Không chấp nhận Trung Quốc tự ý diễn giải luật pháp quốc tế liên quan đến Biển Đông
Các hoạt động phi pháp của Trung Quốc trong thời gian gần đây làm tình hình Biển Đông “nóng” lên là chủ đề được quan tâm đặc biệt tại Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 9 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 7 vừa diễn ra tại Đà Nẵng.December 8, 2019
Được thành lập năm 2010, Diễn đàn Biển ASEAN có mục đích tạo khuôn khổ để các cơ quan liên quan đối thoại và phối hợp về những hoạt động hợp tác biển, nhất là trong những vấn đề mang tính liên ngành. Với sự quan tâm của các nước ngoài khu vực, từ năm 2012, diễn đàn này được mở rộng thêm với việc EAMF ra đời. EAMF được tổ chức ngay sau AMF với sự tham gia của các nước ASEAN và 8 nước đối tác, đối thoại.
Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, bồi ngang nhiên tôn tạo thành cơ sở quân sự
Chiến thuật “Căng thẳng cường độ chậm” trên Biển Đông
Lúc đầu, AMF và EAMF tập trung chủ yếu vào các vấn đề như kinh tế biển hay bảo vệ môi trường. Nhưng những diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã khiến an ninh trên biển trở thành chủ đề được các đại biểu AMF và EAMF quan tâm đặc biệt, bởi mọi hợp tác chỉ có thể thực hiện khi hòa bình và an ninh được bảo đảm.
Diễn đàn lần này tại Đà Nẵng cũng không phải ngoại lệ. Các đại biểu tiếp tục bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhất là tình trạng quân sự hóa cấu trúc tranh chấp, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các nước ven biển khai thác tài nguyên tại các vùng biển của mình theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, gây xói mòn lòng tin và làm gia tăng căng thẳng.
Thực tế vài năm gần đây, Trung Quốc ngày càng tỏ rõ tham vọng dùng sức mạnh để áp đặt một hiện trạng mới trên Biển Đông. Nếu như trước đây tham vọng của Trung Quốc thể hiện qua các tuyên bố “Đường lưỡi bò” 9 đoạn chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, hay khái niệm “Tứ sa” cùng các vùng biển phụ cận, thì nay là những hành động cưỡng chế trên thực địa.
Kể từ cuối năm 2013, chiến dịch bồi đắp các đảo đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép được tiến hành với quy mô lớn. Chỉ trong vòng 3 năm, 7 bãi đá đã trở thành các đảo nhân tạo với diện tích trên 13 km2, chiếm tới 95% tổng diện tích các đảo tự nhiên và đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa.
Chưa dừng ở đó, từ năm 2017, Bắc Kinh gấp rút biến các đảo nhân tạo này thành các cơ sở quân sự. Hàng loạt các khí tài quân sự hiện đại được triển khai đến Trường Sa, trong đó có máy bay quân sự, tên lửa hành trình, các thiết bị phá sóng… Cùng với đó, các bệ phóng tên lửa cũng được triển khai đến đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc chiếm của Việt Nam.
Khi các cơ sở hậu cần, bảo đảm ở Trường Sa hoàn thành cũng là lúc Trung Quốc bắt đầu tiến hành chiến thuật “Căng thẳng cường độ chậm” trên Biển Đông. Các đảo nhân tạo do Trung Quốc chiếm đóng trái phép trở thành cơ sở cung cấp dịch vụ chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc và dự báo thời tiết. Nhờ đó, hàng trăm tàu hải giám và tàu dân quân biển của Trung Quốc có thể tràn xuống Trường Sa hoạt động hàng tháng trời mà không phải quay về đất liền tiếp tế.
