Những Giờ Cuối Tại Quảng Trị Của Sư Đoàn 3 Bộ Binh & Các Đơn Vị Tăng Phái
Thứ Sáu, 29 Tháng Mười Một 2019
* Từ kế hoạch của chuẩn tướng Vũ Văn Giai đến quân lệnh của trung tướng Hoàng Xuân Lãm:
Như đã trình bày trong số trước, ngày 30 tháng 4/1972, trước áp lực quá nặng của Cộng quân, để bảo toàn lực lượng, chuẩn tướng Vũ Văn Giai, tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh kiêm tư lệnh chiến trường Quảng Trị, đã cho lệnh các đơn vị đang phòng ngự ở phía Bắc sông Thạch Hãn rút về bờ Nam để tái phối trí lực lượng cố thủ phòng tuyến thị xã Quảng Trị. Theo kế hoạch, lữ đoàn 147 TQLC rút khỏi căn cứ Ái Tử (cách thị xã Quảng Trị khoảng 5 km đường chim bay) vào trưa ngày 30 tháng 4/1972; các đơn vị khác sẽ di chuyển vào ngày hôm sau. Khi nhận được báo cáo của tướng Giai về kế hoạch triệt thoái lực lượng khỏi phía Bắc Thạch Hãn để về tập trung ở phía Nam, trung tướng Hoàng Xuân Lãm-tư lệnh Quân đoàn 1 & Quân khu 1- lặng thinh đồng ý.
Sáng ngày 1 tháng 5/1972, trong khi các đơn vị đang khai triển kế hoạch tái phối trí lực lượng của tướng Giai, thì trung tướng Lãm dùng hệ thống đường giây đặc biệt gọi cho vị tư lệnh Sư đoàn 3 BB và nhấn mệnh rằng ông không chấp thuận kế hoạch của tướng Giai. Vị tư lệnh Quân đoàn 1 ra lệnh cho tướng Giai giữ nguyên sự phối trí cũ, theo đó, tất các đơn vị tiếp tục phòng thủ tại ví trí hiện tại và tử thủ với bất cứ giá nào. Tướng Lãm cũng nói với tướng Giai là không có một đơn vị nào được quyền tự động triệt thoái trừ khi tư lệnh Quân đoàn đích thân cho phép. Từ khi tướng Lãm nhận báo cáo của tướng Giai cho đến khi ra ông lệnh cho tư lệnh Sư đoàn 3 BB hủy bỏ kế hoạch triệt thoái, vỏn vẹn có 11 giờ. Theo lời của cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng thì sự hồi lệnh của tướng Lãm chỉ là sự lập lại các chỉ thị của Tổng thống mà vị tư lệnh Quân đoàn 1 vừa nhận được từ Sài Gòn, chính sự hồi lệnh này đã khiến cho tướng Giai bối rối. Ghi lại sự kiện này trong tài liệu viết cho Ủy ban Quân sử Hoa Kỳ, cựu trung tướng Trưởng đã phân tích như sau:
Chỉ dễ dàng bốc điện thoại và thu hồi quân lệnh đã ban ra. Nhưng trên chiến trường và dưới các áp lực nặng của địch quân, những quân lệnh đối chọi nhau này đã không tránh được hậu quả khủng khiếp do sự hoang mang của quân sĩ và sự hỗn loạn của đội hình.
Tướng Giai đã không đủ thời gian cần có để thu hồi các quân lệnh của mình và cùng lúc đó quân lệnh mới được phổ biến cho mỗi cấp chỉ huy trực thuộc qua hàng loạt cuộc điện đàm qua máy truyền tin. Hơn thế nữa, các sĩ quan chỉ huy lữ đoàn, trung đoàn cũng đang ở tại những vị trí không thuận lợi cho việc truyền đạt các quân lệnh. Một vài đơn vị trưởng báo cáo là đơn vị của họ đã di chuyển đến vị trí mới theo kế hoạch của tướng Giai phổ biến trong ngày 30 tháng 4/1972, một vài cấp chỉ huy lỗ mãng khước từ các sự thay đổi theo quân lệnh mới khi cuộc chuyển quân của đơn vị họ đã khởi động. Trong hoàn cảnh như thế, tướng Giai kiên trì thuyết phục các sĩ quan chỉ huy các đơn vị tăng phái nên tuân theo các quân lệnh mới từ bộ tư lệnh Quân đoàn 1. Ông nhắc lại quân lệnh mới của trung tướng Lãm và nhấn mạnh rằng các đơn vị bắt buộc phải tuân hành đúng.
