Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam 365 triệu USD khắc phục hậu quả chiến tranh
RFA
2019-12-05
Đại diện hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ tại buổi lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đồng Nai hôm 5/12/2019.
Ngày 5/12/2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Trung tâm Hành động Quốc gia Khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường đã tổ chức lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa do Mỹ tài trợ một phần trị giá 300 triệu USD. Tại buổi lễ, hai phía cũng ký một thỏa thuận triển khai dự án hỗ trợ người khuyết tật trị giá 65 triệu USD.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Hoa Kỳ nói đây là sự kiện có tính cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ. Ông Caryn R. McClelland, Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam, nói tại buổi lễ rằng “hai nước sẽ một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một ương lai hữu nghị và thịnh vượng chung.”
Tin nói Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam đã bàn giao 37 hecta đất khu vực phía Tây sân bay cho USAID để bắt đầu các hoạt động thực địa cho dự án. USAID được nói đã hỗ trợ xây dựng đường công vụ, cổng ra vào và khu văn phòng để thực hiện dự án, đồng thời các hoạt động giải phóng mặt bằng và quan trắc cũng đã bắt đầu được triển khai.
Mục tiêu của dự án là loại bỏ nguy cơ rò rỉ dioxin ra khu vực bên ngoài sân bay, làm sạch các khu vực ngoài sân bay và sau đó xử lý và cô lập đất nhiễm dioxin.
Báo trong nước cho biết Sân bay Biên Hòa là khu vực có nhiều chất ô nhiễm hóa học ở Việt Nam với diện tích cần xử lý ô nhiễm dioxin là hơn 500 ngàn m3. Dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa có tổng kinh phí hơn 390 triệu USD và dự kiến thực hiện trong vòng 10 năm. Chính phủ Mỹ cam kết viện trợ không hoàn trả 300 triệu USD cho dự án.
Khoản tài trợ khác trị giá 65 triệu USD trong thỏa thuận giữa USAID và Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường được nói nhằm thực hiện các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật nặng tại 8 tỉnh ưu tiên trong 5 năm tới.
Hồi tháng 7 năm ngoái, phía Hoa Kỳ cũng đã bàn giao gần 14 héc ta đất tại Sân Bay Đà Nẵng cho Việt Nam sau khi hoàn tất công tác xử lý ô nhiễm dioxin tại đó.
Đó là đợt bàn giao cuối cùng trong chương trình xử lý ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng. Chương trình này được tiến hành trong 6 năm từ tháng 8 năm 2012.