hẹn hò, rủ đi chơi, từ đó khống chế, đe doạ và đem bán ra nước ngoài”, báo Pháp Luật dẫn lời Thượng tá Lê Văn Nhãn cho biết thêm tại hội nghị.

Ngoài ra, theo ghi nhận của Bộ Công an, Việt Nam đã phá được một đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia đã mua bán thận của hàng trăm nạn nhân trong khoảng thời gian từ năm 2017 – 2019, thu lợi hàng chục tỉ đồng, và một số đường dây môi giới, mua bán phụ nữ sang Trung Quốc đẻ thuê với giá 400 – 500 triệu đồng.

Bài Liên Quan

Leave a Comment