Tướng Giai cũng hủy bỏ quân lệnh cũ về việc di chuyển bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 BB và giữ tất cả các thành phần tham mưu và thành phần bảo vệ bộ tư lệnh tiếp tục ở lại Cổ Thành.
Về các sự việc diễn ra trong buổi sáng ngày 1 tháng 5/1972, theo tài liệu của cựu trung tá Trần Văn Hiển-nguyên trưởng phòng 3 Bộ Tư lệnh Sư đoàn Thủy quân Lục chiến, có 1 chi tiết đặc biệt như sau: Sáng ngày 1 tháng 5, bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 thông báo cho các đơn vị trú phòng nguồn tin 5 giờ chiều địch sẽ pháo trên 10 ngàn đạn pháo binh và hỏa tiễn vào thị xã Quảng Trị và cho lệnh lui quân khỏi thành phố. Chi tiết này không ghi rõ là quân lệnh đó ban ra trước hay sau khi có quân lệnh của trung tướng Hoàng Xuân Lãm – tư lệnh Quân đoàn 1. Theo lời một số sĩ quan trung tâm Hành quân Sư đoàn 3 Bộ binh kể lại với chúng tôi, thì lệnh đó nhằm báo động cho các đơn vị chuẩn bị tránh pháo bằng cách rút ra khỏi tuyến trung tâm trong thị xã, và tiếp tục phòng ngự ở tuyến vòng đai thị xã, chứ không phải là quân lệnh cho triệt thoái.
* Những giờ cuối cùng của bộ Tư lệnh Sư đoàn 3 BB ở Quảng Trị:
Theo lời kể của một số sĩ quan tham mưu Sư đoàn 3 BB, dù đã được tướng Giai nhắc là phải thi hành quân lệnh mới, nhiều đơn vị đã không thi hành đúng lệnh của tướng Giai. Các đơn vị cơ giới và Pháo binh từ hướng Bắc rút về khi đến cầu Quảng Trị thì khựng lại vì chiếc cầu qua sông Thạch Hãn đã được phá hủy. Bỏ lại tất cả chiến cụ, xe cộ, quân sĩ lội qua sông về hướng Nam. Nơi bờ Nam sông Thạch Hãn, các đơn vị bộ chiến cũng không dừng lại quá lâu ở tuyến phòng thủ mới. Một số đơn vị khi thấy các chi đoàn thiết giáp quay xe về hướng Nam, đã tự động rời tuyến chiến đấu để di chuyển. Tuy nhiên các chiến xa và thiết vận xa lần lượt bị cạn nhiên liệu không tiến xa được nữa, từng chiếc một bị bỏ lại dọc đường từ Quảng Trị vào đến gần Huế. Chỉ có lữ đoàn 147 Thủy quân Lục chiến, lực lượng đang chịu trách nhiệm phòng thủ thị xã, là đơn vị còn đầy đủ và duy trì được được đội hình chiến đấu và là đơn vị cuối cùng rút khỏi thành phố vào 2 giờ 30 phút.
Cũng theo ghi nhận của cựu trung tướng Ngô Quang Trưởng, trong tình hình nguy kịch và vô vọng, vị lữ đoàn trưởng lữ đoàn 147 TQLC đã phải tự quyết định cho lệnh các đơn vị rời khỏi phòng tuyến thị xã Quảng Trị, để lại sau lưng vị tư lệnh Sư đoàn 3 BB và bộ tham mưu, đơn độc trong Cổ Thành không có lực lượng phòng thủ. Cuối cùng, khi biết được những sự việc đã xảy ra, tướng Giai và một số sĩ quan tham mưu của ông mới rời Cổ Thành. Ông và các sĩ quan cộng sự đã lên ba chiếc thiết vận xa M 113 ứng chiến tại bộ tư lệnh, trong một cố gắng là đuổi kịp các đơn vị của Sư đoàn 3 BB đang trên đường triệt thoái. Tướng Giai đã từ chối đề nghị của cố vấn trưởng Sư đoàn là đợi trực thăng đến đón. Ông muốn có mặt trong đoàn quân của mình. Nhưng cố gắng của tướng Giai đã không cứu vãn được tình thế. Quốc lộ 1 tràn ngập dân chạy loạn và quân sĩ thất lạc đơn vị, trong khi đó Cộng quân pháo đuổi theo. Đi được hơn 10 km, thiết vận xa chở tướng Giai đã không thể nào vượt qua được đoàn xe và đoàn người đi trước.
