Cựu quan chức Philippines khiếu nại Tập Cận Bình \’hành động tàn bạo\’ ở Biển Đông
- 7 tháng 12 2019
Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết họ không có thẩm quyền đối với khiếu nại của Phillipines về các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
CNN hôm 5/12 cho hay các cựu quan chức Philippines đã khiếu nại lên ICC việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức Trung Quốc – những người bị cáo buộc phạm tội ác chống lại loài người – đã có những \”hành động tàn bạo\” ở Biển Đông.
Theo đó, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario và cựu Thanh tra Conchita Morales đệ trình lên ICC một khiếu nại về việc ông Tập Cận Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và cựu Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Triệu Giám Hoa đã \”hành động tàn bạo\” ở Biển Tây Philippines, một phần của Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền.
Nhưng công tố viên ICC cho biết họ không thể có phán quyết gì đối với khiếu nại này vì Trung Quốc không tham gia Quy chế Rome – một hiệp ước khai sinh ra ICC – và rằng các cáo buộc về tội ác chống lại loài người xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Philippines, nơi tòa cho rằng không được coi là một phần lãnh thổ nước này.
Tòa ICC ra đời năm 2002 để buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm trước tội ác tàn bạo của mình với nhân loại.
ICC nói thêm rằng \’lãnh thổ\’ được định nghĩa theo Quy chế Rome chỉ bao gồm vùng đất liền, vùng nước nội địa, lãnh hải và vùng trời phía trên các khu vực này và không bao gồm EEZ – một khu vực cách bờ biển của một quốc gia ven biển 200 hải lý trong đó thực thi quyền chủ quyền, nhưng không có chủ quyền.
Do đó, hành vi phạm tội hình sự diễn ra ở EEZ và thềm lục địa về nguyên tắc nằm ngoài lãnh thổ của một quốc gia ven biển và do đó, không nằm trong Quy chế Rome, công tố viên của ICC nói.
Khiếu nại của hai vị cựu quan chức Philippines cho hay sự xâm lấn của Trung Quốc tại các đảo ở Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Trường Sa, dẫn đến \”các hoạt động cải tạo trái phép và phá hoại môi trường, và các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo\” do ông Tập Cận Bình khởi xướng.
Hai ông nói rằng Bắc Kinh đã gây ra sự hủy hoại môi trường gần như vĩnh viễn trong khu vực, khiến sinh kế của ngư dân Philippines gặp nguy hiểm.
Trung Quốc không phải là thành viên của ICC và Philippines chính thức rời tòa án quốc tế này vào ngày 17/3 – hai ngày sau khi các cựu quan chức Philippines nộp đơn khiếu nại.
Ông Del Rosario và Morales, trong một thông cáo hôm 5/12, cho biết công tố viên ICC \”Không bác bỏ khiếu nại của chúng tôi\”.
\”Các công tố viên hoan nghênh \’các dữ liệu và bằng chứng mới\’ để tiến hành vụ án và chúng tôi đang cung cấp cho họ\”, hai cựu quan chức nói. \”Điều này chỉ củng cố quyết tâm của chúng tôi.\”
Một tòa án quốc tế có trụ sở ở Hague được hậu thuẫn bởi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đã vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Họ công nhận quyền chủ quyền của Philippines tại các khu vực trong EEZ, nơi Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo và cấm ngư dân Philippines đánh cá, đồng thời can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí.
Tòa án không phán quyết quốc gia nào có chủ quyền đối với Bãi cạn Scarborough – nằm cách Zambales khoảng 120 hải lý – nhưng cho biết Trung Quốc đã vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền đánh cá truyền thống của ngư dân Philippines ở đó.
Toà PCA cũng cho biết việc cải tạo đất quy mô lớn của Trung Quốc và việc nước này xây dựng các đảo nhân tạo tại bảy bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa đã gây ra \”tác hại nghiêm trọng\” cho các rạn san hô và môi trường biển ở đó.
Việt Nam có thể rút tỉa được gì?
Việc khiếu nại của Philippines diễn ra trong khi Việt Nam dường như cũng đang xem xét có nên kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không và nếu có thì nên đưa ra những tòa nào, vào thời điểm nào.
Từng có nhiều đồn đoán và tranh luận trên các diễn đàn mạng tại Việt Nam về việc chính phủ có nên kiện Trung Quốc không, đặc biệt sau khi Trung Quốc mang tàu thăm dò và tàu hải giám vào khu EEZ của Việt Nam tại Bãi Tư Chính mới đây.
Trong khi chưa có thông tin chính thức nào từ phía chính phủ Việt Nam, hôm 6/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Lê Hoài Trung nói rằng trong nhiều biện pháp để giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam không loại trừ khả năng tiến hành các hành động pháp lý, theo Reuters.
Ông Bill Hayton, chuyên gia về biển Đông tại Viện hoàng gia về Các vấn đề quốc tế Chatham House, nói với Reuters rằng có thể điều này sẽ dẫn đến có sự chia rẽ lớn về chính trị trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, đây có lẽ là lựa chọn duy nhất còn lại với Việt Nam.
Các tòa được các chuyên gia nhắc tới khi bàn về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc là Tòa quốc tế về Luật Biển, và Tòa Trọng tài Thường trực PCA.
Ông Hoàng Việt, giảng viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, nói với RFI hôm 14/10 rằng tất cả các tòa, trừ Tòa án Công lý Quốc tế (IJC), đều không có cơ chế để thực hiện phán quyết.
Tuy nhiên ông Hoàng Việt nói thêm rằng không phải như vậy là tòa không có tác dụng bởi Trung Quốc dù sao vẫn dè chừng luật pháp quốc tế. Chẳng hạn, Trung Quốc dù phản đối phán quyết năm 2016 của PCA nhưng đã \”xuống thang\” rất nhiều đối với Philippines, và đã phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để huy động các cơ quan ngoại giao của họ chống lại phán quyết này.