Tìm hiểu hệ thống hưu bổng của Pháp

Tìm hiểu hệ thống hưu bổng của Pháp

RFI Đăng ngày 05-12-2019 

\"media\"/

Người biểu tình chống chương trình cải cách hưu bổng của chính phủ Pháp, tại Paris ngày 05/12/2019.REUTERS/Benoit Tessier

Cải cách hưu bổng là một chương trình lớn và cũng là gai góc nhất trong nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron. Ngay từ khi còn trong trứng nước, dự án cải cách hưu bổng đã vấp phải sự chống đối dữ dội từ phía các công đoàn và các đảng phái đối lập. Cuộc tổng đình công ngày 5/12 này là bước dạo đầu báo hiệu làn sóng phản kháng xã hội chống lại chương trình cải cách lớn của chính phủ Macroncó thể sẽ lan rộng .

Để hiểu thêm về sự kiện đang gây xáo động xã hội Pháp,  RFI xin điểm qua những nét chính về hệ thống hưu trí của Pháp và chương trình cải cách gây tranh cãi:

Hệ thống hưu bổng Pháp vận hành dưới hình thức bảo hiểm tập thể. Người lao động đóng tiền vào vào các quỹ hưu qua trích một phần trong thu nhập lương hàng tháng. Khoản tiền đóng góp sau đó được dùng chi trả lương cho người lao động về hưu.

Thời gian làm việc của người lao động được tính theo đơn vị quý. Mức thu nhập và tất cả các khoản phụ cấp khác trong thời gian làm việc sẽ làm cơ sở để tính toán lương hưu. Tuy nhiên, cần phải biết chính quỹ hưu do người đang đi làm đóng góp được dùng để trả lương cho người đã về hưu thực sự.

Hệ thống quỹ lương hưu của Pháp vận hành thế nào ?

Hiện ở Pháp có 42 quỹ hưu tương ứng cho các chế độ hưu khác nhau. Phổ biến nhất là chế độ cơ bản dành cho những người hưởng lương trong khu vực tư nhân. Hơn 80% người về hưu hưởng chế độ cơ bản này. Tiếp đó là các quỹ dành cho người lao động nông nghiệp và quỹ hưu cho chế độ người lao động độc lập. Sau ba quỹ hưu lớn trên là những người hưởng chế độ « đặc biệt ».

Chế độ đặc biệt liên quan đến các công chức Nhà nước (nhân viên cảnh sát, cơ quan hành chính địa phương, chính phủ, giáo viên các trường công lập…), các nhân viên thuộc doanh nghiệp Nhà nước chẳng hạn như Công ty đường sắt quốc gia (SNCF), điện lực (EDF) và một số quỹ hưu thuộc chế độ đặc biệt liên quan đến những người làm nghề tự do như luật sư.

Bên cạnh đó còn có các quỹ đóng góp bổ sung, bắt buộc đối với người hưởng lương. Quỹ này sau đó sẽ được dùng để chi trả bổ sung vào lương hưu cho một số hạng mục người lao động.

Trong suốt qua trình sự nghiệp của mình một người lao động có thể đóng góp theo nhiều chế độ hưu bổng khác nhau nếu họ thay đổi công việc, thí dụ như chuyển từ khu vực tư nhân sang khu vực nhà nước hay ngược lại. Khi về hưu, họ cũng sẽ được trả lương hưu theo các chế độ khác nhau tính theo thời gian làm việc và đóng góp khác nhau.

Tuổi về hưu và thời gian đóng góp ?

Tuổi về hưu theo luật định của Pháp hiện nay là 62 tuổi đối với những người theo chế độ cơ bản. Một số trường hợp có thể về sớm hơn như những người khuyết tật, làm công việc nặng nhọc, lực lượng cảnh sát, quân đội….

Mọi người đều có quyền về hưu ở tuổi theo luật định. Nhưng không phải ai cũng được hưởng lương hưu đầy đủ. Tỷ lệ này phụ thuộc vào thời gian làm việc đóng góp của người lao động. Thời gia đủ để hưởng lưởng hưu toàn phần khác nhau theo từng lớp tuổi.

Chẳng hạn, đối với những người lao động sinh năm 1958 phải có thời gian làm việc là 41 năm 9 tháng. Những người sinh từ năm 1973 phải đóng góp 43 năm. Tính chung lại một người sinh từ năm 1955 trở về sau sẽ phải về hưu ở tuổi 67 mới được hưởng tỷ lệ lương hưu toàn phần. Tuy nhiên tỷ lệ này còn khác nhau tùy theo các chế độ hưu mà người lao động đóng góp.