Cuối cùng tướng Giai phải trở lại Cổ Thành và sau đó, vị cố vấn trưởng Sư đoàn 3 Bộ binh đã hướng dẫn trực thăng Hoa Kỳ đến bốc tướng Giai và một số sĩ quan tham mưu của vị tư lệnh này. Khi trực thăng cuối cùng cất cánh lúc 16 giờ 55 với tướng Giai và vị cố vấn trưởng Sư đoàn 3 trên tàu, ông và những người trên máy bay đã bị CSBV bắn hàng loạt đạn bằng súng tay. Trong khi đó, các toán tiền quân của CSBV đã đột nhập vào Cổ Thành và 16 giờ 56 phút, Cổ Thành và thị xã Quảng Trị đã lọt vào tay Cộng quân. Từ trên trực thăng, tướng Giai nhìn lại Cổ Thành lần cuối, nơi mà ông và bộ tham mưu Sư đoàn 3 đã trải qua gần 1 tháng chịu đựng với hàng chục ngàn quả pháo của Cộng quân. Trực thăng hạ xuống căn cứ Evans nằm dọc theo quốc lộ 1, gần địa giới Quảng Trị-Thừa Thiên. Tướng Giai đã được các sĩ quan Hoa Kỳ tại căn cứ này dàn chào theo nghi thức quân cách khi ông từ trực thăng bước xuống. Tối hôm đó, các đơn vị còn lại của Sư đoàn 3 Bộ binh đã tìm đường đến chung quanh căn cứ Evans. Với một ý chí không đầu hàng hoàn cảnh bi thảm, tướng Giai muốn tái lập bộ tham mưu và tổ chức lại các đơn vị Sư đoàn 3 Bộ binh, nhưng ông đã không còn điều kiện để thực hiện mong ước của mình: ngày hôm sau, ông đã bị giải nhiệm.
Ngày 2 tháng 5/1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã gọi trung tướng Ngô Quang Trưởng-tư lệnh Quân đoàn 4 & Quân khu 4, từ miền Tây về Dinh Độc Lập trình diện. Đến trưa, tướng Trưởng trở lại Cần Thơ, vừa về đến văn phòng, trung tướng Trưởng cho sĩ quan đi mời chuẩn tướng Hinh, tư lệnh phó, đến gặp ông. Tướng Trưởng báo tin là Tổng thống cử ông thay thế trung tướng Lãm trong chức vụ tư lệnh Quân đoàn 1. Ông đề nghị tướng Hinh cùng đi với ông và nói: chúng ta phải đi ngay trong chiều hôm nay.
Ba giờ chiều ngày 2 tháng 5/1972, một phi cơ U 12 từ Cần Thơ đưa tướng Trưởng, tướng Hinh và một số cộng sự viên mà tướng Trưởng tuyển chọn ở Quân đoàn 4 ra thẳng phi trường Phú Bài gần Huế. Từ đây, hai chiếc trực thăng đã tháo ghế ngồi và còn tanh tưởi vì các vết máu trên sàn, được điều động chở tướng Trưởng và các cộng sự viên vào trại Mang Cá-bản doanh bộ chỉ huy tiền phương Quân đoàn 1. Lễ bàn giao diễn ra rất giản dị. Tướng Hinh được tướng Trưởng chỉ định làm tham mưu trưởng bộ Tư lệnh Hành quân Quân đoàn.
