Irak : Thủ tướng từ chức, làn sóng phản kháng vẫn chưa chấm dứt

Irak : Thủ tướng từ chức, làn sóng phản kháng vẫn chưa chấm dứt

Minh Anh Đăng ngày 02-12-2019 

\"media\"/

Thủ tướng Irak, ông Adel Abdel Mahdi, tại Bagdad ngày 23/10/2019.REUTERS/Khalid al-Mousily/File Photo

Ngày 01/12/2019, Nghị Viện Irak chấp thuận đơn từ chức của thủ tướng Adel Abdel Madhi, bị người dân cáo buộc là « thân Iran ». Tuy nhiên, theo quan sát của giới chuyên gia, quyết định từ chức của ông Madhi chưa thể làm chấm dứt làn sóng phản đối của người dân.

« Adel Abdel Madhi từ chức chỉ là bước khởi đầu, cần phải sa thải và xét xử tất cả những kẻ tham nhũng », đó là lời cáo buộc của một người biểu tình với hãng tin Pháp AFP. Hai tháng biểu tình, 420 người chết. Những gì người biểu tình muốn là sự ra đi của cả hệ thống do Mỹ dựng lên từ năm 2003. Một hệ thống chính trị được thiết lập trên cơ sở tín ngưỡng và sắc tộc.

Người dân Irak phản đối một hệ thống lãnh đạo quá tham nhũng. Hơn 400 tỉ euro đã bị « bốc hơi » trong vòng 16 năm, tương đương với hai lần GDP của Irak, quốc gia sản xuất dầu hỏa đứng hàng thứ hai trong khối OPEP.

Người biểu tình cũng cáo buộc chính quyền hiện nay là quá « lệ thuộc vào Iran » trên mọi lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, giáo dục cho đến cả văn hóa. Đây cũng chính là điểm nghịch lý của phong trào phản kháng. Những người xuống đường phản đối chế độ là những người có cùng hệ phái tín ngưỡng với Iran. Những gì họ phản đối không mang mầu sắc tôn giáo, đức tin mà là một hệ thống chính trị « thối nát » do chính Mỹ dựng lên nhưng lại « thân Iran », kẻ thù của Mỹ ở Trung Đông.

Giờ thì đơn từ chức của ông Adel Abdel Madhi đã được « chuẩn y ». Vậy ai có đủ năng lực áp dụng hay khai thông những đòi hỏi của người dân ? Một câu hỏi khó tìm được câu trả lời. Bởi vì, cho đến lúc này, chưa có một gương mặt tên tuổi nào trong tầng lớp chính trị Irak cho thấy có đủ khả năng để thay thế ông Madhi.

Tờ Journal du Dimanche nhận định chiếc chìa khóa giờ nằm trong tay đại giáo chủ Ali Sistani, lãnh đạo tinh thần tối cao của hệ phái Shia, và là một gương mặt tiêu biểu hiếm có trong nhãn quan người biểu tình.

Trước mắt, việc chọn người để thay thế sẽ do các chính đảng khởi động, những chính đảng đang bị những người dân căm ghét nhất. Thế nhưng, việc chọn lãnh đạo chính phủ tại Irak là một trò chơi quyền lực tinh tế giữa nhiều nhóm đảng chính trị và an ninh khác nhau. Làm thế nào có được một sự đồng thuận giữa hai nước đỡ đầu : Hoa Kỳ và Iran ? Đây không phải là phương trình dễ giải.

Và tiến trình này đòi hỏi phải mất đến nhiều tháng (tám tháng đối với chính phủ ông Madhi sau cuộc bầu cử Quốc Hội hồi tháng 5/2018). Trong giai đoạn này, không một cải cách chính trị quan trọng nào sẽ được thông qua (dự luật bầu cử, thành lập một ủy ban bầu cử mới, tiến hành bầu cử…).

Chỉ có điều giai đoạn bất ổn chính trị này rất có nguy cơ nhấn chìm đất nước trong những làn sóng bạo động khác.

Bài Liên Quan

Leave a Comment