Khả năng cơ động dài ngày đã giúp các tàu Trung Quốc có thể duy trì cường độ quấy rối liên tục trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khu vực, điển hình nhất là hoạt động của nhóm tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc tại bãi Tư Chính của Việt Nam thời gian gần đây. Thêm vào đó, bằng cách sử dụng nhóm tàu hải cảnh và dân quân biển quấy rối thay vì tàu hải quân, Trung Quốc có thể duy trì căng thẳng ở “cường độ thấp”, dưới mức ngưỡng xung đột vũ trang. Với các nước trong khu vực, đối phó với chiến thuật này của Trung Quốc vô cùng khó khăn.
Theo quy định của UNCLOS, quốc gia ven biển có các quyền chủ quyền về việc thăm dò, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên sinh vật hoặc không sinh vật của vùng nước đáy biển, của đáy biển và vùng đất dưới đáy biển cũng như những hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vì mục đích kinh tế trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý tính từ đường cơ sở.
Bằng các hoạt động ngăn cản, cưỡng chế, Trung Quốc không chỉ vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển mà còn ngăn chặn các quốc gia này có thể tiếp cận nguồn năng lượng có trị giá 2,5 nghìn tỷ USD. Hành động như vậy của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam, Philippines, Malaysia đã đe dọa an ninh năng lượng khu vực, đồng thời làm suy yếu thị trường năng lượng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông tiếp tục có diễn biến phức tạp, các đại biểu tham dự Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 9 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 7 đã nhấn mạnh nguyên tắc tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp; tuân thủ luật pháp, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình mọi tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS.
Trước hết, các đại biểu khẳng định các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều bình đẳng trước luật pháp quốc tế, do đó cần quan hệ và hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế. Trong xử lý các tranh chấp, các đại biểu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của UNCLOS trong vai trò “Hiến pháp của đại dương”, tạo nền tảng cho việc thiết lập trật tự pháp lý nhằm điều chỉnh mọi hoạt động trên biển của các quốc gia.
Là thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có quyền, lợi ích ở các khu vực được quy định trong UNCLOS, trong đó có lãnh hải, thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) mở rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Nhưng Trung Quốc không thể có lợi ích nhiều hơn bằng cách đưa ra các yêu sách rộng khắp của mình, nhất là khi các yêu sách đó không phù hợp với UNCLOS.
Chẳng hạn như Trung Quốc cho rằng mình có “quyền lịch sử” ở Biển Đông. Tuy nhiên, UNCLOS không công nhận “quyền lịch sử” này và các nước trong khu vực cũng không chấp nhận. Những yêu sách bất hợp pháp, không phù hợp với UNCLOS như vậy không thể là cơ sở để khẳng định rằng có tồn tại các vùng biển tranh chấp do bị chồng lấn giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực.
Trên thực địa, những khu vực hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cách bờ biển Việt Nam dưới 200 hải lý, trong khi cách bờ biển Trung Quốc rất xa, có nơi tới hơn 500 hải lý. Theo UNCLOS, những nơi đó hoàn toàn nằm trong vùng biển của Việt Nam chứ không thể của Trung Quốc.
Thêm vào đó, các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa, theo phán quyết của trọng tài trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, không thể có vùng biển rộng hơn 12 hải lý.
UNCLOS đã quy định chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Trường Sa không phải quốc gia quần đảo nên không thể có đường cơ sở quần đảo. Các đảo đá mà Trung Quốc tôn tạo thành các căn cứ quân sự ở Trường Sa đều là nhân tạo, không phải là đảo, vì con người không thể sống trên đó. Lực lượng mà Trung Quốc đưa đến các đảo nhân tạo này sống bằng nguồn cung từ bên ngoài, chứ không phải bằng các tài nguyên của chính các đảo đá này. Vì vậy, các thực thể này không thể có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Có thể thấy những quy định của UNCLOS là rất rõ ràng. Việc tự ý diễn giải lại quy định của Công ước là điều mà thế giới không thể chấp nhận. Những tuyên bố cũng như cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian gần đây đã đe dọa nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, không có lợi cho hòa bình và ổn định ở khu vực. Những hành động đó phải bị lên án và ngăn chặn.
Theo ANTĐ