Nguyên tắc tính lương hưu trong hệ thống hiện tại như thế nào ?

Lương hưu của một người về hưu ở Pháp bao gồm tiền hưu cơ bản và tiền hưu bổ sung. Lương hưu cơ bản tính trên cơ sở mức lương cao nhất của 25 năm trong khu vực tư nhân và 6 tháng cuối cùng đối với các đối tượng thuộc ngạch công chức Nhà nước.

Nếu đóng góp đủ năm, người về hưu sẽ được hưởng tỷ lệ 50% lương  trung bình của 25 năm đối với khu vực tư nhân và 75% mức lương trung bình 6 tháng lương cuối cùng đối với công chức Nhà nước. Các khoản lương hưu bổ sung dựa trên hệ thống tính điểm được chuyển đồi thành tiền để cộng thêm vào lương hưu cơ bản.

Chế độ hưu bổng phổ quát trong chương trình cải cách là gì ?

Điểm cốt lõi trong dự án cải cách của chính phủ Pháp, hệ thống hưu bổng phổ quát sẽ dần dần thay thế cho rất nhiều chế độ hưu bổng hiện hành. Trên lý thuyết mục đích nhằm bảo đảm sự công bằng cho mọi người dân Pháp trong đóng góp và hưởng hưu. Nguyên tắc, theo chính phủ, chế độ phổ quát cho phép « mỗi euro đóng góp đều mang lại quyền lợi như nhau cho mọi người ».

Như trên đã nói, hiện Pháp có tới 42 quỹ hưu bổng, mỗi quỹ có những đặc thù riêng và được quản lý độc lập nhau, các mức đóng góp và quyền lợi cũng rất khác nhau. Hệ quả người về hưu đã đóng góp theo nhiều chế độ hưu khác nhau và nhận các khoản lương hưu từ các quỹ hưu khác nhau, rất phức tạp. Tạo một hệ thống chung mang tính phổ quát trước tiên nhằm đơn giản hóa tình trạng này.

 Đó mới chỉ là một phần của cải cách mà chính phủ Macron dự trù. Cải cách còn nhằm xóa bớt các ưu đãi đặc thù, của một số chế độ hưu cũ để áp dụng các quy định chung cho tất cả những người về hưu cả về tỷ lệ đóng góp cũng như cách tính lương hưu đầy đủ.

Trong hệ thống hưu bổng phổ quát, chính phủ dự tính để người lao động tích điểm về hưu theo thời gian làm việc. Khi về hưu các điểm tích được sẽ được chuyển đổi thành tiền lương hưu theo một hệ số chung.

Độ tuổi nghỉ hưu theo luật định vẫn giữ 62 tuổi, nhưng cải cách dự trù cho phép nới rộng biên độ tuổi về hưu đến 67 tuổi cho những người chưa tích đủ điểm để có thể hưởng lương hưu đầy đủ.

Dự luật cải cách bị chống từ trong trứng nước

Chương trình cải cách hưu bổng của chính phủ Macron là một dự án dài hơi, gồm rất nhiều hạng mục liên quan đến quyền lợi và thu nhập của người về hưu. Theo lịch trình phải đến 2025 mới hoàn thiện hết các mục cải cách và sẽ có thời gian chuyển tiếp trong 15 năm cho một số chế độ đặc thù.

Hiện tại chương trình mới dừng ở báo cáo khả thi do ủy viên cao cấp của chính phủ Delevoye soạn và trình chính phủ đồng thời có thương thảo với các đối tác xã hội để hoàn chỉnh dự luật trước khi trình Quốc Hội thảo luận thông qua vào đầu năm 2020.

Tuy nhiên ngay từ giờ, báo cáo Delevoye đã vấp phải sự phản đối dữ dội của các công đoàn cũng như các đảng phái chính trị, đặc biệt là cánh tả. Các công đoàn cho rằng hệ thống hưu bổng phổ quát nếu thay thế các chế độ hiện hành sẽ khiến cuộc sống của những người về hưu trở nên bấp bênh hơn và càng khoét sâu hơn bất công xã hội.

Bên cạnh đó các đảng phái chính trị đối lập cũng không ngần ngại sự dụng cơ hội khi nhiều tầng lớp người lao động đang hoang mang trước quyền lợi được và cái mất từ chương trình cải cách này để trục lợi chính trị, khơi dậy làn sóng phản kháng làm suy yếu chính phủ Macron.  

Bài Liên Quan

Leave a Comment