Về trường hợp của chuẩn tướng Vũ Văn Giai, sau khi bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu giải nhiệm chức vụ tư lệnh Sư đoàn 3 Bộ binh, ông bị tạm giam giữ ở Đà Nẵng. Trong thời gian chờ đợi tuyển chọn vị tư lệnh mới cho Sư đoàn 3 BB, trung tướng Trưởng đã cử đại tá Ngô Văn Chung-tư lệnh phó xử lý thường vụ chức vụ tư lệnh Sư đoàn này. Bộ tư lệnh Sư đoàn tạm đóng tại Phú Bài, hai trung đoàn 56 và 57 Bộ binh tái chỉnh trang, các tiểu đoàn của hai trung đoàn lần lượt được gửi vào trung tâm huấn luyện Đống Đa để được tái huấn luyện. Nhận định về sự việc tướng Giai bị giam giữ, tân tư lệnh Quân đoàn 1 Ngô Quang Trưởng đã ghi lại như sau: chuẩn tướng Vũ Văn Giai, không còn quyền chỉ huy, đã bị tạm giữ trong ngày 5 tháng 5/1972 tại Đà Nẵng. Thật là một điều bất công, nhưng phải thi hành theo quân luật VNCH. Tướng Giai bị buộc tội về trách nhiệm cá nhân cho những thất bại của Sư đoàn 3 Bộ binh. Tôi (trung tướng Trưởng) sẽ rất vui mừng nếu có được tướng Giai trở lại chỉ huy và tái tổ chức Sư đoàn 3 BB, thế nhưng tôi đã không được quyền chọn lựa trong sự việc này.
https://vietbao.com/a76047/nhung-gio-cuoi-tai-quang-tri-cua-sd-3bb-cac-ld-tang-phaiTrướcSauIn TrangÝ kiến bạn đọcThứ Hai, 02 Tháng Mười Hai 201910:17 SABac TomKháchRất cảm ơn \”người lính già\” sư đoàn 1 bộ binh đã góp ý đính chính lỗi typo tháng 2 đúng ra là 3. Tối ngày 29 tháng 3/75 Đà Nẵng đã hoàn toàn dưới sự kiểm soát của cộng sản và có trên 100.000 Quân nhân làm tù binh (theo bản tin của BBC). Bác Tom chỉ phân tích sự kiện tướng Ngô Quang Trưởng đã phê bình và nhận định việc rút quân hỗn loạn Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 như là bài học nhưng rồi chính ông rơi vào tình trạng như thế thắng 3/75. Nhìn lại sự kiện :
Ngày 11 tháng 3 tại phủ Tổng Thống. Tống Thống Thiệu không chấp nhận một chính phủ Liên Hiệp với Cộng Sản, tuyên bố bỏ vùng 1 và 2 để phòng thủ vùng 3 và 4. Ngày 12/3 mời tướng Trưởng về Sài Gòn họp Hội Ðồng an ninh Quốc gia gồm Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Trung Tướng Ðặng Văn Quang, Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn. Ngày 14-3 Tướng Trưởng về Quân đoàn 1 họp tham mưu, thảo luận kế hoạch phối trí vùng 1 và Sư đoàn Nhảy Dù sẽ rút về phòng thủ Sài Gòn. Ngày 17-3 Lữ đoàn 258 TQLC sẽ rời Quảng Trị để về Ðà Nẵng thay Lữ đoàn 2 Dù. Ngày 18-3 Thủ Tướng Khiêm ra Ðà Nẵng cho Tướng Trưởng biết sẽ không tăng viện Quân khu 1. Ngày 19-3 Tướng Trưởng được triệu về Sài Gòn họp lần thứ hai: Tướng Trưởng trình bầy hai kế hoạch lui binh. Ngày 19-3 Quảng Trị bỏ ngỏ. Sáng 20-3 Tướng Trưởng bay ra bộ Chỉ huy Tiền Phương họp các cấp chỉ huy bàn kế hoạch phòng thủ Huế. Sáng ngày 24-3 quân Cộng sản tấn công Quảng Tín. Ngày 25-3 Chính phủ tuyên bố Huế và Chu lai thất thủ (Sư đoàn 1BB và Liên đoàn 15 BÐQ đóng tại Thừa Thiên) Sư đoàn 3BB và Liên đoàn 14 BÐQ đóng tại Ðà Nẵng, Quảng Nam, Sư đoàn 2BB và hai liên đoàn BÐQ 11, 12 Quảng Tín, Quảng Ngãi. Kể hoạch tuyển phòng thủ trung ương và tướng vừng bắt nhất nên việc rút quân xáo trộn tại Đà Nẵng. Trưa 28 Bộ TTM cho Quân đoàn 1 biết Cộng quân có thể tấn công trong đêm. Tướng Trưởng lập tức ra lệnh bỏ Ðà Nẵng, ông họp với Ðề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại Tư Lệnh Hải Quân vùng 1 và các cấp chỉ huy để hẹn địa điểm rút quân tại : chân đèo Hải Vân , núi Non Nước và cửa khẩu Hội An. Đại Úy Hà Lam sĩ quan tùy viên của tướng Trưởng viết rằng :Trung Uý Bình, Hạm Phó LST 404, thì Tr/T Trưởng đã nói trong lúc mê sảng: \”Bây giờ Tổng Thống biểu tôi phải làm gì?”
