Làm việc thiện hay việc ác đều có cái giá tương xứng của nó
Ngạn ngữ có câu: “Chớ thấy việc ác nhỏ mà làm, chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm”, thiện ác trên đời đều có báo ứng tương xứng, là phúc hay họa, đều do tự mình định đoạt.
Từng có một vị Phật sống có phúc báo rất lớn, mỗi ngày đều có rất nhiều người từ bốn phương đến, mang theo trâu bò, ngựa cùng các loại vàng bạc châu báu khác dâng lên vị Phật sống để cung dưỡng.
Người hầu của vị Phật sống nhìn thấy vậy liền nổi lòng tham, thầm ước ao ở trong lòng: “Phật sống thu vào thật là nhiều thứ tốt, nếu ta cũng có được một ngày thu vào như vị Phật sống kia thì đã mãn nguyện rồi”.
Vị Phật sống biết được suy nghĩ trong lòng của người hầu liền nói với anh ta rằng: “Ngày mai những gì của ta thu vào sẽ thuộc về ông, ông thấy thế nào?”.
Người hầu nghe vậy thì đương nhiên vui mừng, đến nỗi không ngủ được, ngay trong đêm khuya ông ta đã bắt tay vào công việc chuẩn bị địa điểm thật tốt để ngày mai cất giữ trâu, ngựa cùng với vàng bạc châu báu.
Nhưng ngày hôm sau, ông ta chờ mãi, đợi mãi nhưng không thấy một ai đến. Cho đến mãi xế chiều mới có một ông lão cầm một tấm da trâu khô đến cung dưỡng. Người hầu nghĩ mãi cũng không thể nào hiểu nổi, những ngày qua đều có rất nhiều đồ cung dưỡng như vậy, vì sao hôm nay chỉ có mỗi một tấm da trâu?
Ông ta liền hỏi vị Phật sống kia: “Vì sao tôi lại không may mắn như vậy, cả ngày cũng chỉ có được một tấm da trâu?”
Vị Phật sống nói: “Ông như vậy là đã có lời rồi”.
Người hầu ngạc nhiên hỏi: “Tôi lời cái gì chứ?”
Phật sống nói: “Ta đã nhìn thấy kiếp trước của ông, rất nhiều kiếp ông chỉ bố thí một cái đế giày mà thôi. Hiện giờ một cái đế giày đổi thành một tấm da trâu, ông còn không thấy đủ sao?”.
Đây chính là ‘lợi nhuận’ của nghiệp báo. Một thiện nghiệp nho nhỏ nhưng có thể đưa đến lợi ích rất lớn, một ác nghiệp dù nhỏ nhoi thì cũng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Đúng như cổ ngữ có câu: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng vì việc ác nhỏ mà lại đi làm”.
Có rất nhiều người, bất kể đi đến đâu, khi gặp chuyện không vui, thậm chí phát sinh xung đột, nhưng họ vẫn cố chấp cho rằng mình là đúng. Vấn đề là những người đó gặp nhiều người xấu như vậy, tại sao chúng ta lại không thể gặp được?
Bởi vì chúng ta thường dùng tấm lòng lương thiện của mình để đối xử với người khác, cho nên dù chúng ta có muốn tìm người để tranh cãi cũng tìm không thấy, bởi vì không có ai cảm thấy ghét chúng ta, không ai ức hiếp chúng ta.
Sở dĩ những người đi đến đâu cũng gặp chuyện không vui là vì: thứ nhất, tâm thái của họ không tốt, lấy thái độ tiêu cực để đối xử với người khác; thứ hai, là khi nói chuyện không hợp ý tất sẽ phát sinh xung đột thậm chí dẫn đến ẩu đả.
Hết thảy đều là do tạo nghiệp nên phải nhận lấy hậu quả. Cũng giống như “Một tia lửa nhỏ cũng có thể cháy mạnh lan rộng khắp cả cánh rừng”.
Đức Hạnh biên dịch