Giới học giả tại Nga, Hàn Quốc, Mỹ và Thụy Sĩ tích cực thể hiện quan điểm và tiếng nói trong vấn đề Biển Đông trong năm 2019
Ngày đăng 06-12-2019
Năm 2019, giới nghiên cứu và học giả quốc tế, khu vực đã đóng góp tiếng nói quan trọng trong quá trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Những hội thảo quốc tế tại các nước như Nga, Hàn Quốc, Mỹ và Thụy Sĩ… là nơi các sự kiện, diễn biến tại Biển Đông được đưa ra phân tích, đánh giá trên cơ sở luật pháp quốc tế bằng thực tiễn và học thuật. Điều này đã giúp dư luận có những nhận thức đầy đủ, khách quan và chính xác về tình hình.
Tại Nga
1. Hội thảo quốc tế “Tranh cãi trên biển Biển Đông và tìm kiếm giải pháp hòa bình” do Quỹ quốc tế “Con đường hòa bình” phối hợp Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADL) tổ chức tại thủ đô Matxcova (27-28/6), với sự tham gia của đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu chính trị, luật gia, các chuyên gia về lĩnh vực Biển Đông, các nhà ngoại giao đến từ Nga, Mỹ, Philippines, Nhật Bản, Pakistan, Việt Nam. Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều báo cáo khoa học với nội dung tập trung vào các vấn đề hoàn cảnh lịch sử và diễn biến hiện tại trên khu vực Biển Đông, quan điểm chính của các nước liên quan, cũng như các giải pháp hòa bình, trong đó có những đề xuất được đưa lần đầu tiên thu hút chú ý của giới chuyên gia. Các ý kiến cho rằng cần phải gia tăng các hội nghị, hội thảo quốc tế có sự tham dự của tất cả các bên liên quan. Các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp ở Biển Đông một cách hòa bình, dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), bao gồm việc không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực; thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của mọi quốc gia; dựa vào các cơ chế đa phương, đặc biệt ASEAN và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như ARF, EAS, ADMM+, để kiểm soát bất ổn, xây dựng lòng tin, và ngăn ngừa xung đột. Xây dựng một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, ràng buộc và hiệu quả sẽ giúp duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982 trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong khi COC đang trong tiến trình hình thành, các bên cần chấm dứt các hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp và ngừng triển khai các thiết bị và phương tiện quân sự và các hành động quân sự hóa khác khiến căng thẳng leo thang. Các bên liên quan nên bắt đầu ngay tiến trình xây dựng lòng tin, góp phần giữ gìn an ninh khu vực và môi trường biển, tôn trọng và tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời sớm thiết lập và thực thi COC có tính ràng buộc pháp lý và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
2. Hội thảo“Luật quốc tế, công lý quốc gia và quốc tế, chủ quyền quốc gia trên ví dụ ứng xử giữa các nước ở Biển Đông” do Đại học Tư pháp quốc gia Nga (RGUP) trực thuộc Tòa án Tối cao Liên bang Nga tổ chức (01/11). Đây là sự kiện thường niên trong khuôn khổ hội nghị toàn Nga và chương trình trường học của nhà khoa học trẻ, thu hút đông đảo giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên các trường đại học, học viện khối luật hàng đầu trên toàn Nga như Đại học Tư pháp quốc gia Nga, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (RAN), Đại học Tổng hợp Tomsk, Đại học Tổng hợp Nhân văn Nga, Đại học Tổng hợp Sư phạm Moskva, Học viện Kinh tế quốc dân và Hành chính công, Đại học Luật quốc gia Kutafin. Đáng chú ý, lần đầu tiên, chủ đề Biển Đông được đưa vào chương trình hội nghị dành cho các sinh viên, nghiên cứu sinh tài năng, những nhà khoa học trẻ ngành luật của Nga. Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ rõ việc cải tạo các bãi đá, xây dựng đường băng, đặc biệt là tiến hành thử nghiệm đường băng trên Đá Chữ thập mà Trung Quốc xây dựng trái phép; các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc tại Biển Đông. Chuyên gia Nga khẳng định những hành động này đều đi ngược lại luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; khẳng định trong một thập kỷ gần đây, những hành động của Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế trên Biển Đông là có hệ thống, khiến Biển Đông trở thành điểm “nóng” quốc tế. Một số ý kiến cho rằng Trung Quốc muốn biến khu vực không phải tranh chấp hay chồng lấn tại Biển Đông thành khu vực có tranh chấp, đồng thời cản trở hoạt động khai thác dầu khí hợp pháp của Việt Nam với Nga và các nước khác. Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo đều khẳng định rằng tất cả các bên tranh chấp cần tuân thủ những chuẩn mực của luật pháp quốc tế đã được thừa nhận, trong đó có UNCLOS mà Trung Quốc cũng là thành viên. Các nước ASEAN và Trung Quốc cần nhanh chóng thông qua COC mang tính ràng buộc pháp lý và có tính đến lợi ích hợp pháp của tất cả các bên. Trên phương diện pháp luật, khu vực Biển Đông hiện nay rất nguy hiểm, đòi hỏi các bên phải có trách nhiệm, nhưng chưa có sự quan tâm đầy đủ của cộng đồng luật quốc tế. Mặc dù đã có luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS, các tài liệu pháp lý khác để giải quyết tình hình ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn đang có các vi phạm liên quan đến quyền chủ quyền hợp pháp được luật pháp quốc tế công nhận, trước hết là của Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei.
Tại Hàn Quốc
1. Ngày 26/11/2019, tại trường Đại học Youngsan (Busan, Hàn Quốc), Hội những người Hàn Quốc yêu Việt Nam VESAMO, trường Đại học Youngsan (Trung tâm nghiên cứu luật biển, Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học, Khoa Quốc tế học) và trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Dongwon đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học năm 2019 với chủ đề: “Hợp tác chung vì một môi trường hàng hải an toàn và phát triển bền vững”. Tham dự hội thảo có đông đảo đại biểu là giáo sư đại học, học giả ngành luật quốc tế; chuyên gia nghiên cứu cao cấp về hải dương học; sinh viên đại học các chuyên ngành liên quan và đại diện một số cơ quan văn hóa của thành phố Busan, các tổ chức và cá nhân Hàn Quốc quan tâm và nghiên cứu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam. Tại hội thảo, các học giả đã tập trung vào việc phân tích về các vấn đề luật pháp quốc tế và an ninh môi trường biển, an toàn hàng hải ở Biển Đông; tìm kiếm các giải pháp cho hòa bình ở biển Đông. Các ý kiến đều thể hiện sự quan ngại đối với việc Trung Quốc tiếp tục triển khai các hoạt động gây căng thẳng ở biển Đông; cho rằng các hành động này của Trung Quốc đã vi phạm các quy định của Công ước luật biển năm 1982 (UNCLOS) và càng làm cho các vấn đề tranh chấp trở lên phức tạp, đe dọa đến hòa bình, ổn định và lợi ích của các quốc gia trong khu vực. Hội thảo kêu gọi các bên liên quan xuất phát từ tinh thần và trách nhiệm chung cần tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước ước của Liên hợp quốc về Luật Biển, chấm dứt các hành động căng thẳng, thiện chí hợp tác gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Các đại biểu đều nhất trí rằng, rằng việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở biển Đông là bổn phận và trách nhiệm của các quốc gia và giải pháp duy nhất cho vấn đề hòa bình ở biển Đông là sự tôn trọng và tuân thủ luật pháp quốc tế.