Khi tàu đang lênh đênh ngoài khơi Đà Nẵng thì chúng tôi nhận được lệnh Tổng Thống Thiệu phải tái chiếm ĐN.
“Bây giờ tôi đi với ai và lấy gì để tái chiếm”.
Tổng hợp theo hồi ký của: Đại Tướng Cao Văn Viên, Đại Tá Phạm Huấn, Tướng Ngô Quang Trưởng, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh.Chủ Nhật, 01 Tháng Mười Hai 20191:12 SANgười lính già SĐ 1 bbKhách\”Tướng Ngô quang Trưởng người đã học bài học của tướng Giai và tướng Lãm thế mà vẫn bỏ chạy lạc lõng hỗn quân hỗn quan tại Đà Nẵng tháng 2 năm 1975\”..??
Không biết bác Tom có lộn không?, Đà Nẵng loạn lạc ngày 29 tháng 03.1975, và lúc đó Tướng Trưỡng và Tướng Lân TQLC phải lội ra tàu hải quân đậu ngoài xa( Không biết chiếc trực thăng C&C do Đ/úy Kim lái dành riêng cho Tướng Trưỡng lúc đó dông đâu mất bỏ lại vị Tư lịnh đáng kính phải khốn đốn thế nhỉ )
Cho tôi xin lổi trước bác Tom nhé ,mọi chuyện khi xong rồi, sau đó mới bàn, mới chê bai thì ai cũng có thể làm được miễn da mặt dày và thiếu lòng tự trọng.
Bác Tom khi đó ở đâu nhi?, mỗ tôi mặc dầu ở SĐ 1 BB, nhưng cũng hiểu và thông cảm cho anh em SĐ 3 BB vì cũng giống nhau thôi, trong mùa Hè đỏ lữa 1972 thì mặt trận Tây-Nam Huế cũng ác liệt lắm ,mỗ tôi hân hạnh là một trong các vị quân nhân SĐ 1 BB đặt chân đâu tiên đặt chân lên căn cứ Bagstone khi vừa tái chiếm lại từ VC ,mức độ ác liệt của cuốc chiến là trên đổi Bagstone không có một thước vuông nào không có xương người cả một quả đồi. Khác nhau là tất cả những quân nhân tại mặt trận đều lên một cấp ,ngoại trừ mỗ tôi có lẻ vì không cầm súng mà cầm dao kéo mổ xẽ cùng bông băng !!, nhưng sao thằng em y tá của tôi cũng lên một cấp ,hổng hiểu nhưng nhằm nhò gì ba cái lẻ tẽ đó.
Tức mình nhất của mỗ tôi là hồi đó thằng VC đánh với QLVNCH mình cũng coi được lắm chớ ,vậy sao bây giờ tụi nó sợ mấy thằng Tàu chệt cộng quá sức tưỡng tượng, bở vậy có câu nói của dân mình là:
\”Không sợ bọn cầm quyền phương Bắc mà sợ bọn cầm tiền phương Bắc\”
\”Không sợ kẻ thù Bắc Kinh mà sợ kẻ thờ Bắc Kinh\”