Nhạc sĩ Hoàng Quý, một tài hoa vắn số.

Chuly sưu tầm

Nhạc sĩ Hoàng Quý, một tài hoa vắn số.

Những người yêu ca khúc Việt Nam, đặc biệt là dòng nhạc tiền chiến, có lẽ ai cũng say mê tình khúc Cô Láng Giềng của cố nhạc sĩ Hoàng Quý. Có một điều mà ít người biết đến là người nhạc sĩ tài hoa này đã mất từ rất sớm. Ngày 26/06/1946 được ghi nhận là ngày mất của ông, năm đó chỉ mới 26 tuổi! Mọi người thường chỉ hay nhắc đến nhạc sĩ Đặng Thế Phong của Con Thuyền Không Bến, như là một tiêu biểu của tài hoa bạc mệnh, đã mất ở độ tuổi 24 (1918-1942).

Cô Láng Giềng có lẽ là ca khúc đầu tiên, và cũng là tình khúc nổi tiếng nhất về chủ đề mối tình với người hàng xóm. Vào thời đó, trong thi ca còn có bài thơ Cô Hàng Xóm bất hủ của nhà thơ Nguyễn Bính: “ Nhà nàng ở cạnh nhà tôi, cách nhau cái dậu mồng tơi xanh dờn…”. Cô Láng Giềng được sáng tác vào khoảng năm 1942-1943. Theo trang website wikipedia Hoàng Quý, tác giả đã rời Hải Phòng để đi làm tại Sơn Tây, nên đã phải chia tay người yêu của mình, từ đó đã cảm hứng để viết nên ca khúc bất hủ còn được hát đến tận ngày hôm nay:

“Hôm nay trời xuân bao tươi thắm
Dừng gót phiêu linh về thăm nhà
Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi
Tôi đã hình dung nét ai đang cười…”

Đặc biệt, loài hoa tường vi cũng đã trở nên bất tử nhờ xuất hiện trong Cô Láng Giềng:

“…Năm xưa khi tôi bước chân ra đi
Ðôi ta cùng đứng bên hàng tường vi
Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi
Đừng nói đến phân ly…”

Cũng trên trang web Wikipedia này đã thuật lại một chi tiết rất thú vị, đó là tác giả Hoàng Quý chỉ làm lời 1 của Cô Láng Giềng. Lời 2 được đặt bởi nhạc sĩ Tô Vũ (tác giả Em Đến Thăm Anh Một Chiều Mưa, Tiếng Chuông Chiều Thu…), là em của Hoàng Quý. Nhạc sĩ Tô Vũ đã kể lại rằng lời 1 của Hoàng Quý đầy lạc quan, hy vọng một ngày trở về gặp lại nhau. Còn lời 2 là một kết thúc buồn, với cảnh chàng trở về đúng dịp đám cưới của người yêu cũ… Thật ra, đây không phải là tâm tư của Hoàng Quý, mà là do Tô Vũ hư cấu:

“…Trước ngõ vào thôn vang tiếng pháọ
Chân bước phân vân lòng ngập ngừng
Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xaọ
Tôi biết người ta đón em tưng bừng…”

Sự nổi tiếng của Cô Láng Giềng cũng đã gắn liền với một nam danh ca với một giọng hát trầm ấm, tình tứ: Sĩ Phú. Có lẽ từ trước 1975, nhiều khán giả đã đồng ý rằng không ai có thể hát Cô Láng Giềng hay hơn Sĩ Phú được!

Nhạc của Hoàng Quý nhẹ nhàng, trong sáng, nét đẹp chung của dòng nhạc tiền chiến. Một ca khúc khác của Hoàng Quý cũng rất nổi tiếng là Chiều Quê. Qua tiết điệu Valse dìu dặt, ca khúc này làm người nghe cảm nhận được trọn vẹn nét đẹp thanh bình của làng quê Miền Bắc, trong những buổi hoàng hôn về với thôn trang:

Quê nhà tôi chiều khi nắng êm đềm
Chạy dài trên khóm cây đàn chim ríu rít ca
Bao người ra ngồi hay đứng bên thềm
Ðợi chồng con mắt trông về phía trời xa
Sáo diều êm nào khác lời thơ
Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô
Ôi chiều quê chiều sao xiết êm đềm
Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương
Trông người ra ngồi hay đứng bên thềm
Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên…

Trên Sông Bạch Đằng là một bản hùng ca của Hoàng Quý ít được biết đến. Nhắc đến giòng sông hào hùng này của dân tộc, mọi người đều nghĩ ngay đến bài Bạch Đằng Giang của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Trên Sông Bạch Đằng của Hoàng Quý có cái hay riêng. Lời ca khúc này ít hùng tráng hơn Bạch Đằng Giang, nhưng lại trẻ trung, vui tươi, dễ hát hơn, cho nên rất thích hợp với lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Và lời của Trên sông Bạch Đằng là riêng cho trận đánh của Trần Hưng Đạo phá tan quân Nguyên, trong khi Bạch Đằng Giang không mô tả cụ thể như vậy:

Trên sông Bạch Ðằng
Quân Nam ầm reo
Sóng nước vang đưa
Bao con thuyền mành trôi theo
Cờ bay gươm chiêng trống khua quân vùng lên
Làm cho lui tan hết quân Nguyên
Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng
Thì anh em ta vui ca rằng :
Con sông Bạch Đằng
Êm trôi triền miên
có biết đâu bao năm qua là mộ quân Nguyên
Còn ai nhớ thương xưa quân nhà Nam

Làm cho quân Nguyên hết khoe khoang
Ðến bây giờ mỗi khi đi trên sông Bạch Ðằng
Thì anh em ta vui chiến thắng

Ca khúc Trên Sông Bạch Đằng đã được các thầy cô ở một số trường tiểu học Sài Gòn dạy cho các em học sinh, để hun đúc tinh thần yêu nước, tự hào về dân tộc Việt Nam. Những ca khúc như vậy ngày nay lẽ ra cần phải phổ biến mạnh trong nước Việt Nam. Nhưng chính sách giáo dục của chính quyền CSVN lại không muốn như vậy!

Giới yêu nhạc Việt Nam tiếc rằng một tài năng như Hoàng Quý lại ra đi ở độ tuổi 26. Nếu không, kho tàng ca khúc Việt Nam có lẽ sẽ còn nhiều ca khúc tuyệt vời nữa từ người nhạc sĩ tiền chiến này.

Cung Mi / SBTN

Bài Liên Quan

Leave a Comment