2. Ngày 26/5/2019 vừa qua, Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) đã tổ chức thành công Hội thảo Khoa Học Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc lần thứ VI (ACVYS 2019) tại hội trường tòa nhà The 100th Memorial Hall, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Seoul (SeoulTech), thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà khoa học, nghiên cứu sinh cùng các bạn sinh viên Việt Nam và quốc tế đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc. Các đại biểu tham gia Hội thảo đều cho rằng tình hình Biển Đông hiện nay phức tạp do những hành động đơn phương, coi thường pháp luật của Trung Quốc. Việc xây dựng một COC thực chất, ràng buộc và hiệu quả sẽ giúp duy trì hoà bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt UNCLOS 1982 trong quá trình giải quyết tranh chấp. Trong khi COC đang trong tiến trình hình thành, các bên cần chấm dứt các hoạt động xây đảo nhân tạo bất hợp pháp và ngừng triển khai các thiết bị và phương tiện quân sự và các hành động quân sự hóa khác khiến căng thẳng leo thang.
Tại Mỹ
Hội thảo về Biển Đông thường niên lần thứ 9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Mỹ tổ chức diễn ra ở Washington (24/7) với sự tham gia của các học giả quốc tế. Các ý kiến đều bày tỏ quan ngại về những diễn biến tại Biển Đông. Chuyên gia Nhật Bản đánh giá, Nhật Bản là nước “rất dễ bị tổn thương” trước những diễn biến tiêu cực trên Biển Đông. Ông giải thích hơn 90% giao thương của Nhật Bản lệ thuộc vào vận chuyển bằng đường biển và Biển Đông là huyết mạch hàng hải hết sức quan trọng đối với Tokyo. Do đó, nếu con đường này bị chặn hoặc một quốc gia đơn lẻ nào đó làm chủ vùng biển này thì Nhật Bản sẽ rơi vào tình thế dễ bị tổn thương. Trong khi đó, chuyên gia Ấn Độ đánh giá New Delhi có nhiều lợi ích ở Biển Đông và cũng sẽ là một “nạn nhân\” nếu vùng biển này xảy ra bất ổn. Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại “Hướng Đông”, những năm qua Ấn Độ đã tích cực tăng cường sự hiện diện về kinh tế, chính trị và quân sự với các nước xung quanh Biển Đông. Chuyên gia Australia khẳng định ưu tiên của nước này là duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Những năm qua, Canberra luôn bày tỏ quan ngại đối với các cường quốc đang nổi thách thức luật lệ trên biển, trên không, và xem đó là mối đe dọa đối với sự ổn định của khu vực
Tại Thụy Sĩ
Ngày 7/6, hội thảo quốc tế “Diễn tiến nào trong tranh chấp tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa trọng tài La Haye?” đã diễn ra tại Câu lạc bộ báo chí Thụy Sĩ ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ. Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu về quan hệ quốc tế, các vấn đề an ninh như Tiến sĩ Felix Heiduk (Viện Nghiên cứu quốc tế và an ninh Đức); nhà nghiên cứu Bill Hayton (Viện Quan hệ quốc tế Hoàng gia Chatham House – London, Anh); Tiến sĩ Theresa Fallon (nhà sáng lập đồng thời là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á- Âu tại Brussels, Bỉ); Giáo sư Erik Franckx (Đại học Tự do Brussels, Bỉ); chuyên gia James Fanell (Trung tâm Chính sách an ninh Geneva) và Tiến sĩ Nicola Casarini (Viện Nghiên cứu vấn đề quốc tế Italy). Các chuyên gia đã tập trung phân tích “thái độ” của Trung Quốc đối với luật pháp và các chuẩn mực quốc tế ở Biển Đông, kể cả những động cơ chiến lược của Trung Quốc, những tính toan về chi phí/lợi ích của nước này tại Biển Đông, các lựa chọn chính sách và cả những tình huống mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt trong tương lai, mối quan hệ giữa luật pháp và quyền lực trong các tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông. Dù còn nhiều vấn đề phải giải quyết tại Biển Đông, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh việc tôn trọng luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, ủng hộ tự do của các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chính đáng với các vùng biển và hải đảo. Thách thức của các nước trong khu vực hiện nay và tương lai là hàn gắn niềm tin cũng như đưa khu vực trở lại hòa bình và ổn định.